Lộ trình đào tạo giúp con cái tự lập từ 0 đến 20 tuổi của ông bố ở Hà Nội
Mục tiêu của anh Giang là khi 20 tuổi, con có đủ kiến thức, nhận thức, kỹ năng, tự tin để hoàn toàn tự chủ cuộc sống của mình khi không có bố mẹ bên cạnh.
Với mục tiêu chính là giúp con trưởng thành về nhận thức và sớm tự lập, biết cách sống hạnh phúc chứ không có kỳ vọng nhiều vào việc con sẽ thành công hay giàu có trong tương lai, anh Trần Đức Giang (Hà Nội) - một ông bố hai con ưu tiên việc hướng dẫn con tự lập. Anh cho rằng: "Nếu đơn giản việc tự lập cho bản thân, tự đi trên đôi chân của mình còn khó khăn thì những kỳ vọng khác chắc còn xa vời lắm".
Theo phụ huynh này, để tự lập được cuộc sống không đơn giản là học giỏi, có bằng cấp, có nghề nghiệp hay thu nhập mà con trẻ cần được giáo dục về ý thức, đạo đức, nhân cách, kỹ năng, nhận thức về bản thân, con người, xã hội để biết chung sống, tự tin hoà nhập, biết tự quản lý bản thân, định hướng và chọn lẽ sống cho mình. Tự lập sớm giúp mình tự tin, tự do, tự chủ cuộc sống và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Đặt mục tiêu khi con 20 tuổi sẽ có đủ kiến thức, nhận thức, kỹ năng, tự tin để hoàn toàn tự chủ cuộc sống của mình dù không có bố mẹ bên cạnh, anh Giang đã dành thời gian tìm hiểu qua đọc, quan sát, phân tích và tham khảo ý kiến các bạn bè đang định cư tại một số nước phát triển.
Anh nói: "Về cơ bản để giáo dục con trẻ nên tuân thủ 3 nguyên tắc: Yêu thương, tôn trọng và tin tưởng. Cảm nhận sự yêu thương và tôn trọng là điểm quan trọng nhất trong việc hình thành nhân cách cho trẻ. Tương tự như vậy, sự tin tưởng của bố mẹ, thầy cô sẽ tạo ra "niềm tin tích cực" cho trẻ, niềm tin tích cực sẽ tạo ra sức mạnh và hi vọng, giúp con người nỗ lực nhiều hơn, sống nhân văn và hạnh phúc hơn".
Sau đây là lộ trình và phương pháp đào tạo mà ông bố Hà Nội áp dụng để nuôi dạy 2 con trai của mình:
VỀ LỘ TRÌNH ĐÀO TẠO
Anh Giang chia lộ trình giáo dục làm 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn khoảng 5 năm. Tuy nhiên theo anh, không nên quá cứng nhắc về thời gian vì tốc độ phát triển thể trạng, sinh lý, tư duy của mỗi đứa trẻ có thể khác nhau.
- Giai đoạn 1: từ 0-6 tuổi: Giai đoạn này triển trí não và ngôn ngữ bắt đầu phát triển, tư duy trẻ chưa hình thành, không nên yêu cầu trẻ học kiến thức quá nhiều, cũng không nên học những môn phải tư duy nhiều khiến trẻ mệt mỏi, mất tự tin. Trẻ nên được chăm sóc dinh dưỡng sức khỏe, vui chơi, để trẻ tự do hoàn toàn trong các hoạt động, tìm hiểu, khám phá thế giới bên ngoài theo cách của chúng.
Nếu quan sát trẻ giai đoạn này, bố mẹ có thể nhận ra một số thiên hướng và xu thế tính cách của trẻ. Nếu kỷ luật, gò bó giai đoạn này có thể dẫn đến những sự tổn thương tâm lý, sinh tâm lý sợ hãi hoặc bạo lực cho trẻ khi lớn. Trong độ tuổi này, các thông tin và những người trẻ tiếp xúc hàng ngày có thể ảnh hưởng đến một số thói quen trong giao tiếp và ngôn ngữ của trẻ. Việc học với trẻ làm sao để trẻ thấy vui, vửa học vừa vận động, vừa chơi là tốt nhất. Các kỹ năng chạy nhảy, vận động bình thường, biết ý thức tự vệ sinh cá nhân, tắm rửa, ăn uống đúng giờ giấc đã là rất thành công rồi.
