Xe công cũng đi chùa đầu năm.
Đền ông Hoàng Mười (xã Hưng Thịnh, Hưng Nguyên, Nghệ An) được người dân kháo nhau là chốn rất thiêng, đặc biệt là về đường công danh. Bởi vậy, vào dịp đầu năm mới lượng du khách đổ về đây rất đông. Ngay từ đường vào đền đã la liệt những "cái bang" cố trưng ra những khiếm khuyết của cơ thể để cầu xin lòng thương hại của người đời. Những tiếng than thở, ỉ ôi, những chiếc rổ chìa sát mặt du khách… Khi số tiền trong rổ hay nón đã đầy, họ lại xếp riêng vào túi mang cạnh sườn và tiếp tục chìa cái rổ trống không ra.
Đường vào đền ông Hoàng Mười, du khách được "chào đón" bởi một lực lượng cái bang hùng hậu.
Nhộn nhịp nhất phải là khu vực sân đền và chính điện thờ quan Hoàng Mười. Trước sân đền chỉ rộng khoảng vài chục mét vuông đã đếm được tổng cộng… 5 hòm công đức. Mặc dù ban quản lý đền đã dựng tấm biển: “Mỗi người chỉ thắp một cây hương” nhưng bỏ ngoài tai ngoài mắt, hàng chục, hàng trăm du khách chen chúc, khấn vái cả vào lưng nhau và cố cắm cho được cả bó hương đang cháy nghi ngút vào lư hương giữa sân.
Lư hương có chu vi cỡ một mét đầy ú ụ, người ta vẫn cố chen lấy một chỗ để cắm hương của mình, dẫu để có chỗ cho chân hương đứng, bao nhiêu que hương đang cháy dở bị “đánh bật” ra khỏi lư. Ngay dưới chân lư, la liệt những que hương cháy dở bị du khách "tỉa bớt" để lấy chỗ cắm hương của mình . Khi lư hương quá đầy, lửa bắt thành ngọn, bùng lên. Dù vậy người khấn kẻ vái vẫn chăm chăm việc riêng của mình. Thậm chí, có người còn xem đó là một dịp may để châm hương, khỏi mất công thắp nến hay bật lửa.
Hổ đá trên tắc môn cũng được "ngậm" tiền.
Ngay trước tắc môn đền thờ, Ban quản lý đền cũng cẩn thận dựng tấm biển ghi dòng chữ đỏ bắt mắt: “Không cắm hương vào tắc môn”. Ấy thế nhưng, cứ chỗ nào có thể cắm được hương đều có "sản phẩm". Và dường như 5 hòm công đức đặt ở sân đền chưa đủ cho cái triết lý "tiền có xuất, Phật mới biết" nên người ta còn tranh thủ “nhét” tiền lẻ vào miệng hổ đá được chạm trổ trên tắc môn.
Ngoài sân đền chen chúc, khu chính điện thờ, sự chen lấn lộn xộn cũng tái diễn không kém. Trên 3 tấm chiếu đặt trước điện thờ, người quỳ kẻ đứng xì xụp khấn vái. Ở trong này đã có hẳn một đội quân chuyên khấn thuê, rút quẻ giải hạn. Thỉnh thoảng, tiếng chuông điện thoại réo inh ỏi, một người đàn ông mặc áo dài đỏ, ngồi xếp bằng trên tấm chiếu ngay trước chính điện ngừng “phán”, rút điện thoại trả lời oang oang: “Đợi tý, đang cúng dở cho khách”.
Trong chính điện, kẻ đứng người quỳ lộn xộn.
Trong này cũng không thiếu hương hoa, vàng mã để phục vụ cho khách được (hay bị) phán có hạn cần phải giải. Và tất nhiên, ở chốn linh thiêng thần thánh này, chẳng ai dám mặc cả đắt rẻ mặc dù giá của những món đồ cúng này đắt gấp đôi, gấp 3 lần khi chúng được bán ở ngoài cổng đền.
Khu vực bói toán, giải hạn cũng sôi động không kém. Trên mỗi manh chiếu nhỏ trải trước 3 điện thờ (2 điện thờ ở khu đền chính và 1 điện thờ ở khu đền phía ngoài) có 3-5 người hành nghề xóc thẻ, giải tử vi. Số tiền phải trả cho mỗi lần xóc thẻ là 20.000 đồng (bao gồm cả 30 phút chờ đợi và vẻn vẹn 3-5 phút nghe một ông thầy khác giải quẻ). Một “thầy” còn khá trẻ, miệng liến thoắng hướng dẫn du khách xóc để lấy thẻ tay lần mò trong chiếc cặp da đặt bên cạnh để tìm đúng lá số có con số tương ứng với số thẻ khách vừa xóc rơi ra, rồi chỉ sang người đàn ông bên cạnh để giải. Chẳng biết lời giải của thầy tốt xấu ra sao, chỉ thấy khách chen vào rồi lại đi ra, người hỉ hả, kẻ cau có, khó chịu. Chỉ trong vòng 30 phút có 16 người vào xóc thẻ nghĩa là chỉ ngần ấy thời gian, 2 "thầy" đã thu được hơn 300.000 đồng!
Bói toán...
...giúp nhiều người hốt bạc.
...giúp nhiều người hốt bạc.
Chị Nguyễn Thị Mẫn (phường Trung Đô, Tp Vinh) bực tức: “Rút quẻ thứ nhất, thầy bảo nhà tôi năm nay gặp hạn lớn, không mất của thì cũng tai nạn. Sang hàng khác rút quẻ thứ 2, thầy lại phán năm nay vợ chồng con cái lục đục. Phán xong thầy nào cũng gợi ý sắm lễ giải hạn. Biết thế này đừng dại vào rút quẻ để thêm lo lắng vào người”.
Còn đôi bạn Minh - Thương sau khi chen lẫn mãi mới được thầy xem bói chỉ tay cho. 2 người mất 4 chục nghìn nhưng thầy phán xong thì Minh mặt đỏ tía tai kéo bạn gái đi thẳng. “Hai bên gia đình đã đi lại và quyết định tháng 2 này sẽ cho bọn mình tổ chức lễ cưới. Vậy mà ông thầy này cứ một mực bảo không lấy nhau được, khắc tuổi. Đúng là mất tiền mua bực vào người”.
Lễ chùa đầu năm, còn đâu một nét văn hóa tâm linh?