Lo ngại về tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong độ tuổi học sinh - Ảnh 1.

Thuốc lá điện tử đang là nguy cơ mới với giới trẻ. Ảnh: TTXVN

Ngang nhiên đổ bộ vào trường học

Mới đây, tại Phú Yên, một nữ sinh lớp 7 đã mang thuốc lá điện tử vào trường THCS mình đang học, để bán cho các bạn trong trường sử dụng. Vụ việc đã bị cô giáo chủ nhiệm phát hiện nhưng cũng khiến dư luận thêm lo lắng về sự xâm nhập ngang nhiên của thuốc lá điện tử - một sản phẩm vô cùng độc hại vào trong môi trường học đường.

Cũng mới đây, Công an huyện Ninh Giang, Hải Dương phát hiện và bắt quả tang đối tượng Phạm Văn L. (ở Tứ Kỳ, Hải Dương) bán 2 lọ tinh dầu thuốc lá điện tử cho một học sinh THPT trên địa bàn. Điều đáng nói là các sản phẩm trên bị nghi ngờ có chứa chất ma túy. Đối tượng này cũng đã bán các sản phẩm này cho học sinh ở nhiều trường THPT, trung tâm giáo dục nghệ nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn.

Tình trạng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng xâm nhập vào các trường học đang là vấn đề đáng lo ngại.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá cho biết: Báo cáo tổng hợp của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; trong đó, có 27 ca nhập viện là người dưới 16 tuổi.

Theo kết quả sơ bộ nghiên cứu Thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 đã tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.

Đặc biệt, ở nhóm trẻ từ 13-15 tuổi, tỷ lệ này đã tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.

Riêng ở nữ giới, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 4,3% ở độ tuổi từ 11-18 tuổi.

Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh đã gia tăng một cách đáng kể. Điều này cho thấy những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong gần 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử đang nhắm vào giới trẻ.

Còn theo kết quả điều tra tình trạng sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên GYTS 2022 của Bộ Y tế (ở trẻ 13-15 tuổi), tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%. Đặc biệt, mạng internet là nơi có tỷ lệ học sinh mua thuốc lá điện tử nhiều nhất (chiếm 22,1%); kênh quảng cáo thuốc lá điện tử nhiều nhất cũng là mạng xã hội.

Về quy định, các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, việc mua bán, quảng cáo vẫn đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet. Các sản phẩm này được thiết kế đa đạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ. Điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại Việt Nam, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.

Lo ngại về tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong độ tuổi học sinh - Ảnh 3.

Các mẫu mã sản phẩm thuốc lá điện tử bắt mắt, dễ lôi cuốn các em học sinh. Ảnh: BYT

Cần cấm khẩn cấp trước khi quá muộn

Nói về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Trong thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng mới chứa nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu thuốc lá điếu thông thường. Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy cũng như các chất gây nghiện khác, càng thêm hại cho sức khỏe người sử dụng. Bên cạnh đó, chi phí điều trị những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cũng có thể tốn hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng”.

BS. Nguyễn Trung Nguyên cũng đề xuất, Việt Nam cần khẩn cấp cấm việc sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử, có như vậy mới tránh được những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân.

Nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá một cách mạnh mẽ, không kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại và làm phá vỡ những nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá thời gian qua.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, quan điểm của Bộ Y tế là tuyệt đối cấm thuốc lá thế hệ mới. Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.

Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung quy định này vào Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá để bảo đảm tính ổn định trong triển khai thực hiện.

Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và phối hợp liên ngành đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; tăng cường và đổi mới hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá… Đặc biệt việc ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong thanh thiếu niên là vô cùng quan trọng.

Để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá nhằm ngăn ngừa bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra, đặc biệt ngăn ngừa thanh thiếu niên sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, trong thời gian tới, theo Bộ Y tế, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại của hút thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đồng thời tăng cường ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các nơi có quy định cấm theo Luật; Nhân rộng các mô hình môi trường không khói thuốc; tăng cường tư vấn cai nghiện thuốc lá...