Cách đây ít lâu, dư luận rúng động về vụ việc đôi nam nữ sinh năm 1996 đã nhảy từ tầng 35 của 1 chung cư ở Hà Nội để tự tử. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ việc họ bị gia đình ngăn cấm chuyện yêu đương.

Sự ra đi của cặp đôi còn rất trẻ khiến nhiều người không khỏi xót xa. Bên cạnh đó lại có nhiều ý kiến đưa ra rằng: "Giới trẻ bây giờ yếu đuối quá, có tí chuyện thôi đã không chịu nổi, vội vàng tìm đến cái chết?".

Câu hỏi được đưa ra khiến nhiều người phân vân liệu có đúng là giới trẻ bây giờ ủy mị, không có tính chiến đấu trước khó khăn, thử thách? Giống như đôi bạn trẻ kia, vừa mới bị gia đình ngăn cấm đã tìm cách giải quyết vô cùng cực đoan!

Nhưng liệu có đúng là như vậy? Mới đây, 1 topic đã chia sẻ quan điểm về câu hỏi trên và nhận về hàng nghìn lượt tương tác của dân mạng.


Nguyên văn chia sẻ như sau:

"Cách đây vài ngày, mạng xã hội xôn xao về trường hợp một nam sinh 14 tuổi nhảy lầu tự vẫn sau khi bị mẹ tát, bóp cổ và mắng chửi ở hành lang trường học do vi phạm nội quy nhà trường (cụ thể là đánh bài). Bài viết trở nên rúng động, tiếp cận đến nhiều người ở nhiều độ tuổi và nảy sinh vô vàn ý kiến khác nhau.

Có người cho rằng: Giới hạn cảm xúc của mỗi người là khác nhau. Thế nên chúng ta - những người ngoài cuộc hoàn toàn không thể hiểu nam sinh ấy đã trải qua những gì, đã cảm nhận những gì trước khi quyết định đi đến cái chết. Vậy nên điều duy nhất mà một số người có thể làm khi đọc bài viết ấy chính là: đồng cảm!

Họ thừa nhận cái sai của nam sinh khi đánh bài trong lớp, nhưng cũng đặt dấu chấm hỏi cho hành vi bạo lực công khai của người mẹ. Tuy vậy, họ không mong muốn đổ lỗi cho bất kì ai. Bởi vì quan điểm của họ vẫn là, ta không phải người trong cuộc.

Có phải giới trẻ bây giờ yếu đuối quá, có tí áp lực cuộc sống đã không chịu nổi, vội vàng tìm đến cái chết? - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Cũng có người cho rằng, cậu bé chính là một minh chứng rõ ràng cho giới trẻ hiện nay. Một thế hệ bị nhiều người lên án là quá yếu đuối, nhạy cảm, dễ bi lụy, "động tí là tự ái, tổn thương". Ở Mỹ, người ta gọi đây là hội chứng "snowflake" (Nghĩa đen là "bông tuyết", nghĩa bóng để chỉ những người yếu đuối, suy nghĩ tiêu cực).

Câu cảm thán mà chúng ta thường dùng để thể hiện niềm thương xót, hoặc để chỉ trích những người quyên sinh trong trường hợp này là: "Giới trẻ bây giờ sao mà [...] quá. Ngày xưa tôi (hoặc ông bà tôi, bố mẹ tôi,...) còn [...] hơn như vậy mà họ vẫn sống tốt đấy thôi..."

Nhìn nhận một cách thực tế, khái niệm "snowflake" này đúng là có tồn tại, nhưng không vì thế mà chúng ta có thể dùng nó đánh đồng cả một thế hệ. Ông bà ta có câu, vật đổi sao dời. Thời xưa, người ta chịu áp lực vì đói khổ, bệnh tật, chiến tranh. Vậy nên đôi khi họ chỉ cần một cuộc sống không thiếu ăn, thiếu mặc là đã đủ để hài lòng, hạnh phúc đến hết đời.

Còn thời nay? Đừng vội cho rằng: Người trẻ sống trong xã hội hiện đại, sung sướng quá rồi, có cái gì đâu mà áp lực, thật nhiễu sự!

Không bạn ạ, thế giới bên ngoài phát triển hiện đại, song song đó thế giới tâm hồn và tinh thần của người trẻ cũng không còn như xưa. Trên vai họ có rất nhiều gánh nặng vô hình, sự kì vọng của gia đình, sự đánh giá của xã hội và thậm chí là sự hoang mang không biết bản thân là ai, không biết năng lực mình nằm ở đâu.

Họ loay hoay trong cái vòng luẩn quẩn của bản thân và dễ sinh ra phản ứng tiêu cực, cáu bẳn khi có người chạm vào "vảy ngược".

Họ sợ cô độc nên tìm đến mạng xã hội để giải khuây, để tìm sự đồng cảm, nhưng... mạng xã hội lại là con dao hai lưỡi. Năng lượng tích cực mà nó truyền tải cho giới trẻ cũng có, nhưng năng lượng tiêu cực cũng không thiếu. Bởi ai cũng có thể thốt ra những câu nói tổn thương người khác trên đấy mà không cần chịu trách nhiệm pháp lí.

Kết quả thì sao đây? Mỗi ngày online, càng đọc bài, càng lướt bình luận, càng xem nhiều trường hợp chọn lựa kết thúc sinh mệnh vì quá bế tắc trong cuộc sống lại khiến họ càng thấy lạc lõng trong xã hội này... Và thế là, họ bắt đầu nghi ngờ sự tồn tại của bản thân. Mình sống đến giờ, là để làm gì vậy nhỉ?!?

Bạn thân mến, liệu bạn có đang rơi vào tình trạng như trên không?

