Ngoài bánh mì, hủ tiếu có lẽ là món ăn bình dân quen thuộc và được ưa chuộng nhất nhì tại Việt Nam, nhất là khu vực miền Nam. Không chỉ người bản địa, hàng nghìn người nước ngoài cũng bị chinh phục bởi hương vị của hủ tiếu. Thậm chí cả những đầu bếp danh giá ngoại quốc cũng ngả mũ trước món ăn vô cùng giản dị này. Đơn cử như hủ tiếu ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), mới đây đã "hớp hồn" đầu bếp nổi tiếng đến từ Hàn Quốc - Jun Ho Kyun và nó còn trở thành cái tên đặc biệt xuất hiện trên đài truyền hình EBS.
(Ảnh cắt từ tập khám phá ẩm thực chợ Cái Răng phát sóng trên đài truyền hình EBS)
Nhìn hình ảnh đầu bếp Jun Ho Kyun húp trọn tô hủ tiếu chỉ có giá vài chục ngàn đồng, tấm tắc khen ngon, ăn xong còn đòi theo cô chủ về nhà học bí quyết khiến cho không ít khán giả Việt cảm thấy thú vị. Ấy thế, đây không hẳn là lần đầu tiên hủ tiếu ở chợ nổi Cái Răng được đầu bếp ngoại quốc khen ngợi và trở nên nổi tiếng đến thế. Bởi trước đây, nó đã có lần được cả đầu bếp danh giá bậc nhất thế giới Gordon Ramsay tán dương là một trong những món ăn tuyệt vời nhất mà ông từng được ăn.
Đầu bếp nổi tiếng nhất thế giới Gordon Ramsay.
Cụ thể, từ nhiều năm về trước, đầu bếp Gordon Ramsay có dịp ghé thăm và khám phá ẩm thực của khu vực miền Tây Nam Bộ, Việt Nam. Và trong một lần tình cờ, ông được thưởng thức món hủ tiếu ở chợ nổi Cái Răng vào một buổi sáng đẹp trời. Từ đó nó đã để lại cho ông một ấn tượng khó quên. Ông chia sẻ, hủ tiếu ở đây có mùi thơm của hẹ, các loại rau mùi, mọi thứ hòa quyện hoàn hảo để tạo nên một tổng thể vừa thanh nhẹ, vừa đậm đà mà chưa chắc gì những nhà hàng Việt Nam tại London nước Anh có thể sánh bằng.
Hủ tiếu trứ danh chợ nổi Cái Răng (Ảnh: Lila_Lina)
Đáng nói hơn, ấn tượng về món hủ tiếu ở chợ nổi Cái Răng để lại trong đầu bếp Gordon Ramsay sâu đậm đến mức khiến ông đưa nó trở thành đề tài hóc búa cho các đầu bếp đã lọt vào top 5 trong chương trình Masterchef Mỹ mùa thứ 4 (năm 2013). Trong tập ấy, hầu hết các thí sinh của chương trình đều hoang mang trước yêu cầu tái hiện lại món hủ tiếu chợ nổi Cái Răng với lý do là nó… hoàn hảo đến mức họ không biết món này được nấu bằng cách nào, dùng nguyên liệu gì.
Quả thực, bấy nhiêu đó thôi cũng đủ sức nói lên sức công phá vị giác của món ăn tưởng như giản dị này. Thế có bao giờ mọi người tự hỏi, hủ tiếu ở chợ nổi Cái Răng có gì đặc biệt mà khiến bao đầu bếp ngoại quốc nổi tiếng khen ngon không? Cùng giải mã một chút nhé!
Nguyên vật liệu tươi mới
Khu vực miền Tây Nam Bộ nổi tiếng có đất đai trù phú, màu mỡ, thích hợp cho việc trồng trọt; trong khi chợ nổi Cái Răng được xem là một trong những chợ nông sản lớn nhất cả nước. Thế nên không có gì quá khó hiểu khi các loại rau củ ở đây luôn cực kỳ chất lượng. Chưa kể ngành chăn nuôi gia súc tại khu vực này cũng phát triển, phần đông các hộ dân vẫn thuần nông, các loại thịt heo, thịt bò ngoài chợ bán buổi sáng luôn đảm bảo tươi mới.
(Ảnh: Miki.ngo)
Thử nghĩ xem, nước lèo hủ tiếu ngon nhờ vào việc ninh xương heo và củ cải trắng (có khi còn cả củ cải đỏ). Tô hủ tiếu hoàn hảo còn nhờ cái loại rau mùi, húng quế, húng cây, xà lách, giá, hẹ, thêm tí thịt luộc, chân giò. Mà những thứ đó chính là sản vật của vùng đất miền Tây Nam Bộ nói chung và chợ nổi Cái Răng nói riêng. Hủ tiếu ở đây không ngon mới là lạ, đúng không nào?
