Ngồi lặng lẽ trong một quán cà phê nhỏ nằm trên đường Lê Đức Thọ (Hà Nội), Huệ ngập ngừng kể về mối tình đầu của mình: "Hồi đó, em và bạn ấy học chung lớp đại học, đều là dân ngoại tỉnh. Bọn em yêu nhau từ năm nhất và đến năm thứ 2, bạn ấy rủ em về ở cùng - trong một phòng trọ nhỏ nhưng khá riêng biệt ở khu Trương Định. Ban đầu em từ chối nhưng bạn ấy cứ thuyết phục mãi và em đã đồng ý. Vậy mà...".
Huệ cho biết, cuộc sống chung của họ chỉ thực sự hạnh phúc trong vài tháng đầu, sau đó là những hờn dỗi, trách móc nhỏ nhặt và cuối cùng chia tay khi cả hai cảm thấy quá mệt mỏi. Điều khiến Huệ đau khổ nhất là trong quãng thời gian đó, cô đã một lần phải đi phá thai.
Sau mối tình đổ vỡ, Huệ luôn sống trong cảm giác đau khổ, oán hận chính mình. Cô lo sợ không người đàn ông nào có thể chấp nhận quá khứ kia nên thường e dè khi có người khác phái đến với mình. Cuối cùng, cô gái 25 tuổi đã tìm cách săn học bổng và ra nước ngoài học hành vì không muốn tiếp tục bị ám ảnh chuyện cũ. "Có thể đàn ông Tây sẽ không quá coi trọng chuyện em từng sống thử và em có thể tìm được một người chấp nhận mình chăng?", Huệ cười chua chát trong cuộc trò chuyện trước ngày lên đường du học.
Từng bị một người đàn ông hơn mình 5 tuổi dụ dỗ sống chung rồi mượn tiền, phụ tình, Phượng (Hoài Đức, Hà Nội) luôn dày vò và mặc cảm về bản thân. "Chỉ ở chung 2 tháng, em đã biết rõ bộ mặt thật của anh ta và chia tay ngay, nhưng tới giờ, hai năm rồi, em vẫn hối hận vô cùng, không hiểu sao mình ngu dại trao thân thế, để bây giờ cuộc đời chẳng có hy vọng gì nữa", Phượng thổ lộ.
Cô kể, sau khi rời khỏi người đàn ông kia, cô gặp một người con trai rất tốt, yêu cô chân thành. Cô nghĩ vì mình đã mất đời con gái nên sẽ phải yêu và đền đáp thật nhiều tấm chân tình kia để bù đắp thiệt thòi cho anh. Cô quyết định "thú tội" về quá khứ để mong được tha thứ, chập nhận, nhưng người ấy đã ra đi không một lời nói lại.
"Em không trách anh ấy. Có lẽ đó là sự thật quá phũ phàng mà anh ấy không chấp nhận được. Em tự làm thì phải tự chịu thôi. Có lẽ cả đời em sẽ phải chịu cảnh cô đơn", Phượng nghẹn ngào.
Nhiều cô gái, khi nhận được cái kết không có hậu sau "sống thử" thường lo sợ người đàn ông đến với mình sau này sẽ coi thường, rũ bỏ nếu biết quá khứ ấy. Vì thế họ thường sống khép kín, mặc cảm, thậm chí không dám nghĩ tới chuyện sẽ được yêu thực sự và có cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Trong dòng ý kiến phản hồi về một tâm sự được cho là "hot" trên VnExpress.net - "Có nên kết hôn với cô gái từng sống thử" - của một chàng trai tên Cường, nhiều cô gái đã giãi bày nỗi đau khổ và ân hận vì từng trót "sống thử". Nhiều người trong số họ đã kể về những hậu quả đáng tiếc mình phải gánh chịu như bị mất mối lương duyên, bị người yêu, chồng dằn vặt, coi thường, thậm chí bỏ rơi khi biết sự thật... Tuy nhiên, cũng có một số người bày tỏ sau cú vấp đời mình họ đã ngẩng cao đầu làm lại, gặp được người đàn ông rộng lượng, yêu thương và có tổ ấm hạnh phúc.
