Ở Việt Nam là cỏ dại, sang Trung Quốc là thuốc quý
Cỏ mần trầu (cỏ dế mèn) là loại cỏ dại mọc ven đường, bãi hoang, bờ ruộng tại Việt Nam. Loại cỏ này có rễ khá sâu, chính vì vậy chúng có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng và nước rất mạnh để sinh sôi phát triển nhanh.
Đây cũng là lý do mà cỏ mần trầu được coi là hung thủ xâm chiếm đất nông nghiệp, lấy chất dinh dưỡng của cây trồng. Người dân thường sử dụng loại cỏ này để cho bò ăn, trẻ em nông thôn hay lấy cỏ mần trầu làm tổ nuôi dế mèn.
Trong khi đó, người dân Trung Quốc coi cỏ mần trầu là một bài thuốc truyền thống rất phổ biến. Tại đất nước này, cỏ mần trầu được bán với giá khoảng 20 nhân dân tệ nửa cân (khoảng 67 nghìn đồng).
Cỏ mần trầu thực sự tốt như thế nào?
Lương y Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) đã có dịp chia sẻ kinh nghiệm về cách dùng loại cỏ này. Theo vị lương y, cỏ mần trầu có tên khoa học là Eleusine indica (L) Gaertn, họ Lúa (Poaceae). Vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính mát.
Theo giới chuyên môn Đông y, cỏ mần trầu được biết đến là loại thảo dược có hiệu quả trong việc chữa trị các bệnh cho cơ thể. Các thành phần của chúng khá lành tính nên điều trị được nhiều loại bệnh.
Lương y Sáng cũng chia sẻ một số bài thuốc quý báu từ cỏ mần trầu:
1. Chữa cao huyết áp
Cách dùng: Lấy tòa cây mần trầu (cả rễ) đi rửa sạch, thái nhỏ. Giã nát cùng 500g cần tây, hòa với một chén nước đun sôi để nguội, vắt lọc lấy nước cốt. Có thể cho thêm đường.
Chia 2 lần uống vào sáng và tối trước khi đi ngủ.
2. Bệnh nhân lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực mệt nhọc, tiểu ít, nước tiểu vàng
Cách dùng: Cỏ mần trầu 40g. Sắc với 200ml, uống một lần trong ngày.
3. Phụ nữ có thai người nóng dẫn đến táo bón, buồn phiền, động thai, nhức đầu, nôn mửa, tức ngực
Cách dùng: Cỏ mần trầu khô 12 - 16g sắc với 300ml, chia uống 2 - 3 lần/ngày.
4. Trẻ em mụn nhọt, sốt cao, sốt xuất huyết, rôm sảy, ban đỏ, tưa lưỡi
Cách dùng: Cỏ mần trầu tươi 120g rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước uống. Cỏ mần trầu khô 20g sắc với 400ml nước còn 100ml chia uống hai lần/ngày.
5. Nóng trong người, tiểu gắt và vàng, da mẩn đỏ
Cách dùng: Cỏ mần trầu 40g. Sắc uống một lần/ngày, có thể thêm 20g Rễ cỏ tranh sắc chung uống trong ngày.
6. Chữa đái dầm ở trẻ
Cách dùng: Cỏ mần trầu 20g. Mùi tàu 20g. Rau ngổ 20g. Cỏ sữa lá nhỏ 10g. Thái nhỏ, sắc, uống sau bữa ăn chiều.
7. Chữa sốt cao co giật, hôn mê
Cách dùng: Cỏ mần trầu 120g. Sắc với 600 ml nước, còn 400 ml, thêm ít muối, cho uống nhiều lần trong 12 giờ.
8. Thanh nhiệt, giải độc
Cách dùng: Cỏ mần trầu 8g, Cỏ tranh 8g, Rau má 8g, Cỏ mực 8g, Cam thảo đất 8g, Ké đầu ngựa 8g, Gừng tươi 2g, Củ sả 4g, Vỏ quýt 4g.
9. Chữa viêm da, vàng da
Cách dùng: Cỏ mần trầu tươi 60g. Rễ cây Tổ kén đực (1 loài cây dó) 30g. Sắc uống.
10. Chữa phong nhiệt, ghẻ lở, mẩn ngứa
Cách dùng: Cỏ mần trầu tươi, rửa sạch giã nát vắt lấy nước cốt uống, ngày 2 - 3 lần.
11. Chữa cảm, sốt nóng, người mẩn đỏ, tiểu tiện vàng ít
Cách dùng: Cỏ mần trầu 16g, Cỏ tranh 16g. Sắc uống trong ngày.
12. Trị kiết lỵ
Cách dùng : Cỏ mần trầu 40-80g, sắc nước hòa đường mật uống, ngày 02 lần.
Lưu ý khi dùng cỏ mần trầu
Khi dùng cỏ mần trầu làm thuốc, bạn nên chọn cây xanh, không bị nhiễm thuốc bảo vệ thực vật như thuốc sâu, thuốc diệt cỏ… để tránh bị nhiễm độc.
Trước khi sử dụng bài thuốc về cỏ mần trầu cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc để tránh các tác dụng phụ.