Chị Hoàng Hằng là giáo viên mầm non tại Úc, chủ kênh Youtube Hey, Hằng. Nhiều video về phương pháp học tập, dạy con trong cuộc sống của chị nhận được sự yêu thích của học sinh, sinh viên vì rất thực tế, dễ ứng dụng.
Những chia sẻ đó xuất phát từ chính kinh nghiệm đồng hành cùng các con trong 18 năm qua. Đặc biệt, với sự hỗ trợ không mệt mỏi của mẹ, con gái chị - em Patricia Quyen, từ học chậm, bị cô giáo phản ánh đã trở thành một trong những thủ khoa kỳ thi vào đại học toàn nước Úc.
- Được vinh danh tấm gương tiêu biểu trong phong trào hoạt động nhân đạo, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Úc đích thân trao tặng Giấy khen "Công dân tích cực và hiểu biết" vì những cống hiến cho cộng đồng.
- Cá nhân duy nhất giành huy chương cho thành tích xuất sắc ở môn Giáo dục thể chất ở trường Trung học vào năm lớp 10.
- Giải Nhì "Học sinh nữ xuất sắc nhất về môn Toán" do Đại học New South Wales trao tặng. Thành lập câu lạc bộ bảo vệ môi trường thu hút hơn 200 học sinh tham gia. Câu lạc bộ đã đưa ra nhiều chất vấn các thành viên trong Quốc hội Úc về vấn đề khí thải và các biện pháp bảo vệ môi trường.
- Đậu đại học với thang điểm cao nhất 99.95, trở thành một trong những Thủ khoa kỳ thi vào đại học toàn nước Úc.
Từng học chậm, mắc chứng "tuyệt đối hóa"
Ngày học tiểu học, Patricia Quyen tiếp thu bài khá chậm. Khi em chưa hiểu câu hỏi thì các bạn đã trả lời xong. Điều này khiến em rất buồn. Nhìn con, chị Hằng an ủi và khuyến khích con đọc sách cùng mẹ nhiều hơn, đồng thời đặt câu hỏi cho nhau. Điều này sẽ giúp con cải thiện tốc độ suy nghĩ. Chị Hằng bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối giúp con gái vững lòng.
Khoảng 2 năm sau, từ một cô bé khá rụt rè và nghĩ chậm, Patricia Quyen đã xung phong trả lời câu hỏi của cô giáo một cách đầy hào hứng.
Có lần, năm Patricia Quyen học lớp 1, cô giáo phản ánh con làm bài rất chậm. Một hôm, chị Hằng lén ở lại, nhìn con qua khung cửa sổ lớp, chị phát hiện con mắc chứng "tuyệt đối hóa", tức là con dành cả chục phút chỉ để tẩy đi mấy dòng chữ vừa viết sai trong vở. Sau đó, chị đã đồng hành cùng con suốt mấy năm để giúp con thay đổi dần thói quen này.
Bà mẹ này đặt ra cho con một quy tắc bắt buộc là phải nộp bài tập trước 1 ngày khi hết hạn. Áp lực này khiến con không còn đủ thời gian chỉnh sửa từng câu, chữ trong bài tập một cách máy móc nữa mà phân chia các bước làm bài một cách hợp lý và khoa học hơn.
Suốt ba năm Patricia rất hiếm khi đến trường vì lý do sức khỏe, chỉ tới làm bài thi và hoàn toàn tự học ở nhà qua sách giáo khoa. Tuy nhiên, bằng tinh thần tự học bền bỉ cùng sự động viên của gia đình, em đã đạt được thành tích đáng ngưỡng mộ.
