Hiện một trẻ đang nguy kịch
Thông tin từ Khoa Nhi Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí chỉ trong hơn 2 tuần nay khoa đã tiếp nhận 3 bệnh nhi nhập viện do đuối nước. Một trong ba trường hợp này đang trong tình trạng nguy kịch.
Đó là trường hợp của bệnh nhi Hoàng H.N., 21 tháng tuổi trú tại Yên Thanh - Uông Bí. Theo gia đình cho biết trước đó tại gia đình trẻ có chơi cùng chị gái học lớp 5. Do nhà có đầm rộng, không rào chắn, không rõ trẻ ngã xuống đầm từ bao giờ, khi người nhà phát hiện ra trẻ đã có biểu hiện ngừng thở, tím tái. Gia đình vội đưa trẻ đến viện.
Trẻ nhập viện ngày 17/5/2020 trong tình trạng bất tỉnh, da xanh tím, đồng tử giãn tối đa, mất hết phản xạ, mạch, huyết áp bằng không. Chẩn đoán trẻ ngừng tuần hoàn do đuối nước, các bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu, đặt nội khí quản, cho trẻ thở máy… Hiện trẻ vẫn đang trong tình trạng hôn mê, tiên lượng rất nặng.
Qua đây, các bác sĩ cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh phải luôn giám sát con em mình khi đi tắm biển, ao, hồ; đậy kín các vật dụng chứa nước trong nhà; không để trẻ nhỏ ở nhà một mình, đặc biệt đối với các trẻ mới biết đi, trẻ hiếu động luôn muốn tìm tòi hiểu biết thế giới xung quanh. Nếu không may trẻ bị đuối nước, cần sơ cứu cho trẻ ngay khi được đưa lên khỏi mặt nước. Sơ cứu tại chỗ đúng rất quan trọng bởi kỹ thuật này có thể cứu sống trẻ và hạn chế các di chứng cho trẻ khi bị ngạt nước.
Cách sơ cứu đuối nước
Ngay sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ. Đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng.
Nếu bệnh nhân tím tái, không thể tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có bất cứ phản xạ nào thì phải ấn tim ngoài lồng ngực.
Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.
Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt. Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì thứ nhất, nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Thứ 2 là khi ngạt nước thực ra nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.
Không hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện sẽ làm mất thời gian cứu nạn nhân, gây ra di chứng não sau này nếu bệnh nhân còn sống. Điều này là do thiếu ôxy ở các tổ chức trong một thời gian dài, đặc biệt là não.