Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, ngải cứu nhiều tên gọi khác nhau như thuốc cứu, ngải diệp, nhả ngải, thuộc họ Cúc. Lá ngải cứu vị đắng, tính ấm được dùng nhiều trong Đông y để trị bệnh xương khớp, an thần, giảm đau. Tinh dầu của lá ngải tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa như giảm viêm loét dạ dày, nhuận tràng.

Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, thành phần của cây ngải cứu chứa nhiều tamin tác dụng chống phù nề, chất mineol chống xơ hóa, giảm đau cơ, giúp phục hồi cử động, tốt cho các trường hợp đau dây chằng khớp, căng cơ.

Các thành phần thujone, tanacetone, azlene, cadinene tác dụng tăng cường sức đề kháng và tốt cho quá trình xây dựng cơ bắp. Tinh dầu trong lá ngải cứu tác dụng kháng khuẩn với các vi khuẩn phế cầu, lao và một số vi khuẩn khác. Chất acetylcholin trong lá ngải khô được coi như kháng sinh thực vật, giảm đau, an thần.

Loại cây mọc dại góc vườn được mệnh danh 'thuốc vàng' của phụ nữ - Ảnh 1.

Dân gian ví lá ngải cứu như vị “thuốc vàng” của phụ nữ. (Ảnh minh hoạ)

Hằng ngày, bạn có thể dùng lá ngải để làm rau gia vị, uống dưới dạng trà hoặc giã lá tươi uống. Bạn lấy một nắm lá ngải giã hoặc xay ép lấy nước và pha 2 thìa mật ong uống 1-2 lần trong ngày để chữa chứng đau mỏi lưng, giảm đau bụng kinh, dân gian ví lá ngải cứu như vị thuốc vàng của phụ nữ.

Món ăn dễ làm nhất được nhiều người áp dụng là lá ngải băm nhỏ và trộn với trứng giúp lưu thông máu lên não, giảm căng thẳng, đau đầu.

Lưu ý, lá ngải cứu có dược tính cao nên những nhóm người như phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, người bị xơ gan, viêm ruột cấp tính, sỏi thận nên hạn chế dùng. Người dị ứng với các loại thực vật họ cây Cúc cần cẩn trọng có thể không hợp với lá ngải.