Chóng mặt với bê bôi quảng cáo của người nổi tiếng

Không khó để bắt gặp hình ảnh các nghệ sĩ quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội, từ livestream bán hàng, chia sẻ trải nghiệm cá nhân cho đến làm gương mặt đại diện cho một thương hiệu cụ thể. Điều này từng được xem là xu hướng tích cực khi danh tiếng nghệ sĩ có thể tạo độ tin cậy cho sản phẩm, đồng thời giúp tiếp cận người tiêu dùng nhanh chóng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, làn sóng nghệ sĩ tham gia quảng cáo đã bắt đầu bộc lộ nhiều vấn đề, khiến dư luận không khỏi đặt dấu hỏi lớn.

Liên tiếp những ồn ào nổ ra: người nổi tiếng giới thiệu sản phẩm không rõ nguồn gốc, quảng cáo hàng hóa sai công dụng, thậm chí liên đới đến các mặt hàng vi phạm pháp luật như sản phẩm kém chất lượng, thực phẩm chức năng chưa được cấp phép, mỹ phẩm không đảm bảo an toàn... Thậm chí, có trường hợp sau khi nghệ sĩ đứng ra PR rầm rộ, người tiêu dùng phát hiện sản phẩm có dấu hiệu là hàng giả hoặc được sản xuất thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng.

Liên hoàn bê bối quảng cáo: Khi các ngôi sao bán danh tiếng để đổi lấy tai tiếng - Ảnh 1.

Dư luận thời gian qua dậy sóng vì liên tục vụ quảng cáo "thổi phồng" bị phanh phui

Điều đáng nói là trong một số vụ việc, nghệ sĩ không chỉ đơn thuần là "gương mặt đại diện", mà còn trực tiếp đứng ra trải nghiệm, khẳng định công dụng - dù chưa có kiểm định khoa học - hoặc nói quá mức về hiệu quả nhằm thu hút người mua. Chính sự "thổi phồng" này đã khiến nhiều khán giả cảm thấy bị lợi dụng, thậm chí quay lưng với chính người mà họ từng yêu mến.

Sự việc không còn là câu chuyện riêng của một vài cá nhân, mà đã trở thành hiện tượng mang tính phổ biến, đến mức người tiêu dùng dần hoài nghi: liệu nghệ sĩ đang quảng cáo vì tin vào sản phẩm, hay chỉ đơn thuần vì con số hợp đồng?

Dùng danh tiếng để quảng cáo rồi đổi lại tai tiếng?

Ở thời điểm hiện tại, quảng cáo không chỉ là một phần thu nhập phụ của nghệ sĩ, mà thậm chí đã trở thành nguồn doanh thu chính, vượt xa cát xê biểu diễn hay hoạt động nghệ thuật. Một gương mặt nổi tiếng có thể thu về hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng cho mỗi bài đăng quảng bá sản phẩm, chưa kể các hợp đồng đại diện thương hiệu kéo dài với mức thù lao tính bằng tiền tỷ. Không thể phủ nhận, danh tiếng chính là "tài sản thương mại" lớn nhất mà người nổi tiếng sở hữu - và nếu khai thác đúng cách, đó là nguồn lực hợp pháp, đáng giá.

Tuy nhiên, chính việc thương mại hoá hình ảnh cá nhân quá nhanh, quá rộng và thiếu chọn lọc đã dẫn đến tình trạng danh tiếng bị khai thác theo hướng "mì ăn liền". Khi nghệ sĩ tham gia quảng bá bất kỳ sản phẩm nào trả đủ tiền, không kiểm tra kỹ chất lượng, không tìm hiểu nguồn gốc, họ cũng đang tự đặt danh tiếng của mình vào thế đánh đổi. Việc không phân biệt đâu là sản phẩm uy tín, đâu là thương hiệu mập mờ, càng khiến người hâm mộ cảm thấy khó tin vào những lời quảng cáo mà họ từng xem là đáng tin cậy.

Ở một số trường hợp, nghệ sĩ còn trực tiếp dùng danh tiếng để "bảo chứng" cho sản phẩm: từ cách diễn đạt "tôi đã dùng rồi", "gia đình tôi cũng dùng", "hiệu quả cực kỳ nhanh"… vô tình đẩy giá trị thương hiệu cá nhân trở thành công cụ truyền thông, mà thiếu sự ràng buộc về trách nhiệm hậu kiểm. Người tiêu dùng mua sản phẩm vì lòng tin vào nghệ sĩ, nhưng khi xảy ra sự cố, lời xin lỗi hoặc phủi trách nhiệm lại càng khiến khán giả cảm thấy danh tiếng ấy đang bị sử dụng một cách... có phần tuỳ tiện.

