Nhiều tháng nay, người di cư bất hợp pháp ở nhiều độ tuổi độ tuổi, đa phần đến từ Afghanistan, Trung Đông và châu Phi, đang đổ dồn về biên giới của Belarus tiếp giáp với các quốc gia láng giềng châu Âu, gồm Ba Lan, Litva, Latvia. Họ tìm cách và chờ cơ hội để vào châu Âu.

 - Ảnh 1.

Người di cư đổ dồn về biên giới Belarus tiếp giáp với Ba Lan, Litva và Latvia (Ảnh: AP)

Căng thẳng leo thang và trở nên bất ổn hơn trong tuần qua khi người di cư tìm cách vượt hàng rào thép gai, xảy ra va chạm với các lực lượng bảo vệ biên giới. Quân đội và các lực lượng chống bạo động đã được các nước EU điều động bổ sung tới khu vực. Lo ngại mới ở rìa phía Đông châu Âu về một cuộc khủng hoảng di cư, các vấn đề nhân đạo và cả những căng thẳng chính trị gia tăng giữa các bên liên quan.

Căng thẳng người di cư tại biên giới Đông Âu

Hàng nghìn người di cư đang mắc kẹt tại biên giới giữa Ba Lan và Belarus trong thời tiết giá rét và thiếu thốn. Theo lực lượng biên phòng Ba Lan, kể từ đầu năm 2021 đến nay, khoảng 30.000 người đã tìm cách vượt biên trái phép từ Belarus vào nước này, cao hơn nhiều so với 120 người của cả năm 2020. Riêng tháng 10/2021 đã ghi nhận 17.300 người tìm cách vượt biên.

Dù giới chức Ba Lan đã đóng cửa khẩu Kuznica với Belarus, tuy nhiên, vẫn có khoảng 4.000 người di cư cắm trại dọc theo tuyến biên giới dài 416 km giữa 2 nước. Warszawa đã điều 15.000 binh sĩ đến dọc biên giới nước này để ngăn chặn làn sóng di cư vượt biên. Tuy nhiên, điều này cũng khiến căng thẳng giữa hai nước gia tăng.

 - Ảnh 3.

Các binh sĩ được điều động tới dọc biên giới để ngăn chặn làn sóng di cư vượt biên (Ảnh: AP)

"Việc Ba Lan triển khai 15.000 quân, xe tăng, súng phòng không, các loại vũ khí hạng nặng khác liệu có thể gọi là phản ứng thích hợp đối với người di cư ở biên giới? Có vẻ giống như thành lập một nhóm lực lượng tấn công. Quân đội Ba Lan đang đi ngược lại các thỏa thuận quốc tế và song phương" - ông Oleg Voinov, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Belarus, cho biết.

Nguy cơ xung đột ngày càng hiện hữu khi quân đội hai phía đều xuất hiện tại vùng biên. Tình hình căng thẳng trên thực địa còn lan sang cả các quốc gia láng giềng. Litva, Latvia và Ukraine đều triển khai binh lính giáp biên giới Belarus để ngăn chặn dòng người di cư trong khi Nga điều máy bay ném bom giám sát tình hình.

"Cần phải nhấn mạnh rằng, an ninh của Ba Lan và an ninh của khu vực biên giới phía Đông EU đang bị thử thách. Đây là tình huống chưa từng có tiền lệ trong 30 năm qua" - Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki khẳnh định.

Căng thẳng càng gia tăng khi mới đây, Liên minh châu Âu cho biết đang hoàn tất soạn thảo vòng trừng phạt thứ 5 đối với Minsk và đang xem xét gói trừng phạt thứ 6. Đáp lại, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko khẳng định sẽ không nương tay với bất kỳ lệnh trừng phạt mới nào. Belarus không loại trừ việc đóng cửa tuyến trung chuyển khí đốt tự nhiên qua nước này sang châu Âu.

Tìm lối thoát cho căng thẳng người di cư

Các bên cũng đã có một số nỗ lực ngoại giao thực tế để tiếp cận vấn đề. Nhưng đánh giá chung tới lúc này là vẫn chưa có một sự thỏa hiệp từ cả hai phía. EU chỉ trích Belarus để cho các đoàn người di cư tự do di chuyển đến biên giới. Belarus bác bỏ cáo buộc này và cho rằng EU góp phần gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay khi từ chối các cuộc đàm phán để thảo luận các biện pháp củng cố biên giới. Rất nhiều khúc mắc và thiếu nhượng bộ vẫn được thể hiện khi vấn đề người di cư thì ngày một căng thẳng.

 - Ảnh 4.

Hàng rào thép gai tại khu vực biên giới (Ảnh: AP)

Hy vọng thúc đẩy đàm phán đang đặt vào Đức - nền kinh tế lớn nhất EU và Nga - một đồng minh và cũng là láng giềng của Belarus.

Ngay sau khi bùng phát khủng hoảng, Thủ tướng Latvia Krisjanis Karins - một quốc gia sát biên giới Belarus và cũng đang bị ảnh hưởng bởi người di cư - đã tới Đức để trao đổi với Thủ tướng Angela Merkel. Còn Ngoại trưởng Belarus cũng ngay lập tức tới Nga để tham khảo ý kiến người đồng cấp. Liên tiếp trong ngày 10 và 11/11, Thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có 2 cuộc điện đàm để giải quyết khủng hoảng người di cư.

