Đó là phản ứng bình thường của một đứa trẻ mới biết đi vốn được an toàn tuyệt đối. Bé cho rằng việc phải xa cách cha mẹ giống như một sự đe doạ lớn. Theo thời gian, con sẽ học được rằng, bạn sẽ quay lại với bé, chỉ là lúc này bé chưa đủ khả năng để hiểu điều này một cách đầy đủ.
Trẻ mới biết đi thường dành phần lớn thời gian với người chăm góc gần gũi với chúng: bố mẹ, anh chị em, họ hàng, cô, bác, ông bà. Cho đến khi bé có sự gắn bó với người giữ trẻ, và biết rằng bé có thể dựa vào họ để đáp ứng các nhu cầu của mình, bé sẽ không thực sự cảm thấy an toàn. Vì vậy, nhiệm vụ của bạn là tìm cách để giúp con tạo được mối liên kết với người giữ trẻ, và giúp người giữ trẻ hiểu được những nhu cầu của con.
Dưới đây là 13 bước để giúp quá trình chuẩn bị cho con đi mẫu giáo của bạn trở nên dễ dàng hơn.
1. Tạo điều kiện cho con gắn kết với người giữ trẻ
Trẻ mới biết đi không "quen" làm việc mà không có bạn. Trẻ cảm thấy an toàn khi ở bên cạnh bạn. Cách duy nhất để giúp con bạn vượt qua nỗi buồn khi bạn rời đi là để trẻ phát triển mối quan hệ tốt với người chăm sóc trẻ.
Bé vẫn sẽ phản đối việc bạn rời đi, nhưng người giữ trẻ có thể an ủi bé. Sự phản đối này chỉ nên diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn mà thôi. Nếu bé tiếp tục khóc trong vòng 15 phút, điều này có nghĩa là bé chưa sẵn sàng chấp nhận sự an ủi từ người mới này.
Vậy làm thế nào để tạo điều kiện cho con bạn gắn kết với người giữ trẻ?
• Để bé có trải nghiệm tương tác tốt với người giữ trẻ khi có mặt bạn ở đó.
• Tự mình có quan hệ thân thiết, nhiệt tình với người giữ trẻ, khi có mặt bé ở đó.
• Đặt một bức ảnh của người chăm sóc đang ôm bé ở đâu đó trong nhà và thường xuyên nói chuyện nồng nhiệt với nó.
• Hãy nhiệt tình nói với con về người giữ trẻ.
2. Giúp con thoải mái trong tình huống mới
Dành một vài buổi sáng, hoặc một vài phần của buổi sáng, để ở nhà trẻ với con, trước khi để con ở đó mà không có bạn. Tạo điều kiện cho con bạn gắn kết với những đứa trẻ khác và đặc biệt là với người giữ trẻ. Ngay khi con tham gia vào một hoạt động nào đó, hãy cố gắng lùi lại chỗ ngồi, gần đó nhưng không tham gia.
3. Bắt đầu với những sự chia cách ngắn
Sau khi bé cảm thấy thoải mái với tình huống mới và phát triển mối quan hệ tốt hơn với người giữ trẻ, hãy tập rời xa bé trong một thời gian ngắn - bắt đầu bằng cách chào tạm biệt, rời đi và sau đó quay lại ngay khi trẻ ngừng khóc.
Nếu bạn bắt đầu với thời gian vắng mặt ngắn, bé sẽ biết rằng bạn sẽ luôn trở lại, và dần dần quen với các khoảng cách dài hơn. Nhưng hãy cố gắng đừng quay lại khi bé vẫn đang khóc, nếu không bé sẽ nghĩ rằng khóc có thể khiến bạn quay trở lại và sẽ rất khó để con từ bỏ chiến lược đó!
4. Xây dựng thói quen chia tay
Ví dụ, luôn đọc cho bé nghe một câu chuyện ngắn, sau đó ôm bé và nói với con rằng bạn yêu con và bạn sẽ quay lại, sau đó đặt bé trong vòng tay của người giữ trẻ, và nói câu chia tay thông thường của bạn: "Mẹ yêu con, chúc con một ngày tuyệt vời và mẹ sẽ đón con lúc ba giờ!". Hãy tuân thủ thói quen này hàng ngày và đừng kéo dài hoặc cắt ngắn nó. Nó sẽ giúp con bạn biết chính xác những gì sẽ xảy ra.
5. Để bé lại với một vật khiến con dễ chịu
Nếu bạn có thể tặng bé một thứ gì đó của bạn, chẳng hạn như một chiếc khăn, bé có thể tự an ủi bản thân bằng đồ vật đó, mặc dù đừng ngạc nhiên nếu bé ném nó xuống sàn khi bạn rời đi. Nhiều người cho rằng có thể cho con đem theo đồ chơi mà con yêu thích, và tất nhiên điều này cũng rất hữu ích, nhưng có một vật gợi nhớ về mẹ vẫn sẽ giúp bé cảm thấy rõ sự gắn bó an toàn hơn.
