Sau nhiều năm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ Mật đã được tổ chức lại vào ngày 2/2 vừa qua, thu hút rất đông người dân háo hức đến xem.

Theo ghi nhận, ngay sau khi phần tế được thực hiện xong lúc gần 0h sáng, người dân địa phương và du khách thập phương đã vây kín miếu Đụ Đị (tên gọi phổ biến hơn của miếu Trò) để được tận mắt chứng kiến hai vợ chồng làm "chuyện ấy" ở trong miếu.

"Hai năm trước chúng tôi không được chứng kiến nhưng vẫn luôn nhắc đến lễ hội này. Tôi có vợ quê ở Lâm Thao, gia đình hẹn anh em họ hàng ở quê, tôi xuất phát từ Hà Nội lên xem và được chứng kiến toàn bộ diễn biến", anh Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ.

Lễ "Linh tinh tình phộc" độc đáo ở Phú Thọ thu hút hàng nghìn người xem - Ảnh 1.

Hàng nghìn người dự lễ hội độc đáo

Anh Chử Đức Chiến (SN 1978) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (SN 1990), đều là người dân gốc sống tại làng Trò. Trước khi nghi lễ bắt đầu, anh Chiến phải cởi trần, đóng khố. Chị Huyền mắc váy đụp và áo tứ thân.

Gần đến giờ thực hiện nghi lễ, ông Chử Đức Bách (71 tuổi), chủ từ miếu Trò thắp hương xin phép trước khi lấy linh vật để hai vợ chồng anh Chiến thực hiện phần quan trọng nhất.

Sau đó, ông Bách ngồi giữa cặp vợ chồng, cầm cây đàn Giằng Xay, hát thờ để xin phép thực hiện nghi lễ. Linh vật thực hiện nghi lễ là Nõ và Nường, trong đó Nõ tượng trương cho bộ phận sinh dục nam, Nường tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ.

Khi đến giờ, ông Bách yêu cầu tất cả phải tắt điện và hô to 3 tiếng "Linh tinh tình phộc", ứng với mỗi tiếng hô đó là một lẫn anh Chiến cầm Nõ đâm vào Nường người vợ đang cầm. Sau khi xong, thủ từ ra đứng trước cửa miếu hô to ba tiếng "Tháo khoán, tháo khoán, tháo khoán".

Lễ "Linh tinh tình phộc" độc đáo ở Phú Thọ thu hút hàng nghìn người xem - Ảnh 2.

Cặp vợ chồng năm thứ 8 được thực hiện nghi lễ quan trọng

Ngay sau khi kết thúc lễ hội, ông Chử Đức Bách cho biết, lễ hội Trò Trám có rất nhiều nghi thức khác nhau, được diễn ra vào ngày 11 và 12 tháng Giêng hàng năm, trong đó phần được nhiều người quan tâm và biết đến đó là Lễ Mật. 

Theo đó, khi thực hiện nghi thức trong Lễ Mật, người con trai cầm Nõ (tượng trưng cho bộ phận sinh dục nam) và người con gái cầm Nường (tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ), sau khi làm lễ, chủ tế hô vang "Linh tinh tình phộc" 3 lần thì lập tức người đàn ông cầm Nõ đâm vào Nường mà người con gái cầm.

"Việc đưa linh vật của nam và nữ để thờ cúng đã có từ ngàn đời xưa, mong lưu giữ được nét văn hóa phồn thực trong nhân dân. Hơn thế nữa, việc thờ - lễ hai bộ phận quan trọng của nam và nữ còn mang ý nghĩa cầu cho con cháu mạnh khỏe, sinh sôi đầy đàn", ông Bách cho biết.

Theo ông Bách, theo truyền thống xưa, người thực hiện nghi lễ linh tinh tình phộc phải là "nam thanh, nữ tú", tuy nhiên do các cô gái chưa chồng rất ngại ngùng trong việc thực hiện nghi lễ, vì thế mới đổi thành những cặp đôi đã nên vợ, thành chồng.