"Tôi đã trao đổi điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin và yêu cầu ông ấy tác động đến Tổng thống Belarus Lukashenko. Chúng tôi cũng sẽ thảo luận về việc hỗ trợ các quốc gia có đường biên giới với Belarus giải quyết khủng hoảng hiện nay" - bà Angela Merkel cho biết.

Còn phía Nga cũng đang tìm cách khôi phục liên lạc giữa các quốc gia thành viên EU và Belarus.

"Belarus đã nhiều lần đề nghị với tình hình tại biên giới như hiện nay cần tổ chức một cuộc tham vấn, đối thoại, giải quyết những vấn đề đó phù hợp với luật nhân đạo quốc tế" - Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết.

 - Ảnh 5.

Hàng nghìn người di cư đang mắc kẹt tại biên giới trong thời tiết giá rét và thiếu thốn (Ảnh: AP)

Cộng đồng quốc tế hiện đang kêu gọi các bên kiềm chế. Liên hợp quốc tổ chức họp Hội đồng bảo an hôm 11/11 về cuộc khủng hoảng, nhấn mạnh cần giải quyết vấn đề người di cư và tị nạn trên các nguyên tắc nhân đạo và luật pháp quốc tế, tình hình này không nên bị lợi dụng cho mục đích chính trị hoặc là nguyên nhân gây căng thẳng giữa các nước.

"Chúng tôi rất lo ngại về tình hình hiện tại của người di cư và tị nạn ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia liên quan lưu tâm đến tình hình hiện nay và giải quyết tình trạng này một cách nhân đạo" - bà Mahym Orazmuhammedova, Trưởng đại diện Tổ chức Di cư Quốc tế tại Belarus, cho biết.

Trong lúc này, Bộ Ngoại giao Belarus cho biết sẵn sàng thảo luận vấn đề hồi hương người tị nạn với các đối tác quốc tế trên cơ sở đối thoại tôn trọng lẫn nhau. Nhưng đồng thời, Belarus cũng tăng số đơn vị phòng không làm nhiệm vụ dọc theo các khu vực biên giới phía Tây và Tây Bắc.

Thách thức giải quyết khủng hoảng di cư mới

Nhiều năm nay, vấn đề di cư vẫn được đánh giá là một thách thức lớn nhất đối với châu Âu. Thách thức về an ninh, về mặt xã hội, và cả về sự đoàn kết nội khối. EU được cho là chưa có sự chuẩn bị đủ để ứng phó với các luồng di cư lớn và bất ngờ, nội bộ vẫn có sự chia rẽ và chưa thiết lập được những quy chế cho phép ứng phó các cuộc khủng hoảng di cư mới. Đó là các đánh giá của giới phân tích khi nhìn nhận việc châu Âu xử lý các làn sóng người di cư truyền thống. Còn việc xử lý cuộc khủng hoảng dòng người đến từ phía Đông lần này, cũng lại có các thách thức riêng và đang đòi hỏi những cách tiếp cận riêng.

 - Ảnh 6.

Căng thẳng leo thang khi người di cư tìm cách vượt hàng rào thép gai, xảy ra va chạm với các lực lượng bảo vệ biên giới (Ảnh: AP)

Khác với vấn đề di cư qua cửa ngõ Nam Âu, cuộc khủng hoảng tại biên giới Ba Lan - Belarus không chỉ là vấn đề nhân đạo đơn thuần, đi kèm đó là cả các vấn đề chính trị. Vì thế, cách tiếp cận của EU với cuộc khủng hoảng mới cũng có những điểm khác nhất định. EU có được sự thống nhất cơ bản hơn từ các nước thành viên trong giải quyết vấn đề lần này. Châu Âu lựa chọn cách tiếp cận từ từ, áp dụng đồng loạt các biện pháp chính trị, ngoại giao, nhân đạo để giải quyết khủng hoảng.

Về chính trị, EU cố gắng gây áp lực với cá nhân Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đồng thời gia tăng các lệnh trừng phạt nhằm vào Belarus. Từ góc độ nhân đạo, EU tiếp tục ưu tiên liên lạc, kêu gọi hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ.

Dù vậy, khi cuộc khủng hoảng di cư cũ từ các nước Nam Âu vẫn còn phức tạp thì một cuộc khủng hoảng mới dự báo khó có thể giải quyết trong ngắn hạn. Các nước EU đều không muốn tiếp nhận thêm người di cư bởi từ lâu, vấn đề này là nhân tố gây chia rẽ, bất đồng trong khối.

Ngoài những vấn đề về chính sách, giải pháp của phía EU thì quan điểm cứng rắn của Belarus, đặc biệt là các đe dọa đáp trả lệnh trừng phạt, cắt đường ống dẫn khí tới châu Âu, có thể làm tình hình leo thang. Do đó, một giải pháp chính trị tổng thể cùng nhượng bộ từ cả hai phía được kỳ vọng có thể là chìa khóa giúp giảm nhiệt căng thẳng.