Sự xuất hiện của các "cộng đồng cảnh báo tra nam"
Khi Allie (28 tuổi, sống tại London, Anh Quốc) biết rằng người yêu 4 năm đã lừa dối cô với ít nhất 9 phụ nữ khác, sử dụng các ứng dụng hẹn hò và nói với người quen biết rằng họ đang có một mối quan hệ mở, cô gái 28 tuổi cảm thấy thế giới quan như “nổ tung”.
"Mối quan hệ mở" (open relationship) là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ một loại mối quan hệ tình ái mà trong đó các bên thỏa thuận với nhau rằng có thể có quan hệ với những người khác ngoài mối quan hệ chính.
Điều này khác với mối quan hệ 1-1 truyền thống, trong đó các bên đều cam kết cho nhau sự trung thành và chung thủy. Trong mối quan hệ mở, các bên thường đề cao sự trung thực và thỏa thuận rõ ràng, để tránh những hiểu lầm và xung đột trong quan hệ. Mối quan hệ mở không phải là phù hợp với mọi người.
Họ sống cùng nhau và cùng lúc đó cô tìm thấy thuốc kháng virus Herpes ở nhà. “Hóa ra anh ta đã có bệnh được vài năm. Đó là một bệnh nhiễm trùng phổ biến nên đối với tôi đó không phải là vấn đề - vấn đề là sự lừa dối. Anh ta không chịu trách nhiệm ngăn chặn hoặc giảm thiểu nó”.
Bực bội và hoang mang, Allie được bạn gợi ý cho một nhóm Facebook có tên “Are we dating the same guy?” (Tạm dịch: Chúng ta đang hẹn hò với cùng một anh?), được lập ra từ tháng 3 năm 2022 để phụ nữ New York tìm hiểu xem đối tác tiềm năng có “tà lưa” với những người khác không.
Group được cho là lập ra sau vụ bê bối West Elm Caleb (trong đó một nhà thiết kế nội thất 25 tuổi bị bắt quả tang hẹn hò với nhiều phụ nữ cùng lúc và sau đó lừa dối họ). Tới nay, các nhóm dạng này đã xuất hiện ở nhiều thành phố tại Mỹ, Anh, châu Âu, dành riêng cho phụ nữ dị tính tại khu vực cụ thể.
Các nhóm này đang phát triển nhanh chóng để đối phó với áp lực của việc hẹn hò hiện đại. Theo Báo cáo quốc gia trực tuyến của Ofcom (Cơ quan giám sát truyền thông Anh) năm 2022, cứ 10 người trưởng thành ở Vương quốc Anh thì có 1 người sử dụng dịch vụ hẹn hò trực tuyến, hầu hết trong độ tuổi 25-34 - đây là nhóm nhân khẩu học có nhiều khả năng đối mặt với việc bị “bơ” (ghosting) và “thả thính” thiếu nghiêm túc, bên cạnh các vấn đề khác như lừa dối, thao túng tâm lý…
Allie sau đó gia nhập vào nhóm địa phương của cô ở London và họ cùng chia sẻ về nỗi sợ khi phải chứng kiến ai đó hẹn hò với 10 cô gái khác nhau và lừa dối tất cả. Những câu chuyện như vậy ảnh hưởng nặng nề đến niềm tin hẹn hò của phụ nữ.
Ngoài lừa dối tình cảm, còn nhiều hành vi khác được các “tra nam” thực hiện như lừa tiền, giả mạo. UK Finance báo cáo rằng 38% số người từng hẹn hò ai đó thông qua các nền tảng trực tuyến bị hỏi xin tiền, trong khi Nghiên cứu trải nghiệm trực tuyến của Ofcom phát hiện ra rằng 11% số vụ giả mạo gần đây diễn ra trên một nền tảng hẹn hò online.
“Tôi chắc chắn tin rằng việc hẹn hò đang trở nên nguy hiểm hơn, đặc biệt là trong vài năm qua. Người ta có thể giả mạo là ai đó khác trên các app hẹn hò”, Nadia, một người sáng lập group thuộc loại “Are we dating the same guy” ở thành phố của cô cho biết.
Các nhóm dạng này đều được thiết lập trạng thái riêng tư và muốn tham gia, người dùng phải trả lời các câu hỏi khá khắt khe để chứng tỏ mình đã đọc hiểu nội quy.
