Ngày 8/10, máy bay A321 số hiệu VNA509 của Vietnam Airlines khai thác chuyến bay VN1661 hành trình từ sân bay Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Sau khi hạ cánh, thợ máy phát hiện vết máu chim va động cơ số 2.

Liên tiếp nhiều chuyến bay va phải chim trời gây hư hỏng máy bay - Ảnh 1.

Các sự cố chim va vào động cơ máy bay tới nay đã ghi nhận thiệt hại bảo dưỡng, sửa chữa rất lớn.

Theo báo cáo của Trung tâm điều hành sân bay Tân Sơn Nhất lúc 17h17 ngày 8/10, sau khi hạ cánh, máy bay A321 số hiệu VNA509 lăn vào bến đậu, thợ máy kiểm tra phát hiện vết máu chim ở động cơ số 2, không xác định được địa điểm và thời gian máy bay bị va phải chim.

Các đơn vị đã kiểm tra đường cất hạ cánh và lộ trình máy bay lăn, không phát hiện bất thường. Hãng hàng không đã cho kéo máy bay về xưởng để kiểm tra.

Những trường hợp như vậy có xu hướng tăng trong thời gian gần đây, gây thiệt hại lớn cho hãng hàng không, uy hiếp an toàn các chuyến bay.

Từ đầu năm đến nay đã xảy ra nhiều vụ máy bay va phải chim. Giữa tháng 6/2022, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan về việc tăng cường công tác kiểm soát chim tại các cảng hàng không, sân bay.

Chỉ tính riêng với Vietnam Airlines, từ 1/1/2022 đến 14/9/2022, có tới 19 vụ việc máy bay va phải chim mà hãng phải báo cáo Cục Hàng không Việt Nam. Các vụ việc này đều khiến hãng phải bỏ ra chi phí lớn để khắc phục, sửa chữa.

Phần lớn trong các vụ việc này kiểm tra sau chuyến bay, phát hiện chim va làm vỡ đèn hạ cánh, làm lõm cánh máy bay, mũi máy bay, hỏng động cơ, có chuyến phát hiện dấu vết chim va cả 2 động cơ... Có chuyến do cơ trưởng báo cáo trong chuyến bay có chim va vào động cơ...

Các sự cố này đã gây thiệt hại lớn cho hãng bay. Chi phí sửa chữa thường từ vài tỷ đồng đến hàng chục tỷ đồng

Đơn cử, ngày 14/3, chuyến bay VN7341 khai thác bằng máy bay A321 từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến TP HCM, kiểm tra sau chuyến bay phát hiện cánh máy bay có vết lõm, kích thước 160x90x10 mm. Sự cố này khiến máy bay phải dừng bay để thay cánh tà trước số 1, chi phí ước tính hơn 1,8 tỷ đồng.

Liên tiếp nhiều chuyến bay va phải chim trời gây hư hỏng máy bay - Ảnh 2.

Những sự cố máy bay đâm va vào chim liên tục xảy ra trên khắp các đường bay.

Ngày 23/4, chuyến bay VN606 khai thác bằng máy bay A350 hành trình từ Bangkok (Thái Lan) đến TP HCM. Kiểm tra sau chuyến bay phát hiện dấu vết chim va bờ trước cánh máy bay. Máy bay phải dừng bay để tháo mặt bờ trước cánh máy bay để gửi đi sửa chữa, chi phí ước tính hơn 3,7 tỷ đồng.

Đặc biệt, các sự cố chim va làm hỏng động cơ gây thiệt hại nặng nề.

Ngày 16/3, chuyến bay VN1397 khai thác bằng máy bay A321 hành trình Quy Nhơn (Bình Định) đến TP HCM, kiểm tra sau chuyến bay phát hiện dấu vết chim va động cơ số 2. Máy bay phải dừng bay và tháo động cơ để gửi đi sửa chữa, chờ kết quả đánh giá hỏng hóc của nhà sửa chữa/ nhà chế tạo, chi phí ước tính hơn 30,4 tỷ đồng.

Ngày 7/4, chuyến bay máy bay A321 hành trình TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đến TP Hà Nội, kiểm tra sau chuyến bay phát hiện dấu vết chim va động cơ số 2. Máy bay đang dừng bay chờ gửi động cơ đi sửa chữa, chi phí ước tính hơn 58,8 tỷ đồng.

Ngày 19/4, chuyến bay VN1604 khai thác bằng máy bay A321 hành trình Nha Trang (Khánh Hòa) đến TP Hà Nội, kiểm tra sau chuyến bay phát hiện dấu vết chim va vào cả 2 động cơ. Máy bay đang dừng bay chờ thay cả 2 động cơ, chi phí ước tính hơn 60,8 tỷ đồng.

Ngày 29/4, chuyến bay VN1661 khai thác bằng máy bay A321 hành trình từ sân bay Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM). Kiểm tra sau chuyến bay phát hiện dấu vết chim va động cơ số 2 và mũi máy bay. Máy bay phải dừng bay để soi động cơ và sửa chữa, chi phí ước tính hơn 3,9 tỷ đồng...

Trước sự gia tăng các sự cố chim va máy bay, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chỉ đạo các cảng hàng không, sân bay triển khai ngay việc lập và thực hiện chương trình kiểm soát chim, động vật hoang dã, vật nuôi.

Cụ thể, cần triển khai ngay các biện pháp tăng cường việc kiểm soát, ngăn chặn, xua đuổi chim, động vật hoang dã tại các cảng hàng không, sân bay, đặc biệt là tại các cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Rà soát và bổ sung trang thiết bị, phương tiện xua đuổi chim trên cơ sở thực tế của từng cảng...

Đối với 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu ACV chỉ đạo bộ phận quản lý an toàn, bộ phận kiểm soát chim và động vật hoang dã thực hiện ngay việc rà soát, đánh giá hiệu quả các biện pháp, nhận diện mối nguy, đánh giá rủi ro và đề xuất ngay các giải pháp cả ngắn hạn và lâu dài./.