Câu hỏi đặt ra là: có phải nghệ sĩ nào cũng hiểu hết giá trị thật sự của danh tiếng – không chỉ là sự nổi tiếng tức thời, mà còn là uy tín lâu dài trong mắt công chúng? Khi danh tiếng bị biến thành công cụ thương mại thiếu kiểm soát, người chịu thiệt thòi sau cùng không chỉ là khán giả, mà chính là nghệ sĩ - những người đánh đổi cả sự nghiệp để xây dựng niềm tin, nhưng có thể đánh mất tất cả chỉ vì một hợp đồng quảng cáo thiếu chọn lọc.

Nghệ sĩ quảng cáo sai - khán giả mới là người bị thiệt hại

Khi nghệ sĩ sử dụng danh tiếng để quảng cáo một sản phẩm sai lệch, hệ quả không chỉ dừng lại ở việc mất uy tín cá nhân. Nhiều nghệ sĩ từng vướng vào ồn ào quảng cáo đã phải đối mặt với làn sóng tẩy chay, mất hợp đồng thương hiệu, bị cắt sóng truyền hình hoặc khán giả quay lưng sau nhiều năm gây dựng hình ảnh. Nhưng những tổn thất ấy, xét cho cùng, vẫn chỉ dừng ở phạm vi danh tiếng.

Người chịu thiệt hại nặng nề nhất lại là khán giả – những người đặt niềm tin vào nghệ sĩ, tin vào lời giới thiệu và quyết định mua hàng, sử dụng sản phẩm. Với những sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm hoặc liên quan đến sức khoẻ, hậu quả có thể không chỉ là tài chính, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất và tinh thần của người tiêu dùng. Có những trường hợp, hậu quả để lại kéo dài, thậm chí không thể khắc phục chỉ bằng một lời xin lỗi.

Đáng nói hơn, trong nhiều vụ việc, không ít khán giả lựa chọn sử dụng sản phẩm chỉ vì thần tượng của mình đứng ra quảng bá. Càng yêu mến, càng tin tưởng, họ càng dễ bị tác động bởi những lời giới thiệu có cánh. Khi sự cố xảy ra, cảm giác bị phản bội không chỉ là tức giận, mà còn là mất mát về lòng tin - thứ vốn khó gây dựng lại hơn cả hình ảnh truyền thông.

Liên hoàn bê bối quảng cáo: Khi các ngôi sao bán danh tiếng để đổi lấy tai tiếng - Ảnh 2.

NSND Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL, chia sẻ sẽ tham mưu với Bộ để có quy định ràng buộc, điều chỉnh hành vi, nâng cao nhận thức với những người hoạt động nghệ thuật

Chia sẻ với báo chí mới đây, NSND Nguyễn Xuân Bắc, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT-DL, cho rằng nghệ sĩ hay bất kỳ cá nhân nào có sức ảnh hưởng trong cộng đồng, trước hết phải tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của một công dân.

Việc nghệ sĩ, người nổi tiếng sử dụng sự tin tưởng và chú ý của công chúng để lan tỏa những giá trị tích cực, những điều tốt đẹp trong xã hội là một điều đáng trân trọng. Nếu họ giới thiệu những sản phẩm đã sử dụng, có trải nghiệm tốt và muốn chia sẻ đến cộng đồng thì nên khuyến khích.

Tuy nhiên, đối với những trường hợp lợi dụng sự nổi tiếng để cố tình quảng cáo sai sự thật, thổi phồng quá mức công dụng của sản phẩm, chúng ta cần làm rõ họ đã vi phạm những quy định nào, mức độ vi phạm ra sao và những hành vi đó gây ra tác động tiêu cực thế nào đến cộng đồng và xã hội, để có những biện pháp xử lý phù hợp.

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết quan điểm cá nhân của ông là không chỉ các nghệ sĩ mà bất kì ai cố tình đưa ra thông tin sai sự thật nhằm vụ lợi, lừa đảo thì phải xử lý theo đúng pháp luật.

Sắp tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tham mưu với Bộ để có quy định ràng buộc, điều chỉnh hành vi, nâng cao nhận thức với những người hoạt động nghệ thuật. Từ đó, giúp nghệ sĩ có nhận thức về chính trị, xã hội, là những người có trách nhiệm công dân cao, lan tỏa những giá trị tốt đẹp.

Đối với những người cố tình vi phạm, hay vi phạm mang tính có hệ thống, không rút kinh nghiệm, không có những thay đổi mang chiều hướng tích cực thì cần phải loại bỏ.