Ngoài ra có thể cho trẻ tập luyện một số môn thể thao nhẹ nhàng, vừa sức sẽ giúp trẻ có thêm sức khoẻ và phản xạ nhanh nhẹn. Giai đoạn này trẻ rất tò mò, hãy kiên nhẫn với những câu hỏi tại sao của trẻ, hãy mua cho trẻ nhiều sách, đọc cho chúng nghe các câu chuyện mang tính giáo dục, cho trẻ xem phim có chọn lọc sẽ giúp trẻ hình thành nhân cách rất tốt.
Giai đoạn 2: 6-10 tuổi: Giai đoạn này tư duy trẻ bắt đầu phát triển, tuy nhiên thể lực còn yếu nên vẫn cần ưu tiên. Việc nhồi nhét kiến thức, áp lực điểm số có thể làm nhiểu trẻ sợ học, chột năng khiếu, mất tự tin. Việc đi học thêm nhiều cũng làm tốn thời gian, gây mệt mỏi cho trẻ. Giai đoạn này thích hợp cho trẻ học kỹ năng sống (bơi, lặn, các kỹ năng thoát hiểm, phòng chống cháy nổ, điện giật, phòng tránh các tình huống rủi ro khác…), thử học các môn năng khiếu (thể thao, âm nhạc, hội hoạ).
Nên cho trẻ bắt đầu làm việc nhà để có kỹ năng, biết chia sẻ và rèn ý thức, các thói quen tốt dễ hình thành trong giai đoạn này sẽ giúp ích rất nhiều cho tương lai. Việc học ở trường thì làm sao trẻ cảm thấy "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Nếu hết cấp 1, con có thói quen ý thức tự giác học, tự biết đặt mục tiêu và nỗ lực, thành thạo việc nhà, thành thạo cộng trừ nhân chia, đọc thông viết thạo, phát hiện được thiên hướng là đã tốt rồi. Một số môn học rèn tuy duy như chơi cờ, các bài toán đố vui có thể giúp trẻ vừa chơi vừa học.
Một số trẻ có môi trường tốt có thể giao tiếp được thêm ngoại ngữ cũng sẽ là một lợi thế tuy nhiên không quá quan trọng. Một số trẻ sẽ bộc lộ năng khiếu và thiên hướng rất rõ ở giai đoạn này. Về nhận thức, trẻ ở giai đoạn này đã bắt đầu hình thành tư duy, nên cho trẻ ra ngoài nhiều, đặt nhiều câu hỏi tại sao để trẻ nghĩ và tư duy sẽ phát triển nhận thức sẽ rất tốt. Hầu như các nước phát triển họ tăng áp lực kiến thức khi trẻ vào cấp 2, khi thể trạng và trí não đã phát triển đầy đủ.
- Giai đoạn 3: 10-15 tuổi: Tập trung vào trải nghiệm xã hội và kiến thức phổ thông nền tảng. Việc đi ra ngoài, trải nghiệm nhiều hoàn cảnh, môi trường sống rất quan trọng cho việc hình thành nhận thức. Trẻ được trải nghiệm cảm xúc trong nhiều hoàn cảnh sẽ dễ thích nghi, dễ cảm thông, và sẽ không bức xúc khi gặp việc bất như ý.
Nếu nhận thức tốt về bản thân, quy luật tâm lý con người, xã hội thì câu chuyện "nổi loạn tuổi teen" có lẽ sẽ không xảy ra hoặc nếu có cũng không phải lo lắng nhiều. Nên cho trẻ ra ngoài, tự tham gia giao thông, va chạm xã hội, tham gia vào tất cả các hoạt động của gia đình để trẻ biết chia sẻ tăng nhận thức.
Nếu bố mẹ ốm đau nằm viện, hoặc có thể đi công tác hoặc du lịch cả tháng mà mọi việc học hành, việc nhà vẫn ổn thỏa thì đã rất thành công. Ngoài ra ở giai đoạn này cần "lên giây cót" và "xác định tư tưởng" về trách nhiệm phải nỗ lực để tự lập rồi cùng con lập kế hoạch chuẩn bị cho việc tự lập, sống riêng sau này. Mục đích của việc này là để trẻ hiểu rõ đâu là trách nhiệm của bố mẹ, đâu là sự giúp đỡ của bố mẹ để không trông chờ, ỷ lại.
