Trong ngày cuối cùng TAND TP HCM nhận đơn tố cáo của các bị hại chưa trình báo Cơ quan điều tra trước đó (16-12), bà V.T.H (ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) đến toà nộp đơn. Người phụ nữ viết chính tả tiếng Việt chưa sõi, loay hoay nhờ những người có mặt tại phiên toà đọc và đánh vần từng chữ cần điền vào mẫu đơn tố cáo mà thư ký phiên toà đưa.
Bà H. kể, vào năm 2018, Công ty Alibaba mở bán dự án dân cư sát bên quán cháo lòng của bà tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Mỗi ngày vài lần, nhân viên bán dự án lại đến tư vấn, nài nỉ bà trở thành "nhà đầu tư" của Công ty Alibaba. Nghe quảng cáo đất rẻ, lợi nhuận cao, bà thuê xe lên TP Thủ Đức để "tận mục sở thị" trụ sở công ty, mục đích tạo lòng tin.
Nhìn toà nhà bề thế, nhân viên lên tới hàng nghìn người, khách hàng ra vào giao dịch như mắc cửi, người phụ nữ tin tưởng "vét túi" 485 triệu đồng mua 1 lô đất. Sau đó, bà đợi mãi không thấy Công ty Alibaba ra sổ như hứa hẹn. Bà chủ quán cháo lòng lại gác công ăn việc làm, đón xe lên trụ sở công ty ở TP Thủ Đức lấy lại tiền. Lúc này, nhân viên công ty báo lô đất của bà đã lời được 15 triệu đồng nhưng không đưa tiền lời mà giới thiệu bà "tái đầu tư".
Nhân viên trình dự án dân cư trên giấy rồi tư vấn cho đến khi bà H. bỏ ra lại số tiền tương đương 7 cây vàng vào thời điểm đó để "tái đầu tư". "Đây là vàng tôi mượn mẹ đến giờ vẫn còn giấu mẹ, tiền cũng chưa trả xong. Nhân viên chỉ giới thiệu miệng, không dẫn tôi đi xem đất. Đến giờ tôi cũng không biết 2 lô đất đã đầu tư ở đâu, hình dạng ra sao…".
Một bị hại khác từng làm tại Công ty Alibaba tham dự phiên tòa với tư cách bị hại là bà P.H.S (ngụ Đồng Nai). Bà S. kể thời điểm công ty này thành lập văn phòng ở đầu hẻm dẫn vào nhà bà, nhân viên môi giới thường xuyên chèo kéo nhưng bà vẫn cảnh giác. Sau đó, họ nhận bà vào làm nhân viên quét dọn.
Thời gian làm việc ở đây, bà nhìn thấy rất nhiều khách hàng đến mua đất và lấy được lợi nhuận. Nhân viên môi giới tiếp tục chèo kéo bà mua đất dự án với lời hứa nếu không đủ tiền thì cho trả góp.
Bà S. dần bị lay chuyển, theo nhân viên môi giới đi xem đất. Bà thừa nhận công ty có dẫn đi xem đất thật, các lô đất còn được đánh số... nhưng bà không rõ về pháp lý. Vì sức khỏe không cho phép, bà chỉ đi xem những dự án ở gần, nhiều dự án xa thì không đi thực tế mà tìm hiểu qua bản vẽ công ty này cung cấp.
Bằng cách trả góp giữ đất, bà S. đã nộp vào Công ty Alibaba hơn 1 tỉ đồng để mua 8 lô đất thuộc 7 dự án khác nhau. Theo người phụ nữ này, trong khoản đầu tư này, hơn 400 triệu đồng là vay ngân hàng, còn lại là tiền chơi hụi và vay mượn bên ngoài. Sau khi vụ án xảy ra, gia đình giúp bà trả tiền vay ngân hàng, số còn lại bà chưa trả hết.
"Chồng tôi mất lâu rồi. Tôi ở với con, đứa lớn lẫn đứa bé đều trách tôi. Tiền tôi vay mượn không trả được, người đời sỉ nhục. Năm tháng trước tôi bị tai nạn giao thông gãy chân, người gây tai nạn cũng chạy mất...." - bà S. than về những nỗi buồn liên tiếp đến.
Theo lời bà S., gần nhà bà còn 3 người nữa dính vào các dự án của Nguyễn Thái Luyện. Họ cùng dắt nhau đến tòa để mong lấy lại được số tiền đã đầu tư, nếu không lấy được tiền thì mong nhận lại phần đất đã mua.
Trong đó, câu chuyện của bị hại tên Đ.V.C (58 tuổi; ngụ TP Thủ Đức) - 1 trong hơn 4.000 nạn nhân, khiến nhiều người không khỏi đau lòng.
Trước tòa, ông C. cho biết các anh em trong gia đình ông đã đầu tư hơn 7 tỉ đồng để mua đất dự án mà công ty của Nguyễn Thái Luyện quảng cáo.
