Đại úy Lê Ngọc Dũng trò chuyện với vợ con (ảnh nhỏ) qua điện thoại từ chốt chống dịch
Lỡ hẹn cùng vợ vượt cạn
Để “bịt kín” gần 19km đường biên với rất nhiều đường mòn, lối mở, Đồn Biên phòng Ba Tầng thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị thành lập 7 chốt dã chiến với 35 quân nhân tham gia. Quân số mỏng nên gần 3 tháng nay, nhiều cán bộ, chiến sỹ của đơn vị chưa một lần về thăm gia đình…
Sinh năm 1986, trung úy Đặng Thanh Hiếu (nhân viên Trạm kiểm soát Biên phòng A Dơi, Đồn Biên phòng Ba Tầng) nhập ngũ đầu năm 2005, về đồn công tác từ tháng 10/2018. Tết vừa rồi, Hiếu nhận trực Tết với ý định dành đợt nghỉ phép để về nhà, bởi vợ anh chuẩn bị sinh con thứ hai.
Hiếu chia sẻ, anh kết hôn năm 2014, hai vợ chồng phải đi thuê nhà trọ. Một năm sau vợ anh sinh con đầu lòng. Lần vượt cạn đầu tiên
của vợ, anh không về được bởi nhiệm vụ trên biên giới. Và giờ, thêm một lần nữa anh lỡ hẹn với vợ không ở cạnh để đón đứa con thứ hai chào đời. Để chủ động ngăn chặn dịch bệnh, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã triển khai kế hoạch thường trực phòng chống dịch nên việc nghỉ phép của cán bộ, chiến sỹ đều tạm dừng lại.
“Qua điện thoại, nghe vợ báo vào viện chờ sinh mà tôi như ngồi trên lửa. Đi tuần tra đêm về, người mệt nhưng tôi không ngủ được, chỉ mong mẹ con khỏe mạnh, bình an. Tôi nhớ rõ vào 6 giờ 20 phút sáng 26/3 vừa rồi, khi mẹ vợ gọi lên báo tin cô ấy sinh nở thành công, con gái chào đời khỏe mạnh thì tôi mới yên tâm”, trung úy Hiếu chia sẻ.
Cùng với Đặng Thanh Hiếu, đại úy Lê Ngọc Dũng (SN 1990, Đồn Biên phòng Trà Cổ, BĐBP Quảng Ninh) là một trong 20 quân nhân biên phòng đang chống dịch trên biên giới có vợ sinh nở trong tháng 2 và tháng 3 năm nay. Tốt nghiệp Học viện Biên phòng năm 2011, đại úy Dũng khoác ba lô vào Đồng Tháp nhận công tác. Hai năm sau, anh về tuyến biên giới Quảng Ninh. Năm 2019, Dũng lập gia đình và được bổ nhiệm Phó đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Trà Cổ vào tháng 9 cùng năm.
Từ khi có dịch COVID-19, tâm trí của Dũng và đồng đội dồn cả vào việc ngăn dịch xâm nhập vào nước ta qua đoạn biên giới dài 12,4km mà đơn vị quản lý (gồm 5,6km đường biên giới trên sông và 6,8km đường biên giới biển). Toàn bộ quân số Đồn cùng quân số của BĐBP tỉnh tăng cường và lực lượng chức năng địa phương lập 10 chốt chống dịch, trong đó có 8 chốt trên biên giới và 2 chốt trên biển, cùng một tổ cơ động ngày đêm ứng trực, tuần tra ngăn dịch.
“Vợ tôi quê ở Móng Cái. Sau ngày cưới, tôi đưa vợ về ở cùng bố mẹ trong thành phố Hạ Long. Tết năm nay tôi ở lại trực, không ngờ có dịch nên lỡ hẹn về đưa vợ vào viện sinh con gái đầu lòng. Chiều 18/3, tôi đang chỉ huy anh em tuần tra trên biển thì người nhà gọi điện báo vợ đã đẻ mổ thành công. Tôi biết vợ cũng tủi thân nhưng chính cô ấy còn nhiều lần động viên tôi cứ yên tâm công tác. Dù chỉ được ngắm con gái lớn thêm mỗi ngày qua màn hình điện thoại, tôi rất hạnh phúc và thêm động lực để hoàn thành nhiệm vụ”, đại úy Dũng tâm sự.
Chịu tang cha trên chốt tiền tiêu
Tình nguyện nhập ngũ và sau đó lại tình nguyện lên Sơn La công tác, đại úy Trần Viết Nam (SN 1972, quê Quỳnh Phụ, Thái Bình) có gần 30 năm gắn bó với núi rừng biên cương Tây Bắc - nơi anh đã xây dựng tổ ấm. Là nhân viên quân y Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La, những ngày qua, đại úy Nam đã tích cực tuyên truyền và trực tiếp chăm sóc sức khỏe cho đồng đội và nhiều người dân trên địa bàn.
Đang trong giai đoạn cam go nhất của cuộc chiến với COVID-19, ngày 25/3, đại úy Nam được tin cô em gái ruột mà anh hết mực yêu thương đã mất vì bạo bệnh tại quê nhà. Anh chưa thể trở về thắp cho em nén nhang, bởi dịch còn diễn biến phức tạp. Với chuyên môn ngành y, anh là niềm hy vọng của đồng đội và bà con nơi đây trong thời điểm quan trọng này.
Một người lính biên phòng khác là trung úy Nguyễn Đình Thông (SN 1994, Đội trưởng Đội vũ trang Đồn Biên phòng Thạnh Trị, BĐBP tỉnh Long An) cũng nén nỗi đau mất cha để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Khoảng 14 giờ ngày 2/4, trong lúc đang ở chốt chống dịch trên địa bàn khu vực ấp 2 (xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An), trung úy Thông được người nhà báo tin bố anh đã qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác tại quê nhà Hà Tĩnh. Được sự đồng ý của cấp trên, Ban chỉ huy Đồn đã tổ chức lập bàn thờ vọng ngay trước chốt kiểm soát mà trung úy Thông cùng 5 cán bộ, chiến sĩ khác đang làm nhiệm vụ. Bàn thờ nhỏ, có bát hương, hoa quả nhưng không có di ảnh được lập vội ngay trước căn nhà lá dựng tạm để anh và đồng đội thắp hương tiễn biệt người đã khuất.
“Bố tôi cũng là lính biên phòng, từng công tác ở Hải đội 2 của BĐBP Hà Tĩnh. Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi được đơn vị cho nghỉ phép về thăm gia đình, không ngờ đó là lần cuối được gặp bố.
Tôi là con trai trưởng trong gia đình, bố mất trong lòng muốn được về nhìn bố lần cuối, nhưng vì nhiệm vụ công tác nên chỉ biết tiễn biệt bố từ xa. Giờ chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để xin phép đơn vị về nhà thắp hương cho bố”, trung úy Thông kể.
Trung úy Đặng Thanh Hiếu làm việc tại chốt dã chiến trên biên giới. ẢNH: PV
Đề cập tới những khó khăn của lực lượng biên phòng trong phòng chống dịch COVID-19, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh BĐBP đề xuất có cơ chế thay ca vì nhiều người đã trực 4 tháng (tính cả thời gian trực tết, sau đó tiếp tục ở lại đơn vị vì nhiệm vụ chống dịch). Tư lệnh BĐBP đề nghị cần động viên kịp thời, linh hoạt như khen thưởng đột xuất trong thời chiến để lan tỏa hình ảnh bộ đội hy sinh tình cảm riêng tư, vì nhân dân, Tổ quốc.