(Ảnh: Peregrinational_travel)
Trong vùng có nhiều lò sản xuất sợi hủ tiếu truyền thống
Sợi hủ tiếu chính là linh hồn làm nên một tô hủ tiếu ngon. Ở cái đất Cần Thơ "gạo trắng nước trong", làm nên sợi hủ tiếu ngon chẳng có gì quá khó. Cụ thể, ngay bên cạnh chợ nổi Cái Răng, có rất nhiều gia đình làm nghề sản xuất sợi hủ tiếu truyền thống, nức tiếng nhất chính là lò Chín Cửu, Sáu Hoài... Mỗi lò đều có bí quyết gia truyền, tuy nhiên nhìn chung để tạo ra sợi hủ tiếu màu trắng đục ngon nổi tiếng quan trọng nhất là phải chọn hạt gạo trắng nõn, thon dài. Tiếp theo là các công đoạn ngâm, vo gạo, gút, xay, bòng, đánh, tráng, phơi và cuối cùng là cắt hủ tiếu thành sợi, cực kỳ tỉ mỉ.
(Ảnh: Autine_3003)
Sáng nấu nồi nước lèo, ghé lò hủ tiếu quen mua vài ký hủ tiếu mới còn thơm nức mùi gạo tươi, bỏ hết lên ghe, chèo ra chợ nổi Cái Răng bán cho khách đói bụng tìm đồ ăn sáng, tưởng tượng thôi cũng thấy ngon, thấy thèm.
(Ảnh: Lea.feuillass, Kristianbrooks)
Cảnh bán hàng chông chênh sông nước đậm nét văn hóa bản địa
Ngoài nguyên vật liệu chính tươi mới và bàn tay tài hoa của người nấu, đôi khi cái sự ngon dở của một món ăn còn phụ thuộc vào không gian. Không gian khi thưởng thức một tô hủ tiếu vào buổi sáng ở chợ nổi Cái Răng thì khỏi phải bàn: đậm chất thơ và phản ánh đúng cuộc sống của chính những người con đến từ vùng đất phương Nam lắm sông, nhiều ruộng đồng.
(Ảnh: Thuantrh)
Ghe hủ tiếu chông chênh trên mặt nước, ánh sáng buổi sáng trên mé sông long lanh xiên xiên, cảnh vật xung quanh tấp nập, tiếng cười nói trao đổi hàng hóa lấp đầy không gian. Chỉ cần thế thôi, là có thể thưởng thức được tô hủ tiếu ngon nhất trần đời mà không thể tìm được ở nơi nào khác ngoài Cái Răng.
(Ảnh: Fraencys)
Cái tình của người miền Tây
Bên cạnh không gian hay nguyên vật liệu, thái độ của người bán cũng là một yếu tố giúp món ăn… ngon hơn. Người miền Tây nói chung từ lâu đã được xem là chân thành mộc mạc, mến khách và đặc biệt hào phóng. Cái tình này, ghé chợ nổi Cái Răng là thấy ngay. Những tô hủ tiếu đong đầy nụ cười hào sảng, cho thêm chút hành, vài ba lát thịt chẳng phải chuyện gì to tát chỉ với lý do "thấy cô/cậu dễ thương" - chuyện này xảy ra hoài trên những chiếc ghe hủ tiếu chông chênh. Và cũng nhờ vậy, tô hủ tiếu ở chợ nổi Cái Răng đậm đà hơn rất nhiều.
(Ảnh: Binometheworld)
Đó là tất cả những gì làm nên tên tuổi của tô hủ tiếu ở chợ nổi Cái Răng, tuy nhiên nói thế không có nghĩa là ở nơi đây chỉ có món hủ tiếu mới ngon. Bún riêu, bánh canh, cà phê, nước ép trái cây... đều xuất sắc không kém, nên thử tất cả nếu đã lỡ cất công về Cần Thơ.
Đến chợ nổi Cái Răng bằng cách nào?
Để đến được Cần Thơ từ Sài Gòn, bạn có thể di chuyển bằng xe khách hoặc xe máy, quãng đường dài khoảng 165km và mất khoảng 3 - 4 giờ để đến nơi. Khi đến thành phố Cần Thơ, bạn đi tiếp tới khu An Bình, Quận Cái Răng, chợ nổi Cái Răng nằm gần ở đoạn giao của sông Cần Thơ và Rạch Mương Khai (cách trung tâm thành phố khoảng 5km). Đến chợ nổi, bạn có thể thuê ghe để đi chợ. Lúc này cứ tha hồ tận hưởng cuộc sống sông nước và khám phá ẩm thực đi nhé!
(Ảnh: Worldwildbrice)
(Ảnh: Rachellaisal)
(Ảnh: Marchydz)
(Ảnh: Littleladyfingers)
(Ảnh: Dmlglobal)
(Ảnh: Clarahofi)
(Ảnh: Ansusofia)