6. Giúp con nhận biết việc gì đang xảy ra
Ngôn ngữ của bé có thể còn hạn chế, nhưng bé vẫn sẽ hiểu được rất nhiều điều. Vì vậy, việc bạn cố gắng giải thích cho bé chuyện gì đã diễn ra cũng sẽ giúp con đối mặt với tình huống dễ dàng hơn. Đừng dừng lại ở phần chia cách, hãy mô tả những điều thú vị mà bé sẽ trải qua:
Đầu tiên mẹ sẽ kể cho con nghe một câu chuyện. Sau đó, chúng ta sẽ đến chỗ cô Hà và cô ấy sẽ chăm sóc con. Mẹ sẽ nói "Hẹn gặp lại nhé An ơi! Sau đó, mẹ sẽ đi làm, mẹ sẽ vẫy chào tạm biệt con. Con cùng cô Hà sẽ vẫy chào tạm biệt mẹ qua cửa sổ. Sau đó, con và cô Hà sẽ cùng nhảy theo điệu nhạc mà con yêu thích. Con có thể sẽ hơi buồn một chút, nhưng âm nhạc và điệu nhảy sẽ giúp con cảm thấy dễ chịu hơn. Sau đó, con và các bạn sẽ được ăn nhẹ. Con sẽ chơi bên ngoài sân chơi, ăn trưa. Mẹ sẽ quay lại sau bữa trưa để đón con. Mẹ hứa là sẽ luôn quay lại".
7. Đừng đầu hàng trước cám dỗ quay lại với con
Bởi nếu bạn làm vậy, nỗi lo xa cách của bé sẽ trở nên tồi tệ hơn. Khi con bật khóc, hãy bình tĩnh nói:
"Mẹ biết rằng con không muốn rời xa mẹ, nhưng mẹ sẽ quay lại ngay sau bữa trưa/bữa phụ chiều. Mẹ sẽ vẫy chào tạm biệt từ bên ngoài. Cô Hà sẽ bế con để chào mẹ qua cửa sổ nhé!"
Sau đó bạn hãy rời đi. Đừng quay lại để ôm lấy con bạn khi bé đang khóc. Có thể sẽ mất vài tuần con mới bắt đầu vẫy tay chào lại bạn, nhưng bạn hãy luôn luôn vẫy tay chào bé. Giấu nỗi buồn của bạn để cho con thấy bạn tự tin rằng bé sẽ có thể đối mặt với tình huống này, dù chuyện gì xảy ra đi nữa.
8. Thảo luận trước với người giữ trẻ về những gì họ có thể làm để an ủi và đánh lạc hướng con bạn
Rất quan trọng để giúp con cảm thấy thoải mái với người giữ trẻ, bởi bạn muốn một người có thể khiến bé thoải mái khi bé khóc, chứ không làm bé xấu hổ.
Sự đánh lạc hướng có thể có tác dụng tạm thời, nhưng về lâu dài, bé sẽ thể hiện sự thất vọng khi bạn ra đi để cho một người khác chăm sóc bé. Vì vậy, bản thân nó không phải là chiến lược tốt nhất. Thay vào đó, hãy yêu cầu người người giữ trẻ nói với con bạn rằng:
"Con đang khóc. Con buồn vì phải rời xa mẹ. Cô ở đây để chăm sóc con. Con có thể khóc chừng nào con muốn. Sau khi con khóc xong, con sẽ cảm thấy ổn hơn và rồi chúng ta sẽ cùng chơi nhé".
Mặt khác, người giữ trẻ còn cần chăm sóc cả những đứa trẻ khác nữa. Hầu hết quá trình xử lý cảm xúc cho con sẽ do bạn thực hiện, vào buổi tối hoặc vào cuối tuần. Người giữ trẻ cuối cùng sẽ giúp bé "chuyển số" từ buồn bã sang vui chơi vui vẻ, ngay cả khi bố hoặc mẹ đã rời đi. Vì vậy, bạn cũng nên lập kế hoạch cho những lần đánh lạc hướng để giúp bé bình tĩnh.
9. Đừng đến đón con muộn
Nếu bé ăn xong bữa chiều và bạn vẫn chưa đến đó như đã hứa, điều này sẽ khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn trong tương lai. Bạn sẽ gieo vào suy nghĩ của bé một điều rằng, không phải lúc nào cha mẹ cũng thực hiện lời hứa của mình.
