Lò đào tạo thiên tài hay Lớp học thần đồng (Special Class for the Gifted Young) là một dự án được thành lập lần đầu vào năm 1978 tại Đại học Khoa học và Công nghệ tỉnh An Huy, Trung Quốc. Mục đích để chọn sinh viên trẻ tài năng vào các trường đại học.

Ý tưởng thành lập dự án được đề xuất bởi các nhà khoa học nổi tiếng như Lý Chính Đạo, Dương Chấn Ninh, Đinh Triệu Trung và được hỗ trợ từ Phó Thủ tướng Phương Nghị. Những người này hy vọng sẽ khám phá ra các cách hiệu quả nhất để nuôi dưỡng tuổi trẻ đầy triển vọng.

Lò đào tạo thiên tài – “Địa ngục tri thức” đẩy nhiều tài năng trẻ rơi vào bi kịch, người bỏ đi tu người tái phát bệnh tâm thần - Ảnh 1.

Lò đào tạo thiên tài ở Trung Quốc.

Dự án này đã thành công rực rỡ khi đào tạo ra nhiều người tài cho xã hội. Tuy nhiên nó cũng là nơi chôn vùi tuổi thơ của nhiều thiên tài, khiến họ gặp cú sốc tâm lý lớn và có bước trượt dài.

Chỉ tập trung vào việc học và không được tham gia các hoạt động vui chơi, cũng như không được rèn luyện các kỹ năng sống đã khiến những những thiên tài dưới đây gặp phải nhiều bi kịch.

Cuộc đời ngang trái của các thiên tài

Năm 1978, Ninh Bạc là một trong 21 thiếu niên toàn Trung Quốc được chọn vào lò đào tạo thiên tài. Trong lớp này, người lớn nhất 16 tuổi còn người nhỏ nhất chỉ mới 11 tuổi. Những học viên ưu tú nhất của lớp gồm Ninh Bạc, Tạ Nhiêm Bác và Tiền Chính.

Ninh Bạc sinh năm 1965, năm đó mới 13 tuổi. Ngay từ năm 2 tuổi, Ninh đã bộc lộ tài năng xuất chúng khi thuộc 30 bài thơ hiện đại. 8 tuổi, Ninh kê được đơn thuốc, 12 tuổi thắng 2 ván cờ vây với Phó thủ tướng Phương Nghị. Ninh khi đó là hiện tượng phủ sóng khắp các mặt báo.

Lò đào tạo thiên tài – “Địa ngục tri thức” đẩy nhiều tài năng trẻ rơi vào bi kịch, người bỏ đi tu người tái phát bệnh tâm thần - Ảnh 3.

Ninh Bạc hồi nhỏ.

Tuy vậy, đường đời của Ninh lại không xán lạn như mọi người tưởng tượng. Khi vào lò đào tạo thiên tài, Ninh không hạnh phúc và luôn cảm thấy có áp lực vô hình đè nặng lên vai.

Ninh thậm chí phải học môn mình ghét là Vật Lý. Anh từng muốn đến Nam Kinh học Thiên văn học nhưng nhà trường không đồng ý. Họ ép Ninh sống theo khuôn mẫu, sống vì mọi người, vì nhà trường, xã hội chứ không được tự do theo ý mình.

"Em là tấm gương cho trẻ em và thanh thiếu niên trong nước. Hãy ngoan ngoãn và làm gương tốt", nhà trường nói với Ninh.

Năm 19 tuổi, Ninh Bạc tốt nghiệp đại học và trở thành giảng viên trẻ tuổi nhất Trung Quốc lúc bấy giờ. Song trong một cuộc phỏng vấn năm 34 tuổi, Ninh đã công khai chỉ trích lò đào tạo thiên tài và nhấn mạnh: "Tôi không phải thần đồng. Tôi chỉ là một sản phẩm của thời đại. Nếu tuổi trẻ có thể quay lại, tôi sẽ không bao giờ vào lò đào tạo này nữa".

Lò đào tạo thiên tài – “Địa ngục tri thức” đẩy nhiều tài năng trẻ rơi vào bi kịch, người bỏ đi tu người tái phát bệnh tâm thần - Ảnh 5.

Ninh Bạc khi trưởng thành.

Sau này Ninh chuyển sang nghiên cứu chiêm tinh học và dành nhiều thời gian cho triết học, tôn giáo. Hôn nhân không hạnh phúc, Ninh dành hết thời gian học khí công, ăn chay và dần tách mình khỏi xã hội.