Về tâm sự này, đa số nam giới cũng thể hiện cái nhìn cực đoan và cho rằng không nên cưới cô gái từng sống thử vì cho rằng những người này là hư hỏng, hoặc sau này dễ so sánh chồng với người cũ, khó chung thủy... Nhiều người còn kể rằng, sau khi kết hôn với những cô gái "không còn trong trắng", họ luôn bị ám ảnh về quá khứ của vợ rồi dằn vặt và cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc.
Theo chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình (Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam), trong xã hội còn coi trọng trinh tiết, những cô gái từng có quan hệ tình dục thường lo lắng khi đến với người sau. Những người từng "sống thử" còn mang tâm trạng nặng nề hơn nữa. Trong tâm thức, họ biết đây là việc trái với thuần phong mỹ tục nên trong quá trình sống chung họ đã giấu giếm người thân, bạn bè. Vì thế, khi đổ vỡ, họ thường khó chia sẻ với người khác và nỗi ân hận này chồng lên nỗi mặc cảm kia.
Với những phụ nữ coi đàn ông là người quyết định đời mình, sống thử vì bị rủ rê, ép buộc... khi chia tay họ cảm thấy mất mát nhiều hơn, và cảm giác bản thân vô giá trị. Khi có người đàn ông khác đến với mình, họ cho là mình không xứng đáng nên luôn tỏ ra phục tùng, quỵ lụy.
Còn với những cô gái có suy nghĩ chín chắn, biết rõ được mất trước khi "góp gạo thổi cơm chung" và chấp nhận mọi thứ sẽ xảy ra, sẽ ở tâm thế khác hẳn. Họ sẽ luôn ý thức được về giá trị của bản thân và chủ động trong cuộc sống. Khi đến với người sau, có những phụ nữ sẽ thẳng thắn nói rõ về quá khứ của mình để xem thái độ của "nửa kia" và quyết định mình sẽ tiếp tục hay chấm dứt - tức họ vẫn là người lựa chọn chứ không phải bị chọn hay bỏ rơi.
"Bản chất vấn đề ở đây là ý thức về bản thân của người phụ nữ. Nếu họ biết trân trọng giá trị của chính mình, và biết cách cư xử để người đàn ông cũng phải tôn trọng, họ sẽ luôn chủ động lựa chọn hạnh phúc. Còn nếu họ càng tự ti, nghĩ mình đã mất giá trị mà quỵ lụy, rúm ró thì càng tạo điều kiện cho nam giới phán xét, khơi dậy sự coi thường, định kiến, và rồi họ lại rơi vào lối mòn cũ: Cố chiều chuộng - bị coi thường - tự ti...", nhà tâm lý phân tích.
Bà cũng cho rằng, đàn ông, nhất là đàn ông Á đông thường ích kỷ, mang tính chất tư hữu, muốn người phụ nữ thuộc về mình phải trọn vẹn, trong khi bản thân họ có khi lại tự cho phép mình được quan hệ tình dục một cách thiếu trách nhiệm. Tuy vậy, thực tế còn rất nhiều những người đàn ông rất rộng lượng, tử tế, và khi yêu thực sự, họ sẽ nhìn nhận vào hiện tại của người mình chọn làm vợ, chứ không soi mói quá khứ để dằn vặt bạn đời.
Trong một cuộc khảo sát cuối năm 2007 về quan điểm của đàn ông khi biết "nửa kia" không còn trinh, trong số hơn 8.600 người được hỏi thì có tới gần hơn một nửa số nam giới cho rằng họ sẽ chia tay ngay lập tức. Tuy nhiên, cũng có không ít đấng mày râu khẳng định họ không để tâm đến chuyện này.