- Giai đoạn 4, 15-20 tuổi: Nếu làm tốt 3 giai đoạn trên thì đề giai đoạn này trẻ đã có nhận thức khá tốt về bản thân, xã hội, các kỹ năng cơ bản của người trưởng thành đã hình thành, kiến thức phổ thông nền tảng đã vững thì việc còn lại là định hướng nghề nghiệp và đầu tư phát triển cho con cái theo chuyên ngành chúng có thiên hướng hoặc lựa chọn.
Giai đoạn này nên cho con tham quan trải nghiệm, tìm hiểu các công việc phù hợp với tính cách và thế mạnh, nhờ những người giỏi nghề đánh giá, nhận xét, tư vấn lộ trình đào tạo. Nên cho con tiếp cận sớm với môi trường lao động ngoài xã hội để nhận thức và học hỏi sớm sẽ tốt hơn. Nếu quyết liệt đào tạo vừa học vừa thực tế trong 5 năm thì con sẽ tự tin và đủ kỹ năng, kiến thức chuyên ngành về nghề nghiệp.
VỀ PHƯƠNG PHÁP ĐÀO TẠO
Anh Giang chia ra 3 lĩnh vực: Đào tạo kiến thức, đào tạo nhận thức và đào tạo kỹ năng.
Kiến thức là tất cả các thông tin tiếp nhận qua 5 giác quan và dễ học nhất. Với công nghệ thông tin như hiện nay, kiến thức có thể học mọi lúc mọi nơi nên việc học kiến thức phổ thông có lẽ chỉ cần hiểu những nội dung cốt lõi và cách ứng dụng.
Bạn nào có năng khiếu có thể đi chuyên sâu chứ cái gì cũng nhồi vào đầu phục vụ học thêm, thi cử, ganh đua trường lớp sẽ là rất lãng phí. Học kiến thức bất kỳ môn học gì đều nên theo ba bước. Bước 1 chuẩn bị: Liệt kê các nội dung tổng quan của kiến thức dùng để làm gì, áp dụng vào đâu, học như thế nào. Bước 2 tập trung vào bản chất cốt lõi của các công thức, khái niệm, ghi nhớ các nội dung chính. Bước 3 làm bài tập thực hành giúp hiểu sâu và nhớ lâu hơn.
Nhận thức hình thành khi có kiến thức kết hợp với tư duy, trải nghiệm và cảm xúc. Để nhận thức sâu sắc bất cứ vấn đề gì đều cần có sự trải nghiệm thực tế. Kiến thức quên rất nhanh nhưng nhận thức và kỹ năng sẽ theo suốt cả đời. Nhận thức hình thành qua lao động, qua sai lầm vấp ngã trong cuộc sống.
Kỹ năng: Để thành thạo kỹ năng cần đủ "giờ bay", khi luyện tập đủ thời gian kỹ năng mới hình thành. Cũng nhờ quá trình thực hành mà kiến thức nhớ lâu hơn, hiểu sâu sắc hơn, nhận thức các vấn đề cũng rõ ràng hơn.
Đối với đào tạo kỹ năng, ví dụ làm việc nhà: Ban đầu là cầm tay chỉ việc, hướng dẫn, cùng làm với trẻ. Khi trẻ quen việc thì có thể giao trẻ thêm vài việc và dạy trẻ sắp xếp làm nhiều việc cùng lúc. Cần nghiêm khắc với tính cẩu thả ngay từ ban đầu vì nếu để thành thói quen sẽ rất khó sửa.
Bên cạnh đó, kỷ luật bản thân là một thói quen rất quan trọng cần rèn luyện. Kỷ luật giúp con người có sức khỏe, kiên trì, ý chí, trách nhiệm. Để tạo thói quen kỷ luật hãy bắt đầu từ những việc nhỏ như thói quen sinh hoạt, rèn luyện sức khoẻ hàng ngày đúng giờ giấc. Nếu trẻ được nuông chiều, buông thả, thiếu rèn luyện, thiếu nghị lực, thiếu kỹ năng thì việc thực hành kỷ luật bản thân cũng sẽ khó khăn.
Trẻ cũng cần được động viên để có niềm tin hay sự tự tin, cần được trải nghiệm cảm giác chiến thắng. Hãy cho trẻ vào môi trường phù hợp với năng lực, tham gia các cuộc đua vừa sức để trẻ có trải nghiệm, tự tin vào năng lực của bản thân mình.