Vào hè, trẻ nhỏ lại nhập viện vì chân tay miệng
Sáng 12/5, tại bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh viện Bạch Mai có nhiều bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện. Các y, bác sĩ làm việc liên tục để thăm khám, kiểm tra tình hình sức khỏe của bệnh nhân.
Gương mặt đầy vẻ lo lắng, chị Trịnh Thị Tuyết – mẹ của bé Trần Thu Linh (17 tháng tuổi, Lĩnh Nam, Hà Nội)) cho biết: “Mấy ngày vừa rồi, bé nhà mình bị sốt cao liên tục 39-40 độ C, thậm chí có lúc bé bị co giật, cứ khi nào thuốc hạ sốt hết tác dụng thì bé lại sốt. Khi tình trạng này của con không có dấu hiệu khả quan, bé bị sốt, ho cả tuần, chân tay bị lạnh, xuất hiện nốt lạ trong miệng, dù không muốn mình vẫn phải đưa con vào viện khám. Qua các khám xét, mình mới biết bé bị chân tay miệng".
Sau vài ngày nắng nóng, nhiều trẻ phải nhập viện vì bệnh tay chân miệng (Ảnh: Lê Bảo)
Dù rằng tay chân miệng không phải là bệnh mới, nhiều người cũng biết đây là bệnh không quá nguy hiểm, bệnh có thể bị đẩy lùi trong vòng vài ngày, song ai ai cũng ái ngại.
Đưa con tới bệnh viện Bạch Mai, chị Thu Trà (Nguyễn An Ninh, Hà Nội) nước mắt ngắn dài: “Trong 1 năm nay, con tôi bị đi bị lại bệnh chân tay miệng tới 3 lần. Dù biết bệnh này chỉ cần giữ sức khỏe và vệ sinh chân tay cho con thật sạch nhưng những dấu hiệu gần đây khiến tôi phải đưa con vào viện cho yên tâm. Nói dại miệng, nếu cứ để con ở nhà mà không đi khám xét, nếu con dính phải virus nguy hiểm như EV71 thì biết làm thế nào?”. Chị kể, những lần trước, con chị bị sốt và không chịu ăn, nhưng lần này, bé bị sốt lâu hơn, thuốc hạ sốt không có mấy tác dụng, bóng nước nhiều ở miệng, tay chân.
Đề phòng bệnh chân tay miệng bùng phát dịp nắng nóng
Theo T.S Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, trên thế giới trong những năm gần đây, bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng và duy trì ở mức cao tại một số nước Châu Á. Năm 2013, Trung Quốc ghi nhận 2.071237 trường hợp mắc, trong đó có gần 600 trường hợp tử vong; Nhật Bản ghi nhận 67.981trường hợp mắc, Singapore ghi nhận 36.518 trường hợp mắc.
TS Nhật An nhấn mạnh, tại Việt Nam, căn bệnh này bắt đầu ghi nhận ở nước ta từ năm 2005, tuy nhiên số mắc tăng kỷ lục được thống kê ghi nhận là từ năm 2011 với con số 100.000-150.000 trường hợp. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 18.000 ca mắc tại hầu hết các tỉnh trên cả nước, ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa, tác nhân gây bệnh là EV71. Mặc dù so với cùng kỳ năm 2013 số ca mắc giảm 21%, số tử vong giảm 5 trường hợp, nhưng theo nhận định của giáo sư An, bênh tay chân miệng trong năm 2014 vẫn có số trường hợp mắc cao và tập trung nhiều hơn ở miền Nam với hơn 15.000 trường hợp (chiếm trên 80% số ca mắc trên cả nước).
Bệnh tay chân miệng lưu hành ở hầu hết các tỉnh của nước ta, mặc dù số mắc giảm so với năm 2013 nhưng theo nhận định của bác sĩ, bậc phụ huynh vẫn nên cẩn thận chăm sóc trẻ trong thời tiết khí hậu như thế này. Hiện tại, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin dự phòng, thêm vào đó việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn chưa tốt nên nguy cơ dịch bùng phát trong dịp hè là điều không nói trước được.