Ông C. xin được nhận đất thay vì tiền bồi thường. Người đàn ông còn mong HĐXX xem xét các dự án của Công ty Alibaba, nếu dự án nào có thể đầu tư hình thành khu dân cư đúng pháp luật, thì gia đình ông xin được đóng thêm tiền xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉ mong được nhận đất để xây nhà như tâm nguyện của cả nhà.
Ông C. kể sau khi cha mất, ông và vợ chồng 4 người em, 6 đứa cháu sống chung với nhau. Thấy cảnh nhà chật, người đông, mẹ ông quyết định bán căn nhà, chia tiền cho các con ra ở riêng.
Năm 2018, để tìm đất cất nhà, ông tìm hiểu qua nhiều công ty, trong đó có Công ty Alibaba nhưng vì không tin tưởng nên ông nhanh chóng từ chối lời mời mua dự án. Tuy nhiên, "nhân viên sale" của công ty vẫn nài nỉ xin số điện thoại ông bằng được.
"Sau đó nhân viên tấn công điện thoại, tin nhắn tôi hằng ngày. Còn cử 2 nhân viên đến nhà để đưa chúng tôi lên trụ sở công ty" - ông C. nói trước bục khai báo.
Sau khi đến công ty, ông yêu cầu phải cam kết ra được sổ chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông mới mua vì ông muốn có đất xây nhà chứ không phải mua đầu cơ. Hôm sau, nhân viên Công ty Alibaba tiếp tục đưa ông đến trụ sở và bày ra nhiều sổ đỏ, giấy tờ liên quan các dự án với lời cam kết chắc nịch "vài hôm nữa sẽ giao giấy tờ cho ông".
Cảm thấy tin tưởng, ông C. mạnh dạn xuống tay. Ông C. kể đã chở xe tiền hơn 7 tỉ đồng đến mua đất, được Nguyễn Thái Luyện trực tiếp đón từ cửa công ty. Không lâu sau đó, khi nhà chưa kịp cất thì Công ty Alibaba bị khám xét, Nguyễn Thái Luyện bị bắt, còn gia đình ông thì mất trắng.
Sau khi chuyện xảy ra, gia đình ông ly tán, các anh em bỏ nhà, ly hôn tan tác. "Mấy anh em cũng không trách tôi, chỉ trách số gia đình mình xui rủi dính vào vụ lừa đảo này. Vợ chồng cả hai em tôi bỏ nhau, các cháu mỗi người một nơi. Chỉ mong tiền bỏ ra với mục đích mua nhà ở thì tòa xem xét cho chúng tôi" - ông C. nói với HĐXX.
Ngồi ở một góc sân, vợ chồng ông T.T.N (ngụ TP HCM) rầu rĩ tâm sự gia đình ông vừa là bị hại vừa người thân là bị cáo Trương Thị Hồng Ngọc (bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức giúp Luyện lập 4 dự án không có thật trên 7 thửa đất nông nghiệp, chiếm đoạt hơn 34 tỉ đồng từ 112 khách hàng).
Vợ chồng ông N. cho rằng Luyện nắm bắt và "đánh" vào tâm lý khao khát làm giàu của những người có cuộc sống khó khăn. Ngọc mồ côi từ lúc 5 tuổi, sau khi học hết lớp 12 đã bươn chải kiếm sống bằng nhiều nghề trước khi làm nhân viên môi giới cho Công ty Alibaba. Được một thời gian, Ngọc được Nguyễn Thái Luyện bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Tia Chớp - công ty con của hệ thống Công ty Alibaba.
Dù làm chức vụ cao, được đứng tên nhiều diện tích đất nhưng thực chất chẳng có bao nhiêu tiền. Làm được đồng nào, Ngọc nghe lời Luyện đầu tư vào các dự án của công ty vì luôn được khuyến khích "mỗi nhân viên là một nhà đầu tư".
Cách đây ít năm, gia đình ông N. bán căn nhà ở Bình Dương, gom góp được 900 triệu đồng đưa cho Ngọc đóng hết vào các dự án nhưng ngày ra tòa, bản thân Ngọc cũng không biết rõ mình đầu tư các dự án nào, chỉ biết nghe lời Luyện góp vào các dự án sẽ sinh lời.
"Đi làm bao nhiêu năm nhưng ngày nó bị bắt, trong tài khoản chỉ có 5 triệu đồng, là lương tháng vừa mới nhận được, không có tài sản nào khác" - anh trai của bị cáo ngậm ngùi nói thêm.
Bị hại L.V.T (ngụ TP Thủ Đức, từng là nhân viên môi giới của Công ty Alibaba) cho biết chị rất ray rứt khi vô tình tiếp tay cho những kẻ lừa đảo.
