Các chuyên gia hạt nhân đã đưa ra những đánh giá khác nhau về vấn đề này.

Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nằm ở Đông Nam Ukraine, cách thành phố Zaporizhzhia khoảng 112km và thành phố Donetsk khoảng 200 km về phía Tây. Theo Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), đây là nhà máy hạt nhân có quy mô lớn nhất ở Ukraine nói riêng và ở châu Âu nói chung. Nó chứa 6 trên tổng số 15 lò phản ứng năng lượng hạt nhân của Ukraine.

Lo ngại lớn sau vụ cháy nhà máy điện hạt nhân tại Ukraine - Ảnh 1.

Vị trí của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh: CNN

Nhà máy có thể sản xuất điện năng đạt từ 40 tỷ đến 42 tỷ kWh, chiếm 1/5 sản lượng điện trung bình hàng năm ở Ukraine và gần 47% sản lượng điện do các nhà máy điện hạt nhân tại nước này tạo ra.

CNN dẫn lời ông Jeffrey Lewis - Giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin (Mỹ) cho biết: “Mặc dù các báo cáo về vụ hỏa hoạn tại nhà máy Zaporizhzhia của Ukraine, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, là đáng báo động, nhưng vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết”.

Cho đến thời điểm hiện tại, các điều kiện theo dõi phóng xạ (được cập nhật cách đây vài phút) vẫn “bình thường”, ông Jeffrey Lewis nhận định. Máy dò bức xạ được lắp đặt “khắp mọi nơi” có thể phát hiện bất cứ sự đột biến nào về mức độ phóng xạ.

“Lò phản ứng là những cấu trúc lớn, kín và được xây bằng bê tông. Chúng không bắt lửa vì thế chúng tôi không biết điều gì đã gây ra hỏa hoạn”, chuyên gia này lưu ý. Nếu một đám cháy tiềm ẩn phá vỡ cấu trúc của lò phản ứng này thì lúc đó nó có thể trở nên nguy hiểm. Vì thế cần phải có nhân viên túc trực 24/7 để dừng lò phản ứng trước khi ngọn lửa tiến gần hơn.

Lo ngại lớn sau vụ cháy nhà máy điện hạt nhân tại Ukraine - Ảnh 2.

Ukraine cáo buộc Nga khai hỏa vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ảnh chụp màn hình: Daily Mail

Ông Jeffrey Lewis nhấn mạnh: “Lo ngại lớn nhất hiện nay là khu vực bảo vệ lò phản ứng hạt nhân bị phá hủy bằng tên lửa”.

Đồng tình với quan điểm này, ông James Acton, đồng giám đốc Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Quỹ Carnegie về hòa bình quốc tế (một tổ chức tư vấn có trụ sở ở Mỹ) cho biết, nếu một vụ hỏa hoạn hay một vụ tấn công bằng tên lửa phá vỡ hệ thống làm mát của các lò phản ứng, nhiên liệu bên trong có thể sẽ trở nên quá nóng và tan chảy.

“Tôi cho rằng lò phản ứng đã ngừng hoạt động nhưng nhiên liệu bên trong vẫn còn phóng xạ và cần được làm mát. Chúng ta phải giữ cho lò phản ứng nguội chừng nào vẫn còn nhiên liệu ở bên trong. Hay nói cách khác, lò phản ứng phải liên tục được làm mát. Nếu quá trình này dừng lại, việc tan chảy nhiên liệu có thể diễn ra trong vòng một vài ngày hoặc một vài giờ, tùy thuộc vào mức độ phóng xạ của lò phản ứng”, ông James Acton nói.

Chuyên gia này cảnh báo, khi nhiên liệu bên trong quá nóng và tan chảy sẽ giải phóng ra một lượng lớn phóng xạ. "Đây là điều mà chúng ta từng chứng kiến trong thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011 ở Nhật Bản và thảm họa Chernobyl năm 1986”.

Nhà phân tích an ninh quốc gia Joe Cirincione nói rằng, ông “rất lo ngại” về vụ cháy tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Sự cố hạt nhân có thể xảy ra nếu điện hoặc nước tại cơ sở này bị cắt: “Nếu những thanh nhiên liệu vẫn còn trong lò phản ứng trong lúc bị cắt điện, hệ thống làm mát sẽ ngừng hoạt động, tạo ra một phản ứng dây chuyền hạt nhân không thể kiểm soát được. Tất yếu một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra”.

Còn chuyên gia về chính sách hạt nhân Graham Allison đánh giá, "không phải tất cả các vụ cháy nhà máy điện đều gây ra hậu quả thảm khốc”. Điều đó còn phụ thuộc vào vị trí của đám cháy chẳng hạn như ngọn lửa có gần các lò phản ứng hay không, hay là ở một khu vực khác của nhà máy điện hạt nhân, liệu các nhân viên có thể thực hiện các biện pháp xử lý thích hợp hay không và có bao nhiêu lò phản ứng đã bị ảnh hưởng.

Lo ngại lớn sau vụ cháy nhà máy điện hạt nhân tại Ukraine - Ảnh 3.

Lò phản ứng số 1 của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine (ảnh cắt từ camera giám sát). Nguồn: Mail Online.

Trong thông báo trên Twitter, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết đã đặt Trung tâm Sự cố và tình trạng khẩn cấp của cơ quan này ở "chế độ phản ứng 24/7 hoàn toàn" do "tình hình nghiêm trọng" tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm thông báo, nước này đã kích hoạt Nhóm Ứng phó Sự cố Hạt nhân và Bộ năng lượng đang theo dõi tình hình cùng với Bộ Quốc phòng, Ủy ban Điều tiết Hạt nhân và Nhà Trắng.

Cùng ngày, người phát ngôn của nhà máy Zaporizhzhia, ông Andrii Tuz cho biết, hiện giao tranh ở gần khu vực nhà máy đã dừng lại và mức độ bức xạ hiện ở mức bình thường. Theo ông Andrii Tuz, nhà máy không bị bất cứ thiệt hại nghiêm trọng nào và hiện có một tổ máy phát điện trong tổng số 6 tổ máy đang hoạt động.