Dù khoa học kỹ thuật đã rất phát triển, chúng ta vẫn chưa can thiệp được vào lý thuyết cơ bản nhất của sự sống: Muốn tồn tại thì phải ăn uống. Và cách đơn giản nhất, nhiều người làm nhất để có cái bỏ vào mồm là đi làm công ăn lương.

Và có lẽ, nhiều chị em cũng đang có chung tâm trạng hiu hắt tương tự người viết bài sau khi nhận lương vào chiều hôm qua (hầu hết được nhận lương vào ngày cuối tháng đúng không?).

Nếu đang buồn vì lý do tế nhị đó, chị em cần phải biết rằng trên thế giới có 1 loài giun ăn đá và đi nặng ra cát, nghe có vẻ nghèo hơn chúng ta nhiều.

Loài giun ăn đá vì đam mê, không phải vì nghèo

Loài giun ăn đá đi nặng ra cát giúp tôi bớt chạnh lòng sau khi nhận lương tháng 9 - Ảnh 1.

Theo New York Times, Lithoredo abatanica là cơ thể sống đặc biệt với khẩu vị cũng đặc biệt nốt: Thích ăn đá và đào thải ra cát, tuy nhiên quá trình tiêu hóa ra sao thì vẫn khá bí ẩn.

Loài nhuyễn thể sống dưới đáy sông ở Philippines đã được 1 nhóm các nhà khoa học quốc tế công bố vào tháng 6/2019 trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.

Theo đó, Lithoredo abatanica vừa là loài, vừa là chi mới thuộc họ Hà đục gỗ hay giun tàu (shipworm), chuyên đào hang.

Loài giun ăn đá đi nặng ra cát giúp tôi bớt chạnh lòng sau khi nhận lương tháng 9 - Ảnh 2.

Trên thực tế, giun tàu được biết đến với thói quen đục, ăn gỗ.

Đúng như tên gọi: Chúng sử dụng phần vỏ gắn ở 1 đầu cơ thể để đào sâu vào thành hoặc đáy tàu, tóm lại là bất cứ thứ gì bằng gỗ chìm dưới nước.

Trong quá khứ, hành vi của giun tàu bị coi là phá hoại và trở thành nỗi phiền phức của ngư dân. Dẫu vậy, giới khoa học lại mê mẩn giun tàu ăn gỗ vì cơ chế tiêu hóa của chúng có thể giúp ích trong việc tạo ra loại kháng sinh mới.

Loài giun ăn đá đi nặng ra cát giúp tôi bớt chạnh lòng sau khi nhận lương tháng 9 - Ảnh 3.

Từ vài năm trước, người dân địa phương dọc sông Abatan (Philippines) đã biết đến loài Lithoredo abatanica nhưng không biết phải gọi chúng là gì.

Họ phát hiện ra nhiều khối đá sa thạch dưới đáy sông bị thủng lỗ chỗ, nhô ra ngoài là "cửa sau" dùng để bài tiết của Lithoredo abatanica.

Loài giun ăn đá đi nặng ra cát giúp tôi bớt chạnh lòng sau khi nhận lương tháng 9 - Ảnh 4.

Theo nghiên cứu của giới khoa học: Manh tràng, cơ quan tiêu hóa gỗ thường thấy ở giun tàu đã biến mất trên cơ thể của Lithoredo abatanica.

Tuy nhiên, ruột của chúng lại chứa đầy mảnh đá vụn, cùng chung chất liệu với khối đá mà chúng sống bên trong. Đáng ngạc nhiên, thứ chúng thải ra cũng là đá vụn nốt.

Chỉ ăn đá nhưng con nào con nấy đều béo tròn trùng trục

Loài giun ăn đá đi nặng ra cát giúp tôi bớt chạnh lòng sau khi nhận lương tháng 9 - Ảnh 5.

Quá trình tiêu hóa "thức ăn" và sinh trưởng của Lithoredo abatanica vẫn còn là ẩn số với giới khoa học.

Về cơ bản thì trong đá gần như không có chất dinh dưỡng, tuy nhiên ngoài đá ra thì các nhà nghiên cứu không thấy chúng ăn thêm bất cứ thứ gì. Thế nhưng, con nào con nấy vẫn béo múp míp.

Trong thế giới của họ Hà đục gỗ thông thường, chúng có một số vi khuẩn cộng sinh trong hệ tiêu hóa để xử lý gỗ - đằng này, Lithoredo abatanica dường như chỉ nhai đá qua ngày mà thôi.

Tổng hợp từ CNN/New York Times