PGS.TS Nguyễn Thị Bình, Phụ trách Phòng Quản lý Đào tạo ĐH, Trường ĐH Y Hà Nội cho hay khóa Bác sĩ (2016-2022) có 436 sinh viên ngành Bác sĩ Y khoa; 73 sinh viên ngành Bác sĩ Y khoa Phân hiệu Thanh Hóa; 33 sinh viên ngành Bác sĩ Y học cổ truyền; 47 sinh viên ngành Bác sĩ Răng Hàm Mặt; 71 sinh viên ngành Bác sĩ Y học Dự phòng được công nhận và cấp bằng tốt nghiệp năm 2022.
Khóa Cử nhân (2018-2022) có: 58 sinh viên ngành Kỹ thuật Xét nghiệm y học; 55 sinh viên ngành Khúc xạ nhãn khoa; 64 sinh viên ngành Điều dưỡng; 63 sinh viên ngành Cử nhân Dinh Dưỡng; 27 sinh viên ngành Cử nhân Y tế công cộng được công nhận và cấp bằng tốt nghiệp năm 2022.
PGS Nguyễn Thị Bình chia sẻ, đây là khóa học được tăng cường kỹ thuật chuyên ngành, thực hành tay nghề, kỹ năng, phương pháp dạy học tích cực và lượng giá trắc nghiệm hơn 95% môn học. Đặc biệt, các sinh viên của khóa học được tham gia nghiên cứu khoa học, hoạt động cộng đồng, tham gia phòng chống dịch bệnh. Nhiều sinh viên giành được học bổng ngoài ngân sách.
PGS Nguyễn Thị Bình cho biết tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi chiếm 70- 80%. Tỷ lệ tốt nghiệp tương đồng với tỷ lệ tuyển sinh, trong đó, điểm của các Bác sĩ đa khoa cao nhất.
Tuy vậy, nhìn vào kết quả học tập của gần 1.000 sinh viên tốt nghiệp lần này, có thể thấy, ngành Bác sĩ Đa khoa đào tạo “khốc liệt” nhất ở Trường ĐH Y Hà Nội.
Những thí sinh trúng tuyển ngành học này năm 2016 đều phải đạt tối thiểu 27 điểm (bình quân 9 điểm/môn). Nhưng khi tốt nghiệp, phần lớn các em chỉ đạt tốt nghiệp loại khá, tỉ lệ sinh viên có bằng giỏi khá thấp, có 1 em (trong số 436 em) thậm chí chỉ đạt kết quả tốt nghiệp trung bình. Tỉ lệ tốt nghiệp loại giỏi của ngành Bác sĩ đa khoa chỉ đạt 12,6%.
Mặc dù vậy, tỷ lệ này có sự tương đồng đối với điểm chuẩn đầu vào của trường. Ngành Bác sĩ đa khoa vẫn có tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi cao nhất và điểm chuẩn cũng cao nhất, 27 điểm; tiếp theo là Răng Hàm Mặt (6,4%), mức điểm chuẩn 26,75 điểm; ngành Y học cổ truyền (3%), mức điểm chuẩn 22,5; chuyên ngành Bác sĩ y học dự phòng không có sinh viên nào tốt nghiệp loại giỏi, điểm chuẩn là 22 điểm.
Trong khi đó, với các ngành cử nhân của Trường, việc có được tấm bằng giỏi thuận lợi hơn nhiều. Tỉ lệ tốt nghiệp loại giỏi cao nhất trong khối ngành cử nhân thuộc về ngành Y tế công cộng (20%). Tiếp theo là Xét nghiệm y học (10,3%), Dinh dưỡng (6,3%), Khúc xạ nhãn khoa (1,85%). Ngành điều dưỡng không có sinh viên nào tốt nghiệp loại giỏi. Mức điểm chuẩn năm 2018 của những ngành này lần lượt là 18,1 điểm, 21,55 điểm, 19,65 điểm, 21,6 điểm. Còn điểm chuẩn ngành Y đa khoa năm 2018 tương quan là 24,75 điểm.
Phát biểu tại buổi Lễ, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội chia sẻ khóa Cử nhân (2018-2022) và Bác sĩ Y khoa (2016-2022) là khóa học hết sức đặc biệt trong lịch sử đào tạo của Trường.
Khóa học của các em đã đi trong đại dịch COVID-19 vô cùng khủng khiếp trên toàn thế giới với hàng chục triệu người tử vong trong đó có Việt Nam; việc giảng dạy và học tập của toàn trường bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là thực tập, thực hành lâm sàng.
Các thầy cô cùng với các em đã phải vừa giảng dạy, học tập vừa tích cực tham gia phòng chống dịch tại nhiều mặt trận trên cả nước, đặc biệt nhiều sinh viên bám trụ tại những tâm dịch khốc liệt nhất.
"Bằng tinh thần dũng cảm, sáng tạo, linh hoạt thích ứng của thầy và trò Trường ĐH Y Hà Nội đã vượt lên mọi khó khăn đảm bảo tiến trình đào tạo, duy trì chất lượng và góp sức cùng ngành, cùng đất nước đẩy lùi dịch bệnh; Khóa học của các em cũng đã đi trong công cuộc đổi mới đào tạo ĐH lịch sử của Nhà trường với vô vàn khó khăn và thách thức. Lần đầu tiên tại Trường Đại học Y Hà Nội đổi mới đào tạo được thực hiện căn bản và toàn diện từ chương trình, vật liệu dạy học, phương pháp giảng dạy, đến tổ chức giảng dạy, đánh giá và lượng giá…”, GS Nguyễn Hữu Tú nói.