Có phải giới trẻ bây giờ yếu đuối quá, có tí áp lực cuộc sống đã không chịu nổi, vội vàng tìm đến cái chết? - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Bài đăng nhanh chóng nhận về nhiều ý kiến của người đọc. Tuy vậy đa phần ý kiến đều cho rằng giới trẻ ngày nay cũng có nhiều áp lực. Không thể đem thời xưa ra so sánh với thời nay được, bởi nó quá khập khiễng. Mỗi con người mỗi thế hệ đều có suy nghĩ khác nhau.


Cư dân mạng nói gì về quan điểm giới trẻ ngày nay yếu đuối quá, có tí chuyện thôi đã không chịu nổi?

Bỉ Ngạn: Mình thấy những người tìm đến cái chết và hoàn thành được việc đó không ai là yếu đuối cả. Bởi mình đây, dăm ba lần đã nghĩ đến chuyện kết thúc tất cả nhưng chưa bao giờ thực hiện được điều đấy. Vậy nên, phải chăng người ở lại mới là yếu đuối?

Đừng khẩu nghiệp: Mình thấy họ thật ra không hề yếu đuối, họ đã mạnh mẽ chịu đựng đến cái mức mà họ không chịu nổi phải tìm con đường giải thoát bản thân. Bạn là bạn - không phải là họ, nên tốt nhất không hiểu thì đừng nói.

Hoa rơi: Họ có trong hoàn cảnh áp lực đâu mà hiểu. Áp lực từ xã hội đôi khi không nặng nề bằng áp lực gia đình gây ra cho bản thân đâu.

Có phải giới trẻ bây giờ yếu đuối quá, có tí áp lực cuộc sống đã không chịu nổi, vội vàng tìm đến cái chết? - Ảnh 5.

(Ảnh minh họa)

Tím hoa sim: Ở trường (chỗ đông người) mẹ cậu bé đã đánh như vậy. Thử hỏi những lúc ở nhà không có người ngoài, cậu ấy sẽ bị mẹ đối xử như thế nào?

Mình cảm thấy cậu ấy muốn giải thoát bản thân và tức nước vỡ bờ thôi, cái chốt chính là lúc mẹ đánh công khai trước bao người. Ông mình còn nói đánh chỗ nào thì đánh chứ đừng có tát vào mặt người khác, điều đấy là tối kị nhất.

Sen trong hồ: Mỗi thế hệ, mỗi gia đình, mỗi cá nhân đều khác nhau, nên sức chịu đựng của mỗi người đều khác nhau. Nó giống như câu: "Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ máu". Tuy nhiên các bạn cũng nên cố gắng thích nghi mà bước tiếp chứ đừng để bị vùi dập, vì biết đâu tương lai bạn tươi sáng hơn.

Tôi còn trẻ: Thực ra bài học mình nghiệm ra gần đây là, đừng bao giờ cho mình quyền tùy tiện đánh giá nỗi đau của người khác. Nếu coi nặng, đó là thương hại và có thể càng khiến người ta tổn thương hơn. Nếu coi nhẹ sẽ là vô cảm, thờ ơ.

Đánh giá đúng được nỗi đau của người khác rất khó. Thế nên, việc cảm thông, thấu hiểu là nên. Chúng ta đừng đứng trên lập trường của mình để đánh giá và cho đó là "khách quan" để dẫm đạp, nói lời vô tình với nỗi đau và sự thống khổ của người khác.

Có phải giới trẻ bây giờ yếu đuối quá, có tí áp lực cuộc sống đã không chịu nổi, vội vàng tìm đến cái chết? - Ảnh 6.

(Ảnh minh họa)

Những người từng rơi vào hoàn cảnh bi quan tương tự cậu bé 14 tuổi hoặc đôi nam nữ tự tử trên trải lòng

Chiếc lá lẻ loi: Mình luôn thấy cô độc, sợ không đạt được kỳ vọng của mọi người, sợ cái nhìn soi mói của xã hội, sợ năng lực của bản thân không đủ.

Dù luôn tự cổ vũ bản thân cố lên, ai cũng trải qua những giây phút này, họ vượt qua được, thì mình cũng có thể. Nhưng lo lắng, hoang mang vẫn còn đó, không phải bảo tự tin là có thể tự tin được.

Mùa hè: Thật ra thì ở độ tuổi dậy thì dễ bị các bệnh tâm lý lắm. Mình hồi nhỏ tăng động lắm, nhưng lên cấp 2 vì áp lực học tập nên đâm ra bị lo âu. Đến giờ vẫn không tiếp xúc và hòa nhập với trường lớp nên mỗi ngày đi học như địa ngục vậy. Cảm thấy cô đơn lạc lõng tột cùng. 

Mình mong cha mẹ đừng đặt áp lực lên vai con mình quá. Có con tâm lí mạnh mẽ, đánh mắng không sao, còn tâm lý yếu lại khiến con càng xa cách, hướng nội luôn.

Tiểu Mạn: Những ai từng rơi vào tâm trạng tương tự họ mới có thể thấu hiểu vì sao họ chọn cái chết để kết thúc tất cả. Mình cũng từng tự tử nhưng may mắn có người nhà giải cứu kịp. Mình muốn nói một câu rằng: CHÚNG TÔI KHÔNG YẾU ĐUỐI, chỉ là không còn tìm được niềm vui ở đời này nữa. 

Sau này mình nghĩ lại, đến chết mình còn không sợ thì sao phải sợ những điều đó. Đời người có 1 lần thôi. Mong những người đang ở tận cùng của sự buồn phiền hãy mạnh mẽ. Không ai có quyền lên án các bạn cả. Bởi suy nghĩ mỗi người mỗi khác. Mọi so sánh là khập khiễng.