Hơn nữa, khi người viết sử dụng một tài khoản nam giới yêu cầu tham gia nhóm “Are we dating the same guy” ở New York, tài khoản lập tức bị chặn. Có thể nói, những người quản lý các nhóm này đều rất khắt khe trong việc tạo dựng một môi trường chỉ dành cho phụ nữ và theo lời giới thiệu của nhóm là để bảo vệ phụ nữ.
Ngoài ra, một quy định của các nhóm này yêu cầu mọi thành viên tham gia không được nhắc đến sự tồn tại của nhóm trên bất cứ phương tiện truyền thông hay phương thức truyền tin công cộng nào.
Dù khắt khe là vậy, số lượng thành viên của các nhóm này vẫn gia tăng nhanh chóng. Được thành lập từ tháng 5/2022, group “chi nhánh” London hiện đã có hơn 27.000 thành viên và đã tăng hơn 2.000 chỉ trong tuần qua tính tới thời điểm viết bài.
Nội dung của các bài đăng khá đa dạng, từ câu chuyện của những người trải qua mối quan hệ độc hại cho tới ảnh chụp màn hình các tài khoản hẹn hò online, hay các câu hỏi “tám chuyện”, “hóng drama” về những người đàn ông được nhắc đến.
Quy tắc của các bài đăng cũng khắt khe không kém việc lọc thành viên. Thứ nhất, họ khuyến khích thành viên đăng bài kể lại trải nghiệm hoặc đặt câu hỏi theo phương thức ẩn danh. Thứ hai, đối tượng được mang ra hỏi phải được giữ bí mật về họ tên, thông tin cá nhân, thông tin mạng xã hội… khiến họ có thể bị nhận ra dễ dàng. Dù vậy, việc đăng ảnh cá nhân của đối tượng là được phép.
Thứ ba, nhóm kêu gọi bảo vệ phụ nữ chứ không tấn công đàn ông và không chấp nhận các hành vi xúc phạm, phỉ báng, bình luận phán xét không liên quan về ngoại hình…
Làm việc theo các quy tắc đó, Allie đã đăng thông tin mơ hồ về hoàn cảnh và đối tượng của mình. “Về cơ bản, tôi muốn tìm hiểu xem mình đã ngu ngốc đến mức nào, có thể nói như vậy, và liệu người này có trăng hoa và gây nguy hiểm cho người khác hay không. Mối quan tâm chính của tôi vào thời điểm đó là sự an toàn của những người phụ nữ khác”.
Có một số trao đổi qua lại với những người bình luận khác, nhưng Allie không thể xác minh điều gì. Sau đó, khi đối phương cho cô biết tên của tất cả những người anh ta đã ngủ cùng, cô đã nhận ra một số cái tên quen thuộc đó từ các tài khoản bình luận – nhưng hoạt động của cô trong nhóm chỉ dừng lại ở đó. Cô đã xác nhận xong.
Allie nhấn mạnh việc tồn tại một nhóm như vậy khiến cô nhận ra lỗi không phải ở mình mà ở những đối tác nam giới tồi tệ.
Hiện tại, sự xuất hiện của các nhóm này đã “gây bão” trên mạng xã hội (bất chấp quy tắc không được nhắc đến công khai mà những người thành lập mong muốn áp dụng). Từ những video TikTok thảo luận, cho đến các trò đùa vô hại… mọi người bàn tán xôn xao về chủ đề này.
Câu hỏi về tính đạo đức và quyền riêng tư
Nhưng ngoài bầu không khí và dư luận ủng hộ, vẫn tồn tại một vài góc phản biện, tập trung vào các câu hỏi đạo đức, chẳng hạn như việc chia sẻ hồ sơ hẹn hò, tin nhắn và ảnh riêng tư của mọi người mà không có sự đồng ý có bị coi là vi phạm đạo đức không?
Và chúng ta sẽ cảm thấy thế nào nếu giới tính bị đảo ngược? Sẽ thế nào nếu có một nhóm toàn nam giới đăng ảnh phụ nữ và thảo luận về họ theo cách y hệt?
Thông tin cá nhân của đối tượng hẹn hò tiềm năng không được chia sẻ nhưng hình ảnh thì được phép, tạo ra lo ngại về xâm phạm riêng tư.