Phương pháp siêu hiệu quả giúp con học tốt
Theo chị Hoàng Hằng, có một số người nghĩ rằng, có bố mẹ học giỏi thì con chẳng cần phải học hành chăm chỉ cũng tự giỏi. "Như trường hợp con gái mình, khi nghe tin con đạt điểm tuyệt đối vào Đại học Úc thì một số người quen biết nhà mình tặc lưỡi: "Có bố ngày trước đậu thủ khoa một trường Đại học lớn ở Việt Nam thì con bây giờ là thủ khoa cũng chả có gì lạ! Nhà này mang sẵn gen thủ khoa rồi!", chị nói.
Thực tế, như đã chia sẻ, con gái chị không thuộc loại thông minh trời phú, cầm lấy bút là tìm ra đáp số. Ngược lại, em chậm chạp, suy nghĩ luôn đi sau so với bạn bè cùng lứa hồi học cấp 1 rất nhiều.
Chị biết vậy nên cùng con xác định hướng đi "chậm mà chắc" và quan điểm rất rõ ràng: Không học gạo, ôn bài không phải chỉ để nhớ mà quan trọng là để hiểu. Vì chỉ khi thực sự hiểu bài thì mới áp dụng được kiến thức đó vào việc giải quyết những câu hỏi mở rộng hay những bài Toán nâng cao. Vì thế, kết quả mà con đạt được chính là sự kết hợp của phương pháp học tập hiệu quả và sự cố gắng nỗ lực của chính bản thân con chứ không phải chỉ vì con có một "gen tốt".
Một trong những phương pháp học được giáo viên ở trường con chị Hằng khuyến khích học sinh thực hành trong việc ghi chép bài giảng, đó là CORNELL. Giáo viên không chỉ dẫn cho các con cách áp dụng phương pháp này như thế nào, mà chỉ nói đúng một câu: "Các em tự tìm thông tin và tìm hiểu cách làm". Tuy nhiên, vì mỗi phương pháp có thể chỉ có một cái tên chung nhưng việc áp dụng phương pháp đó như thế nào lại tùy thuộc vào cách hiểu của mỗi người.
Áp dụng phương pháp CORNELL như thế nào?
Theo chị Hằng, đầu tiên, chúng ta cần thiết lập bố cục cho mẫu trang giấy CORNELL bằng cách chia làm 4 phần. Phần trên cùng ghi ngày tháng và tiêu đề bài học. Sau đó chúng ta sẽ kẻ một đường dọc, chia tờ giấy làm 2 phần. Chừa khoảng 4 dòng kể từ dưới lên. Cột ghi chép bên phải tờ giấy sẽ chiếm khoảng 2/3 trang. Cột gợi ý bên trái tờ giấy sẽ chiếm khoảng 1/3 trang. Phần tóm tắt nằm ở phần cuối cùng của trang giấy.
Khi sử dụng ghi chú dạng CORNELL, bước đầu tiên, học sinh sẽ ghi chép nội dung bài học vào cột bên phải trong giờ học. Sau giờ học, khi có thời gian, học sinh sẽ tiếp tục hoàn thành cột gợi ý và phần tóm tắt.
Nên thực hành thường xuyên, và theo cách lặp lại cách quãng để thông tin được giữ lại trong trí nhớ. Ví dụ, bạn có thể trả lời câu hỏi vào thời điểm một ngày sau khi ghi chép rồi ôn lại sau 3 ngày, rồi tiếp tục việc này vào một tuần sau đó.
Chị Hằng cho biết, có người chưa hiểu hết ý đồ của phương pháp sẽ ghi hết cả phần nội dung bài giảng (tức là phần trả lời) vào cột bên trái của sơ đồ CORNELL, trong khi cột này lẽ ra chỉ dành cho phần câu hỏi và cách ghi chép này khiến cho việc ôn tập trở nên rắc rối và khó khăn. Bởi vậy, có những học sinh đọc xong hướng dẫn về ghi chép CORNELL rồi nhưng chưa hiểu đúng hoặc hiểu hết ý nghĩa và tác dụng của phương pháp này nên cuối cùng vẫn bỏ ngang, không áp dụng được.