Trước hết, bạn cần bình tĩnh, không quá lo lắng và đặc biệt đừng vội đánh mắng bé.

Trẻ ở độ tuổi từ 3 - 5 đang thích tò mò, táy máy những đồ vật mới lạ và thích những điều thách thức, nên trẻ hay thích sờ mó, cầm xem hoặc cứ hay thắc mắc nọ kia. Nhưng nếu trẻ thường xuyên "cầm" đồ của người khác về nhà mà không xin phép thì cha mẹ phải tìm cách xử lý ngay, đừng để trẻ lớn trở thành thói quen.

Việc "tắt mắt" có thể coi là chuyện bình thường của trẻ ở tuổi này. Trẻ tin rằng người lớn có thể đọc được những suy nghĩ của trẻ, nên thường hay giữ bí mật của mình. Trẻ ở độ 3 tuổi thường lấy đồ chơi ở nhà họ hàng về mà không kịp suy nghĩ gì. Nhưng trẻ ở độ tuổi 5-6 tuổi lại biết đặt ra kế hoạch trước, trẻ sẽ giấu giếm đi sau đó sẽ lộ ra dần là mình có đồ chơi mới trong nhà. Một lý do khác làm cho trẻ lấy cắp đồ chơi là vì thấy bạn có mình cũng muốn có.

Chẳng có bố mẹ nào vui nếu thấy con có tính "tắt mắt". Nhưng hãy hiểu rằng trẻ có tính cắp vặt không có nghĩa là trẻ hư hoặc bố mẹ là người không ra làm sao. Điều bạn cần lưu ý nhất là không làm cho trẻ bị hổ thẹn hoặc bị mất mặt mà phải giải thích việc làm sai trái của trẻ sao cho đúng lúc, đúng chỗ khi chỉ có bố mẹ với bé. Phải giải thích cho bé hiểu rằng: Thật không đúng khi lấy đồ của người khác, con phải đem trả lại và xin lỗi. Ngoài ra đừng bao giờ so sánh con bạn với anh em họ hàng như là: "Anh của con không bao giờ làm như thế này". Nên giải thích cho trẻ nghe việc "tắt mắt" là điều gia đình ta không ai làm.

Trẻ thường hành động do bột phát, vậy ta phải tìm hiểu xem cảm nhận của trẻ ra sao khi "tắt mắt" đồ đó. Đôi lúc trẻ làm như vậy vì bị sức ép và điều quan trọng bạn có thể giúp cho con tìm sự lựa chọn để giải quyết những ham muốn thúc đấy có thể xảy ra trong tương lai.

Cuối cùng, bạn cũng đừng đặt hy vọng là hành vi "tắt mắt" của trẻ sẽ mất đi ngay, cần phải có thời gian ít nhất cũng vài ba lần để trẻ bỏ dần tính đó. Bạn đừng quá lo lắng, hãy kiên trì giúp trẻ dần vượt qua thói quen không tốt ấy.

Theo Mẹ và bé