Ở tuổi 38, Ninh quyết định đi tu ở núi Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Có thể nói, Ninh Bạc là một trường hợp "giành chiến thắng ở vạch xuất phát nhưng không thể nở nụ cười ở vạch đích".

Lò đào tạo thiên tài – “Địa ngục tri thức” đẩy nhiều tài năng trẻ rơi vào bi kịch, người bỏ đi tu người tái phát bệnh tâm thần - Ảnh 6.

Ninh Bạc sau khi đi tu.

Giống như Ninh Bạc, Trương Tiểu cũng gặp tình cảnh tương tự. Trương là thần đồng nổi tiếng ở tỉnh Liêu Ninh. Năm 10 tuổi, Trương được nhận vào đại học nhưng đến khi bảo vệ luận văn thạc sĩ, Trương nổi điên lên với cha mẹ. Trương yêu cầu cha mẹ phải mua cho mình 1 ngôi nhà ở Bắc Kinh nếu không sẽ bỏ dở luận án.

Tạ Nhiêm Bác (cùng lớp với Ninh Bạc) vào lò đào tạo thiên tài khi mới 11 tuổi. Năm 15 tuổi, anh theo học thạc sĩ và lấy bằng sau 3 năm. Tạ được tuyển thẳng vào Đại học Princeton và tự tin sẽ lấy được bằng tiến sĩ trước tuổi 20.

Tuy nhiên tại Mỹ, Tạ gặp vấn đề với người hướng dẫn (trước đó anh cũng gặp với người hướng dẫn ở Trung Quốc). Do tính cách quá tự mãn nên Tạ khiến thầy giáo khó chịu. Mối quan hệ thầy trò căng thẳng, Tạ bị nghi ngờ sẽ gây nguy hiểm cho người khác.

Kết cục, thần đồng bị trục xuất về nước. Sau này anh chỉ làm một giáo viên bình thường. Các phương tiện truyền thông còn tiết lộ Tạ Nhiêm Bác có vấn đề tâm lý.

Lò đào tạo thiên tài – “Địa ngục tri thức” đẩy nhiều tài năng trẻ rơi vào bi kịch, người bỏ đi tu người tái phát bệnh tâm thần - Ảnh 8.

Các thần đồng chỉ biết đến việc học.

Trường hợp của Tiền Chính (bạn cùng lớp của Nhiêm Bác, Ninh Bạc) – một thần đồng khác cũng bi đát không kém. Tiền Chính được nhận vào lò đào tạo thiên tài năm 12 tuổi.

Năm 16 tuổi, anh giành vị trí thứ 2 trong kỳ thi Vật lý quốc gia và được nhận vào Đại học Princeton. Từng được kỳ vọng có tương lai sáng lạn, đóng góp cho quốc gia nhưng khi ra nước ngoài, Tiền Chính lộ toàn bộ khuyết điểm.

Anh không có khả năng tự lập, không biết xử lý mối quan hệ cá nhân. Mâu thuẫn với người cố vấn trực tiếp khiến Tiền Chính buộc phải trở về Trung Quốc. Sau này Tiền Chính tái phát bệnh tâm thần và thất nghiệp suốt thời gian dài.

Lò đào tạo thiên tài – “Địa ngục tri thức” đẩy nhiều tài năng trẻ rơi vào bi kịch, người bỏ đi tu người tái phát bệnh tâm thần - Ảnh 10.

Một loạt nghiên cứu của các chuyên gia tâm lý và điều chỉnh hành vi trẻ em Mỹ đã khẳng định rằng, trí thông minh siêu đẳng của các thần đồng đôi khi trở thành vật cản.

Nhiều người có chỉ số IQ cao nhưng trí tuệ cảm xúc không song hành, nhiều trường hợp thậm chí thấp hơn so với độ tuổi trung bình và tâm lý bất thường. Trong thế giới thực, điểm số, độ tuổi nhiều khi ít quan trọng và trí tuệ cảm xúc mới tạo nên sự thành công.

Vì chỉ chú trọng vào việc học mà không được rèn luyện các kỹ năng sống, các kỹ năng cảm xúc nên các thần đồng này mới có cú trượt dài. Các thần đồng nói riêng và trẻ em nói chung đều là những hạt giống. Muốn lớn lên thành cây to, hạt giống cần trải qua quá trình đơm chồi, nảy lộc, được tưới nước, tắm nắng mỗi ngày. Việc bắt hạt giống chín ép đôi khi sẽ gây ra những hậu quả đau lòng.