Phát biểu đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại tại nhiều nơi trên thế giới, trong khi một số nước lại đang phải đối mặt với nguy cơ làn sóng lây nhiễm thứ 2.
Trả lời hãng tin AP, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, điều quan trọng nhất hiện nay là phải làm cho các nước hiểu rằng, sự phối hợp toàn cầu vẫn luôn là chìa khóa giải quyết cho mọi cuộc khủng hoảng. Chính chính sách đơn lẻ của nhiều quốc gia đã khiến tình hình vượt tầm kiểm soát.
“Đại dịch Covid-19 đã lan rộng trên khắp thế giới và ảnh hưởng tới tất cả các châu lục. Để đối phó với Covid-19, cũng như tất cả các thách thức toàn cầu hiện nay từ biến đổi khí hậu đến những thách thức trong không gian mạng, chúng ta cần sự đoàn kết. Đây là cốt lõi của chủ nghĩa đa phương. Chúng ta phải hiểu rằng, không có quốc gia nào an toàn và lành mạnh cho đến khi tất cả các quốc gia đều an toàn và khỏe mạnh”, ông Antonio Guterres nói.
Những phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh chuyên gia hàng đầu Mỹ về các bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci cảnh báo, sự tăng vọt về số ca nhiễm ở các bang miền Nam và miền Tây của nước này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu không có các biện pháp hạn chế. Chuyên gia này cũng phản bác ý định của Tổng thống Donald Trump ngừng hỗ trợ các địa điểm xét nghiệm từ ngày 30/6, bao gồm 7 địa điểm tại Texas, bất chấp số ca nhiễm và nhập viện vẫn đang tăng nhanh.
“Mỹ là một đất nước rất rộng lớn và không đồng nhất. Chúng ta đã có hơn 120.000 người tử vong và 2,5 triệu người mắc Covid-19. Vì vậy, đó là một tình huống nghiêm trọng. Nếu như tại New York, nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, họ đã làm rất tốt trong việc giảm số ca lây nhiễm, thì ở các khu vực khác của đất nước, chúng ta vẫn đang chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại của các ca lây nhiễm”, ông Anthony Fauci nói.
Mỹ vẫn là nước có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới và chỉ riêng ngày hôm qua cũng ghi nhận tới gần 800 ca tử vong. Trên thế giới, số ca nhiễm tại các nước vốn đã chứng kiến virus lây lan chậm hơn và chững lại trong thời gian qua nay cũng tăng trở lại, bao gồm Australia, Đức, Bồ Đào Nha và Hàn Quốc, đặt giới chức y tế vào tình trạng báo động.
Trong khi đó, số ca tử vong tại khu vực Mỹ Latin cũng đã vượt con số 100.000 trường hợp tính đến hết ngày 23/6. Là nước có số ca mắc và tử vong vì Covid-19 cao thứ hai thế giới, Brazil trong 24 giờ qua chứng kiến một trong những ngày đại dịch bùng phát dữ dội nhất, khi các ca mắc Covid-19 mới và tử vong đều tăng vọt. Hiện số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại quốc gia Nam Mỹ này đã lên tới hơn 1 triệu người, trong đó hơn 52.000 trường hợp tử vong.
Dù dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, nhưng Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vẫn khẳng định phản ứng của thế giới đối với những hậu quả do đại dịch Covid-19 gây ra là quá “phóng đại”, đồng thời tiếp tục bảo vệ quan điểm thúc đẩy mở cửa trở lại các trung tâm thương mại và khôi phục những hoạt động bị đình chỉ bởi các biện pháp giãn cách xã hội./.