Nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục lì xì đầu năm
Tương truyền, phong tục lì xì đầu năm có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nó bắt nguồn từ một con quái vật thường xuất hiện trong đêm giao thừa với mục đích làm hại các em nhỏ. Nếu như con quỷ chạm vào đầu các em nhỏ thì chúng sẽ bị bệnh thậm chí tử vong.
Một cặp vợ chồng trong làng vì không có nơi nào khác để chuyển tới, nên đã cầu nguyện thần linh bảo vệ đứa con của họ. Đáp lại lời thỉnh cầu, vị thần gửi xuống 8 nàng tiên. Khi màn đêm buông xuống, các nàng tiên sẽ biến thành những đồng xu, ẩn mình dưới chiếc gối của em bé. Thời điểm con quỷ đưa tay chạm vào em bé, 8 đồng xu bỗng phát sáng rực, khiến con quỷ hoảng sợ và không dám lui tới.
Dân làng biết được liền truyền tai nhau, họ cùng nhau đặt rất nhiều đồng xu để bảo vệ các em nhỏ. Cũng kể từ đó, tục tặng tiền xu cho các em nhỏ bắt đầu xuất hiện, với hy vọng bảo vệ trẻ nhỏ khỏi tà ma, ác quỷ.
Tục lì xì có nguồn gốc khá lâu đời.
Đến thời nhà Tần, người cao tuổi giữ thói quen trên và thường buộc các đồng xu vào sợi dây màu đỏ. Chuỗi tiền này được gọi là “yāsuì qián” ( 壓 祟 錢) có nghĩa là “tiền trừng phạt ma quỷ”, giúp trẻ em tránh được bệnh tật và ma quỷ.
Tuy nhiên, đến ngày nay, khi việc in ấn trở nên phổ biến hơn, người ta dần chuyển sang dùng phong bao và cũng có biến nghĩa trong tên gọi. Chữ “sui” (祟) đã được thay thế bằng một từ đồng âm (歲) có nghĩa là “tiền thay thế tuổi già” và nó có ý nghĩa như vậy cho tới tận ngày nay.
Phong tục lì xì ở các nước
Trung Quốc
Tục lì ì đầu năm được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, phong bao lì xì được gọi là “Hongbao”. Đúng như tên gọi, người dân sẽ dùng những chiếc phong bì màu đỏ để đựng tiền bên trong. Người dân nơi đây quan niệm màu đỏ là biểu tượng của sự hạnh phúc và may mắn. Gửi tặng phong bao màu đỏ cũng chính là cách để gửi những lời chúc tốt đẹp và may mắn tới người nhận.
Người dân Trung Quốc không bao giờ đặt số tiền có mệnh giá liên quan tới số 4, vì con số này được coi là không may mắn. Họ còn có thói quen mang theo bao lì xì trong suốt 16 ngày đầu năm mới. Người Trung Quốc không bao giờ nhận lì xì bằng một tay, cũng không mở nó ra ngay trước mặt người tặng, mà thường để dưới gối khoảng 1 tuần mới mở ra.
Việt Nam
Lì xì hay mừng tuổi đầu năm là một nét văn hóa trong ngày Tết Nguyên đán ở Việt Nam.
Tại Việt Nam, vào thời xa xưa, tục lì xì hay còn được biết đến như mừng tuổi đầu năm vốn chỉ là những đồng tiền xu bỏ trong phong bao giấy hồng điều, hoặc trang trí vàng son bắt mắt mà người lớn tặng cho trẻ con trong những ngày Tết.
Khi được người lớn tặng lì xì, trẻ sẽ vui cười và tiếng cười của trẻ có thể xua đuổi điều xấu. Vì vậy mừng tuổi cũng có ý nghĩa cầu may, cầu phúc trong năm mới. Bên cạnh đó, người Việt còn có lệ đặt tiền lẻ trong phong bao với ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.
Tuy vậy, tới ngày nay, tục mừng tuổi đã cởi mở hơn, đặc biệt những người nhỏ tuổi nhưng đã lập gia đình, đã có thu nhập thì có thể mừng tuổi cho những bậc cao niên như cha mẹ, ông bà để cầu mong sự may mắn, sức khỏe, bình an.
Khi dành tặng nhau những phong bao lì xì, người dân thường có thói quen gửi tặng kèm những lời chúc như “An khang thịnh vượng”, “Sống lâu trăm tuổi”, “Vạn sự như ý”… với mong muốn người được nhận lì xì sẽ có một năm mới thịnh vượng trong về cả tài lộc và sức khỏe.
Hàn Quốc
Trẻ em Hàn quốc cũng mong chờ giây phút được tặng bao lì xì.
Tại xứ sở kim chi, tục lì xì cũng khá phổ biến. Tuy nhiên, thay vì dùng phong bao màu đỏ, người dân lại ưa chuộng màu trắng. Trên những phong bao này có ghi cả tên của người được nhận.
Bên cạnh những phong bao lì xì, người lớn trong gia đình thường chuẩn bị những món snack ngon và nước ngọt đóng chai để sẵn trong nhà, để khi nhà có trẻ con đến chơi thì họ sẽ mang những loại snack này cho chúng ăn. Còn với người lớn thì họ thường tặng nhau những món quà đặc trưng của Hàn Quốc như các loại sâm quý hiếm.
Philippines
Ở Philippines, Tết Nguyên đán cũng được tổ chức tưng bừng bởi những người Philippines gốc Hoa. Cho tới ngày nay, phong bì đỏ hay tục lì xì đầu năm cũng trở nên phổ biến hơn đối với cả những người không mang dòng máu Trung Hoa.
Cộng đồng người Hồi giáo ở Châu Á
Những người Mã Lai theo đạo Hồi sinh sống ở Malaysia, Brunei, Indonesia và Singapore cũng sớm tiếp nhận tục lệ mừng tuổi người già và trẻ nhỏ trong Tết Eid al-Fitr của người Hồi giáo. Tuy vậy, thay vì dùng phong bao đỏ, họ dùng phong bao xanh lá cây.
Người Hồi giáo ở Châu Á thường dùng phòng bao màu xanh lá cây thay cho màu đỏ. (Ảnh minh họa)
Vào dịp Tết Eid al-Fitr, những gia đình Hồi giáo thường chuẩn bị sẵn nhiều phong bao xanh lá cây để tặng khách đến thăm nhà. Họ không chỉ mừng cho người già, trẻ nhỏ mà tất cả bạn bè, họ hàng, hay làng xóm tới chơi nhà đều được nhận, thậm chí những người không thể đến chơi vào dịp Tết Eid al-Fitr cũng vẫn được chủ nhà gửi nhờ phong bao cho người khác đem về tặng giúp. Hành động này thể hiện sự hào phóng mà mọi người dành cho nhau trong dịp lễ quan trọng của người Hồi giáo.
Cộng đồng người Hindu ở Châu Á
Những phong bao lì xì màu tím rất phổ biến ở cộng đồng người Hindu ở Châu Á.
Theo tiếng Mân, phong tục lì xì được gọi là “Âng- pau”, là một nét văn hóa truyền thống của cộng đồng người theo đạo Hindu Ấn Độ, một số địa phương ở Singapore và Malaysia. Những phong bao lì xì ở đây thường có màu tím hoặc vàng thay vì màu đỏ như các nơi khác.
(Theo Tổng hợp)