Theo nhà khoa học, lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, hẹ là loại cây mọc dại được sử dụng là món ăn và cũng là bài thuốc chữa bệnh. Trong Đông y, cây hẹ còn có tên khác là cửu thái, nén tàu, hom xe lép (người Thái), phắc kép (người Tày). Cây có tên khoa học Allium odorum L., thuộc Họ Hành Liliaceae.

Cây hẹ có thân hành, nhóm thành túm, hình nón gần như dạng trụ. Thân mọc đứng hình trụ hoặc có góc ở ngọn, mang lá ở gốc, cao 15-30cm. Lá hẹ hẹp, dài, dày, phiến lá dài 10-25cm, rộng 1,5-8mm, đầu nhọn. Củ hẹ nhỏ, có rất nhiều rễ con. Cụm hoa dạng tán, mọc trên một gọng dài từ gốc lên, hoa màu trắng, bầu gần hình cầu, vòi nhị ngắn. Quả nang hình trái xoan ngược, chia ra 3 mảnh. Hạt nhỏ màu đen.

Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng cho hay, cây hẹ được trồng lấy lá làm rau ăn và làm gia vị. Hoa cũng được dùng làm thức ăn. Lá, thân và hạt đều dùng làm thuốc.

Theo y học cổ truyền, hẹ có tính cay, ấm, hơi chua. Hạt hẹ có vị ngọt, tính ấm.

 Loài họ hành trồng làm cảnh người Việt chẳng ngó tới, là 'thuốc' quét mỡ cho gan, khoẻ tiêu hoá - Ảnh 1.

Hẹ cũng được dùng làm thuốc (Ảnh: Internet)

"Cây hẹ có tác dụng thông khí ở phổi, hạ khí đầy ở bụng, điều hòa tạng phủ, khỏi đau bụng do lạnh. Dùng hẹ nấu ăn giúp bổ ích thận khí, mạnh dương, khỏi tiết tinh và ấm khỏe lưng gối; Hẹ xào với giấm, muối, ăn vào sáng sớm, lúc đói khỏi chứng ợ hơi. Hạt hẹ chủ trị cố tinh, sáp niệu, chỉ đới", nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng nói.

Sách Bản thảo cương mục thập di có ghi: "Rau hẹ là ấm nhất, có ích cho người, nên ăn thường xuyên". Sách Lễ ký viết củ hẹ trị chứng di mộng tinh, đau lưng rất công hiệu. Trong sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh cũng có nhiều bài thuốc dùng hẹ.

Một số bài thuốc hay từ cây hẹ

Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, hẹ có thể dùng độc vị là rau ăn và làm thuốc chữa bệnh. Người có cơn suyễn nguy cấp dùng một nắm lá hẹ sắp uống. Trường hợp bụng dưới đau nhói hoặc ngộ độc thức ăn, dùng lá hẹ giã nhuyễn vắt lấy nước cốt uống (nên uống nhiều).

Hẹ dùng kết hợp với các vị đơn giản khác trở thành bài thuốc chữa nhiều chứng bệnh. Phụ nữ đến kỳ kinh mà không hành kinh, khí nghịch, đưa máu ngược lên sinh thổ huyết, hoặc bị thương ứ máu, đái ra máu, chảy máu cam, dùng toàn thân cây hẹ 100g, đồng tiện vừa đủ, giã nhuyễn toàn cây hẹ, vắt lấy nước cốt, hòa đồng tiện uống.

 Loài họ hành trồng làm cảnh người Việt chẳng ngó tới, là 'thuốc' quét mỡ cho gan, khoẻ tiêu hoá - Ảnh 2.

Lương y Bùi Đắc Sáng (Ảnh: L.P).

Sau đẻ lên cơn co giật, nôn ra nước xanh, giã lá hẹ vắt lấy nước cốt, pha cùng nước cốt gừng lượng vừa đủ để uống.

Người bị gan nhiễm mỡ dùng lá hẹ 200g, hải đới 100g ngâm nước cho nở cắt sợi. Lá hẹ cắt đoạn dài rửa sạch cho tỏi giã nhuyễn, dấm, dầu vừng và một ít đường trộn đều. Ăn hàng ngày và kéo dài trong một tháng.

Trường hợp bị viêm loét dạ dày thể hàn, đau vùng thượng vị, buồn nôn hoặc nôn do lạnh, lấy lá hẹ 250g, gừng tươi 25g. Tất cả thái vụn, giã nát, lọc lấy nước đổ vào nồi cùng với 250g sữa bò. Đun nhỏ lửa cho đến khi sôi, uống ấm.

Theo lương y Bùi Đắc Sáng, không chỉ lá, thân hẹ được dùng làm thuốc mà hạt hẹ cũng là vị thuốc rất nổi tiếng. Hạt hẹ vẫn được nhắc tới trong bài thuốc kinh điển trị tinh yếu do hư lao - "Cửu tử hồi xuân thang".

Trường hợp phụ nữ bạch đới, nam giới viêm tiền liệt tuyến có thể dùng hạt hẹ sắc uống, bệnh sẽ thuyên giảm. Hạt hẹ còn được dùng tẩy giun, điều trị và phòng táo bón bằng cách rang vàng, tán bột uống hàng ngày.

Trong Đông y, hẹ kỵ với mật ong và thịt trâu. Không nên sử dụng lâu dài, đặc biệt đối với những người bị các chứng âm hư hỏa vượng, vị hư có nhiệt. Theo chuyên gia, khi dùng hẹ làm thuốc chữa bệnh, nên tham khảo ý kiến chuyên môn thầy thuốc Đông y.