Câu hỏi lật ngược giới tính để kiểm tra tính tiêu chuẩn kép của vấn đề có một lỗ hổng: phụ nữ nhìn chung là người yếu thế hơn và dễ bị tổn thương hơn trong mối quan hệ tình cảm. Tuy nhiên, một vấn đề không thể phủ nhận và đã được chứng minh bằng thực tế là một khi đàn ông lập các nhóm tương tự để làm hành vi y hệt, thì họ bị phản đối dữ dội hơn nhiều.
Theo tạp chí Glamour báo cáo vào tháng 10 năm 2022, khi một nhóm toàn nam giới ở New York tham gia cộng đồng tên “Are we dating the same girl?” (Chúng ta có đang hẹn hò cùng một cô không?) nổi lên, với cùng bộ quy tắc, thì họ bị “kết tội” bởi nhóm gốc phiên bản dành cho nữ. Hiện tại, nhóm dành cho nam giới trên đã không còn tồn tại.
Giả sử như việc đàn ông đăng ảnh phụ nữ lên một cộng đồng trực tuyến mà không xin phép, hỏi “review” về tính cách là không thể chấp nhận được, thì việc phụ nữ làm việc tương tự có đứng vững về mặt đạo đức hay không, đặc biệt khi chúng ta đang hướng tới một xã hội ngày càng bình đẳng giới và đa số ngày càng thừa nhận rằng đàn ông cũng dễ bị tổn thương?
Một câu hỏi khác là liệu việc đưa "review" về một đối tượng hẹn hò giống như thể môi trường tuyển dụng nhân sự có ích cho sức khỏe tinh thần hay không? Hơn nữa, đánh giá hay câu chuyện của một người về ai đó sẽ luôn có sự chủ quan nhất định, đặc biệt là khi họ có quyền ẩn danh. Sẽ thế nào nếu việc vu khống diễn ra, dù là với % rất nhỏ?
Ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần và môi trường hẹn hò
Ngoài vấn đề đạo đức và nguy cơ xâm phạm riêng tư, theo Guardian, những nhóm này cũng đặt ra các câu hỏi nhức nhối về sức khỏe tinh thần và cách phụ nữ nhìn nhận về các mối quan hệ trong tương lai.
“Tôi biết vô số phụ nữ từng tham gia nhóm này mãi mãi bị ảnh hưởng bởi việc đánh mất niềm tin. Nó đã khiến họ - và cả tôi - lạnh lùng hơn rất nhiều trong việc tương tác với người mới. Tôi nghi ngờ mọi thứ. Nó có thể đi quá xa, và bạn cần nhắc nhở bản thân rằng bạn không nên bị đưa vào tình huống phải làm thế này với người khác” - Allie nhận định.
Một điều chúng ta không thể phủ nhận là “Are we dating the same guy” đã trở thành ví dụ cho việc môi trường hẹn hò hiện đại đã trở nên đáng thất vọng, thiếu niềm tin và máy móc ra sao. “Tôi nghĩ việc phản bội đã trở nên quá phổ biến do các ứng dụng hẹn hò thúc đẩy một cái nhìn rằng người yêu có thể dễ dàng thay thế và tâm lý ‘Cỏ nhà hàng xóm xanh hơn’”, Allie nói thêm.
Nhìn về khía cạnh tích cực, các nhóm này vẫn tạo ra một môi trường nơi mà phụ nữ có thể dựa vào nhau, chia sẻ trải nghiệm khó khăn để cùng vượt qua và bớt cảm thấy cô đơn. Ngoài những bài đăng xin “review’ về đối tượng tiềm năng, cũng có nhiều post chị em cảm ơn nhau. Nó có thể trở thành một chỗ dựa cho những người đang cảm thấy bị phản bội và cảnh báo về các nguy cơ đáng sợ hơn.
Đối với Nadia, việc có cộng đồng này thực ra lại khiến góc nhìn về thế giới hẹn hò của cô tích cực hơn. “Biết rằng có một cộng đồng phụ nữ luôn hỗ trợ nhau khiến tôi cảm thấy an toàn hơn, đặc biệt trong bối cảnh hẹn hò hiện tại".
Nguồn: Guardian