10. Giúp con hiểu bố/mẹ sẽ quay lại
Cho con hiểu rằng điều gì biến mất sẽ không biến mất mãi mãi, mà có thể quay trở lại. Bạn có thể chơi trò trốn tìm, hoặc giấu rồi tìm đồ chơi mà bé yêu thích. Ví dụ: Gấu bông của Bon ở dưới giường phải không nhỉ? Ồ không, nó không ở dưới giường. Gấu bông của con ở sau tấm rèm đúng không nhỉ? Đúng rồi, đây chính là gấu bông của con. Hoặc bạn có thể chơi trò trốn tìm, đương nhiên là hãy trốn ở chỗ mà con có thể tìm thấy nhé.
11. Cho con hiểu rằng "rất nhiều người yêu con"
Tập hợp một album ảnh cỡ nhỏ gồm những người yêu thương và gần gũi với bé: bố mẹ, cha mẹ nuôi, ông bà, người giữ trẻ, cô chú, anh chị em họ và bạn bè. Có thể thêm cô giáo ở nhà trẻ. Hãy cùng bé đọc "cuốn sách" này thường xuyên. Hãy để bé quen với việc người giữ trẻ đọc cuốn sách ấy cho bé nghe trước sự chứng kiến của bạn. Nhiều đứa trẻ cảm thấy được an ủi bằng cách đọc cuốn sách như vậy khi chúng thấy nhớ cha mẹ.
12. Hãy cho con thật nhiều tình yêu và sự chú ý khi bạn ở bên con
Bạn cần nghỉ ngơi vào cuối ngày, nhưng con của bạn cũng có rất nhiều nhu cầu tình cảm cần thể hiện đối với cha mẹ. Tất nhiên là bé đang đòi hỏi. Bé căng thẳng và cần tình yêu thương của bạn để cảm thấy thư giãn. Hãy chuẩn bị bữa tối đơn giản nhất có thể và luôn tìm mọi cơ hội để kết nối với con trong mọi hành động. Chỉ cần đảm bảo rằng bé có nhiều cơ hội để cười, để giải toả những căng thẳng đó là bạn đã thành công. Và dành thêm thời gian cho việc âu yếm con trước khi ngủ.
13. Chọn người ấm áp, yêu thương để chăm sóc cho con
Bạn có nhận thấy điều gì cần thiết trong việc lựa chọn trường mầm non hoặc người trông trẻ không? Con bạn cần một người ấm áp, dễ dàng kết nối với trẻ và giúp chúng cảm thấy an toàn. Vì vậy, hãy chọn một nơi mà bạn thấy những người chăm sóc tương tác một cách nồng nhiệt với trẻ; và những đứa trẻ rõ ràng rất vui khi được đưa đi vào buổi sáng. Tránh xa các chương trình giảng dạy thuần học thuật, thay vào đó hãy tìm kiếm một nơi nhấn mạnh sự phát triển về cảm xúc và xã hội. Hãy chú ý đến tỷ lệ giáo viên/ trẻ, vì người chăm sóc sẽ khó đáp ứng nhu cầu của con bạn nếu cô ấy phải chăm sóc nhiều đứa trẻ khác.
Nghiên cứu cho thấy rằng, trẻ mới biết đi mà phải đi nhà trẻ cả ngày sẽ có nồng độ hormone căng thẳng cao hơn vào buổi chiều, so với những trẻ được ở nhà buổi chiều. May mắn thay, có bằng chứng cho thấy rằng, ở những nơi giữ trẻ có chất lượng cao, nơi trẻ có sự gắn kết an toàn với người chăm sóc, trẻ sẽ bớt căng thẳng hơn và mức cortisol của trẻ cũng gần giống với mức bình thường của trẻ ở nhà. Đây chính là bằng chứng cho thấy tầm quan trọng của việc trẻ nên hình thành sự gắn bó bền chặt với người chăm sóc của chúng.
Em bé của bạn cuối cùng cũng sẽ vượt qua nỗi sợ hãi khi phải xa bố mẹ. Mình hy vọng rằng 13 gợi ý trên sẽ giúp hành trình này dễ dàng hơn cho cả bạn, và con của bạn.
Vài nét về tác giả:
Vài nét về tác giả:
Chị Linh Phan là một chuyên gia tâm lý học/phát triển của trẻ nhỏ và nhà tư vấn phụ huynh chuyên nghiệp theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời cũng là tác giả các cuốn sách về làm cha mẹ như "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu" và "Gỡ lỗi cha mẹ trong giao tiếp với con".
Theo Linh Phan, làm cha mẹ là quá trình bố mẹ trưởng thành và thay đổi để hoàn thiện hơn. Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.
Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.
Bạn có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.