Ngày nay khi đời sống văn hóa phát triển, nhận thức của mọi người nâng cao nên không còn những cảnh "tháo khoán" như ngày xưa. Thế nhưng, dân làng sinh sống ở đây mỗi ngày hội đến vẫn có mặt đông đủ để nghe, để học và hiểu về nét đẹp văn hóa của cha ông để lại.

Hai vợ chồng anh Chiến cho biết, dù đây đã là năm thứ 8 hai vợ chồng anh thực hiện nghi lễ này, thế nhưng cảm giác vẫn rất hồi hộp, lo lắng như lần đầu tiên làm "chuyện ấy". 

"Trước sự chứng kiến của nhiều người nên chắc chắn có sự lo lắng nhất định, nhưng vợ chồng tôi cố gắng thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất để không phụ lòng mong mỏi của mọi người. May mắn cả ba lần Nõ đều đâm trúng Nường", chị Huyền chia sẻ.

Sau khi thực hiện xong hết phần nghi lễ, toàn thể người dân tham gia lễ hội, cũng như du khách thập phương cùng tham gia "thụ lộc" ngay tại sân miếu. Tất cả mọi người khi thụ lộc đều bình đẳng như nhau, không phân biệt chức tước, tuổi tác. Đây chính là nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần đoàn kết của người dân làng Trò nói riêng và Tứ Xã nói chung.

Do rất đông người dân đứng vây quanh, sau khi thực hiện xong nghi lễ, chị Huyền phải được sự bảo vệ của chồng, đi nép sát vào vòng tay chồng để tránh những bàn tay "tò mò" của người tham gia lễ hội.

Ông Nguyễn Quốc Mường – Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Xã, Trưởng ban Lễ hội xuân 2023 của xã cho biết, lễ hội Trò Trám hiện đang là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, được người dân địa phương và du khách thập phương rất quan tâm.

"Ngay từ trước tết Ban tổ chức đã chuẩn bị họp các tiểu ban, nhất là ban văn nghệ để tập luyện, rồi chuẩn bị sửa soạn đạo cụ chu đáo nhất có thể để phục vụ lễ hội. Ngoài ra, vấn đề an ninh cũng thắt chặt, đảm bảo an ninh tối đa khi diễn ra lễ hội", ông Mường chia sẻ.

Lễ "Linh tinh tình phộc" độc đáo ở Phú Thọ thu hút hàng nghìn người xem - Ảnh 5.

Chủ từ miếu Trò thực hiện nghi lễ quan trọng

Được biết, lễ hội Linh tinh tình phộc hay còn gọi là Trò Trám, được diễn ra tại miếu Trò (miếu Đụ Đị) ở Tứ Xã, Lâm Thao có ý nghĩa tín ngưỡng rất lớn trong đời sống nhân dân. Lễ hội này là biểu hiện tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp lúa nước cầu mong cho mùa màng tốt tươi, vạn vật sinh sôi nảy nở, sức khỏe bình an trong một năm mới.

Tính từ năm 1993, khi phục dựng lại lễ hội đến nay, có 4 cặp vợ chồng được thực hiện nghi lễ này, năm nay hai vợ chồng anh Chử Đức Chiến (SN 1978) và chị Bùi Thị Thanh Huyền (SN 1990) sẽ là người thực hiện nghi lễ.

Cặp vợ chồng được chọn thực hiện nghi lễ phải hội tụ đủ các yếu tố:

+ Được nhân dân lựa chọn, đưa ra ban tổ chức xét duyệt;

+ Gia đình có truyền thống văn hóa;

+ Không có bụi băm (không mất tứ thân phụ mẫu);

+ Gia đình tuân thủ đường lối, chính sách của đảng, nhà nước;

+ Sinh con, đẻ cái thuận lợi;

+ Làm ăn kinh tế cơ bản…