Chị T. kể sau khi tốt nghiệp thì làm tại Công ty Alibaba. Khi vụ án được phát hiện, chị bị hàng xóm, bạn bè dị nghị rất nhiều. Bản thân chị cũng vì tin tưởng mà đầu tư hơn 300 triệu đồng vào các dự án và tiếp thị cho 3 người bạn đầu tư hơn 1 tỉ đồng.
"Số tiền đầu tư cũng là tiền mồ hôi nước mắt của mình. Cũng vì mình mà khách hàng biết tới công ty, mình tư vấn cho họ bằng niềm tin, không biết đó là lừa đảo. Bây giờ mình nhận trách nhiệm thay khách hàng tham gia phiên tòa để lấy lại tiền. Bản thân chỉ mong được lấy lại một nửa, như vậy đã là tốt" - chị T. nói.
Trước tòa, cụ ông Vũ Văn Đ. (74 tuổi; ngụ quận Bình Tân, TP HCM) khẽ lau nước mắt, cho biết ông là cha của V.V.D (44 tuổi), một nạn nhân trong vụ án.
Con trai ông vừa mất tròn 42 ngày. Chỉ ít tháng trước khi vụ án lừa đảo của Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm bị phanh phui, con trai ông đã dốc hết 1,3 tỉ đồng tiền tiết kiệm trong hơn 20 năm làm công nhân lái máy xúc để mua 8 lô đất mà Công ty Alibaba quảng cáo là đất dự án dân cư.
Về yêu cầu đối với các bị cáo, ông xin được thay con trai nhận lại số tiền này.
Kết thúc phần trình bày ngắn gọn, ông Đ. lủi thủi đến bàn thư ký để cập nhật thông tin nhận ủy quyền của con trai tham gia phiên xử.
Kể về những lời trăng trối của con trai, ông Đ. nói số tiền mua đất là toàn bộ tài sản tích cóp của con trai ông. Từ năm 18 tuổi, anh D. đã lao động chân tay để kiếm tiền, làm được bao nhiêu đều cố gắng dành dụm. Đến khi lấy vợ, anh dành hơn 400 triệu để mua nhà. Số còn lại anh dùng làm ăn, một phần mang đi đầu tư bất động sản.
Sau đó, anh D. biết đến các dự án của Công ty Alibaba vì được quảng cáo rầm rộ khắp nơi. Anh được nhân viên công ty mời mọc và hỗ trợ phương tiện đi xem đất. Người đàn ông không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này cẩn thận nhờ cha cùng đi xem đất với mình.
Theo lời ông Đ., khi đến những nơi mà nhân viên môi giới của công ty này gọi là những dự án với tên gọi rất oách, ông đã có phần hoài nghi vì hiện trạng là đất trống, không có hạ tầng, không có nhà như quảng cáo. Nghi ngờ về tính pháp lý của các dự án này, ông khuyên con nên cẩn trọng, cân nhắc kỹ nếu muốn đầu tư.
"Sau khi về, nhân viên công ty này liên tục gọi điện, nhắn tin mời mọc, cam kết với chúng tôi. Tôi nhắc nhở thì con trai tôi nói rằng "mấy nghìn người mua không sao, mình sợ gì đâu". Tôi có trả lời con "Con phải so sánh, mình không có nhiều tiền". Nhưng cuối cùng con tôi đã nộp cho họ tổng cộng 1,3 tỉ đồng để mua 8 lô đất của dự án ở xã Phước Thái, xã Châu Pha thuộc huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai; xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận" - ông Đ. kể.
Từ khi anh D. đổ bệnh, những khoản chi phí thuốc men đã chạy chữa cho anh càng khiến gia đình vốn đã bị vắt kiệt về tài chính vì trót rơi vào dự án "ma" kiệt quệ hơn. Ông đã nghĩ đến chuyện bán đi căn nhà của vợ chồng anh D. để xoay xở. Nhưng nghĩ đến những lời trăng trối của con trai rằng phải ráng giữ căn nhà cho con anh vì anh chẳng còn tài sản nào, ông cụ lại chẳng đành.
Về khoản tiền 1,3 tỉ đồng đầu tự vào dự án ma, ông mong sẽ được nhận lại để dành dụm lo cho con trai anh D. (đang học lớp 11).
TAND TP HCM sẽ kết thúc đối chiếu số tiền đã nộp vào Công ty Alibaba của hàng nghìn bị hại trong phiên xét xử hôm nay (17-12).
Đối với các yêu cầu của bị hại (người muốn nhận đất, người muốn nhận tiền), chủ tọa phiên xử, thẩm phán Trần Minh Châu cho biết HĐXX sẽ xem xét các yêu cầu này. Trường hợp nào đủ điều kiện nhận đất tòa sẽ xem xét bồi thường đất.
Sáng 18-12, VKSND TP HCM bắt đầu luận tội các bị cáo.
Theo NGƯỜI LAO ĐỘNG