Các chuyên gia về môi trường và các lĩnh vực khác đã đưa ra con số thống kê rằng trong nhiều thập kỷ qua, thế giới đã sản xuất tới 6,3 tỷ tấn chất thải nhựa và chỉ 9% trong số đó được tái chế. Vậy nên, cách duy nhất để cứu Trái đất khỏi "thảm họa diệt vong" vì ô nhiễm môi trường là cần phải tái sử dụng và tái chế chất thải nhiều hơn so với hiện tại. Nhưng làm thế nào để tái chế chất thải mới là điều khó.
Một người đàn ông Anh tên Richart Sowa đã cho cả thế giới thấy một cách cực sáng tạo để tái sử dụng chai nhựa, khi ông biến 100.000 chiếc chai nhựa đã qua sử dụng thành một hòn đảo nổi tuyệt đẹp, ai thấy cũng phải xuýt xoa.
Richart biến 100.000 chiếc chai nhựa đã qua sử dụng thành một hòn đảo nổi tuyệt đẹp, ai thấy cũng phải xuýt xoa.
Richart Sowa nhận ra rằng chai nhựa có thể mất tới 450 năm để phân hủy và là chất thải độc hại đối với môi trường nhưng nếu biết cách sử dụng thì chúng có thể trở thành vật liệu xây dựng rất bền. Vậy là ông nghĩ ra ý tưởng sử dụng những chiếc chai nhựa và chất thải khác để xây dựng một hòn đảo. Biết đâu sau này, ý tưởng ấy sẽ là gợi ý để mở rộng lãnh thổ tương lai của con người.
Richart nói: "Tất cả những thứ mà chúng ta không muốn dùng, tất cả những rác thải mà chúng ta không thể tiếp tục sử dụng thực sự có thể giải quyết các vấn đề của thế giới".
Để xây dựng hòn đảo nổi có tên Joyxee, nằm cạnh đảo Isla Mujeres của Mexico, Richart đã sử dụng 100.000 chai nhựa, một số ván ép và gỗ. Phần lõi của hòn đảo được làm bằng các chai nhựa đặt bên trong lưới và thứ gắn chặt tất cả lại với nhau là những cái cây nối rễ giữa các chai.
Trên hòn đảo của Richart, không có thứ gì được coi là "rác thải" vì ông sử dụng tất cả mọi thứ để hoàn thiện dự án của mình. Ông đặt chai nhựa, thủy tinh, lon thiếc cùng các loại rác khác vào trong túi lớn
và sử dụng chúng để nâng hòn đảo lên. Ông còn đặt những chiếc túi rác trên bề mặt đảo và phủ bằng một lớp đất để cây phát triển.
Trên hòn đảo của Richart, không có thứ gì được coi là "rác thải" vì ông sử dụng tất cả mọi thứ để hoàn thiện dự án của mình.
Một trong những điều tuyệt vời nhất về hòn đảo nổi này là nó có thể được di chuyển đến bất kỳ điểm nào khác chỉ với sự trợ giúp của những cánh buồm hoặc một chiếc thuyền.
Cuộc sống trên đảo được định hướng theo mô hình tự cung tự cấp. Bạn có thể trồng trái cây, rau và thảo mộc ở đó, ngôi nhà còn được trang bị máy điều hòa không khí, tủ lạnh và các thiết bị gia dụng khác hoạt động nhờ năng lượng mặt trời.
"Dinh cơ" trên biển của ông Richart Sowa.
Ông nói: "Kế hoạch của tôi là có thể tự cung tự cấp. Tôi là một người ăn chay và tôi có thể ăn hoa quả từ cây trồng trên đảo. Nhưng nếu muốn thức ăn phong phú hơn, tôi đi xe đạp đến cửa hàng địa phương gần đó. Tôi có một chiếc phà được làm từ chai nhựa, có thể chở được tám người đến và đi từ bờ biển".
Hòn đảo nổi Joyxee của ông Sowa cách bờ biển 30 mét, gần Cancun, Mexico.Trên đảo có một ngôi nhà ba tầng với hai phòng ngủ, bồn tắm nước nóng, ba buồng tắm, một nhà bếp và cả mạng Internet.
Trên hòn đảo có đồ đạc rất đầy đủ tiện nghi.
Đảo Joyxee là hòn đảo thứ hai mà Richart đã xây dựng. Đảo nổi đầu tiên của ông, có tên Spiral, được xây dựng vào năm 1998 nhưng đã bị cơn bão Emily phá hủy vào năm 2005.
Không nản chí, Richart đã dành vài năm tiếp theo để thu thập chai nhựa cho dự án tiếp theo của mình là đảo Joyxee, công trình ông đã hoàn thành vào năm 2008.
Vào đầu năm nay, đảo Joyxee đã phải đương đầu với một cơn bão khiến các bờ rìa của nó trở nên lỏng lẻo.
(Nguồn: Brightside)