Bệnh tay chân miệng khi xuất hiện thường có 3 giai đoạn chính: Giai đoạn đầu, người bệnh sốt nhẹ, mệt mỏi do bị nhiễm virus, đau họng và sổ mũi trong vài ngày. Giai đoạn 2, giai đoạn toàn phát, một số mụn nước sẽ xuất hiện ở trong niêm mạc miệng, mặt trong của má, các mụn nước này rất dễ vỡ nên tạo cảm giác đau đớn cho trẻ khi ăn uống. Giai đoạn cuối cùng là các mụn nước đó mọc khắp người trẻ, tay, chân, lòng bàn tay, bàn chân...
Vệ sinh môi trường sạch sẽ cũng là một cách phòng bệnh tay chân miệng hữu hiệu (Ảnh: Chí Toàn)
Đầu tiên virus chân tay miệng lan đến mô trong miệng, gần amiđan và xuống hệ tiêu hóa. Sau đó virus đi tới các hạch bạch huyết lân cận và qua máu đi khắp cơ thể. Hệ miễn dịch sẽ chống trả lại virus để ngăn nó lan tới những cơ quan trọng yếu, như não.
Các virus gây bệnh tay chân miệng có thể lây theo 2 cách: Qua đường hô hấp – gần giống đường lây của cảm cúm, qua các bề mặt nhiễm bẩn hoặc chất thải
Khi thấy trẻ có những biểu hiện trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến các phòng khám chuyên khoa và bệnh viện để kiểm tra và điều trị, cha mẹ các bé không nên tự ý mua thuốc về điều trị cho trẻ, tránh gây ra các biến chứng sau này.
Khi trẻ bị bệnh, cha mẹ cần lưu ý đến chế độ ăn uống dinh dưỡng cho trẻ, vệ sinh cơ thể trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Phụ huynh nên vệ sinh nơi ở, và vệ sinh sạch sẽ cơ thể cho trẻ. Hạn chế cho trẻ đến những nơi đông người, tránh trường hợp nhiễm chéo bệnh, làm cho dịch tay chân miệng lại bùng phát.
Bác sĩ Nguyễn Trung Hà - Trưởng Khoa Nhi, bệnh viện Việt Pháp chia sẻ về cách chăm sóc trẻ bị bệnh chân tay miệng như sau, bệnh hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, khi trẻ bị sốt, bé cần hạ sốt và giảm đau bằng Paracetamon (chú ý: không dùng Aspirin cho trẻ em). Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ theo lứa tuổi và bù dịch đầy đủ đề phòng mất nước, hạ đường huyết. Trẻ bú mẹ cần tăng cường ăn sữa mẹ nhiều hơn.
Với trẻ lớn, có thể phải tránh các thức ăn làm trẻ đau rát miệng như: thức ăn có chất chua (nước cam, chanh; hoa quả ép…); thức ăn nóng, đặc. Nên cho trẻ uống nhiều hơn các thức ăn lỏng, được làm mát như cháo loãng, sữa, chè đậu đen… bố mẹ cần theo dõi sát để kịp thời đưa trẻ đến viện điều trị ngay khi có các dấu hiệu nặng.
Tại bệnh viện, tùy mức độ bệnh, các bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị phù hợp nhằm hạn chế các biến chứng nặng, đe dọa tính mạng.
Việc phòng bệnh chân tay miệng cũng được bác sĩ Trung Hà nhấn mạnh, cha mẹ cần vệ sinh thân thể cho bé thật sạch sẽ, cho bé rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Đồ chơi, sàn nhà, những vật dụng liên quan tới trẻ cần được khử trùng, trước tiên bằng xà phòng, nước rồi khử trùng bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác. Cha mẹ cần thiết kế cho bé thực đơn ăn uống đủ chất, giàu vitamin C để tăng cường hệ miễn dịch.