Khi phóng viên của tờ South China Morning Post đang tìm cách chụp ảnh những ngọn hải đăng lấp lánh trên nền trời đêm đen kịt ở một ngôi làng ven biển tĩnh lặng tại Nam Phi, cô vô tình vấp phải một hệ thống an ninh tiên tiến và bị camera quan sát ghi lại.

Chỉ một lát sau, cảnh sát có mặt tại hiện trường và một cuộc thẩm vấn ngắn diễn ra. Đồng ý rằng việc chụp ảnh hải đăng hoàn toàn vô tội nhưng cảnh sát buộc phải làm chặt vì sự an toàn của trang trại bào ngư quý giá dưới mặt nước.

Loài hải sản ví như "vàng trắng" ở Nam Phi: "Miếng cơm" của ngàn người nhưng cũng là nguồn cơn của tội phạm có tổ chức quốc tế - Ảnh 1.

Bào ngư, nuôi ở thị trấn Hermanus của tỉnh Western Cape. Ảnh: Linda Givetash

Lời giải thích của cảnh sát có lẽ khiến nhiều người kinh ngạc vì hiếm có quốc gia nào canh giữ loài động vật thân mềm này cẩn thận như thế. 

Nhưng đối với các thị trấn ven biển trên khắp Nam Phi, bào ngư là nguồn cơn của cả sự thịnh vượng và hỗn loạn. Nó tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động nhưng đồng thời cũng là mục tiêu kiếm ăn của các tập đoàn tội phạm có tổ chức quốc tế, chuyên săn bắt trộm loại hải sản được ví như "vàng trắng" này.

Mỗi năm, Nam Phi xuất khẩu hơn 5.500 tấn bào ngư, chủ yếu sang Hong Kong và các thị trường châu Á khác. Trong số đó, gần một nửa là do săn bắt trộm, theo ước tính của các tổ chức buôn bán động vật hoang dã và các cơ quan chính phủ.

Nguy cơ tuyệt chủng vì nạn săn bắt trộm

Tác động là rõ ràng. Bào ngư, tên khoa học là Haliotis midae hay Perlemoen, theo cách gọi của người dân địa phương ở Nam Phi, nằm ở mục có nguy cơ tuyệt chủng trong Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Quần thể bào ngư hoang dã đang “cạn kiệt” vì hành vi khai thác trái phép.

Ông Albi Modise, người đứng đầu Vụ truyền thông của Bộ Môi trường Nam Phi, cho biết: “Nếu không giảm đáng kể sản lượng đánh bắt, dù hợp pháp hay bất hợp pháp, số lượng bào ngư sẽ cạn kiệt trong vòng 10 năm”.

Loài hải sản ví như "vàng trắng" ở Nam Phi: "Miếng cơm" của ngàn người nhưng cũng là nguồn cơn của tội phạm có tổ chức quốc tế - Ảnh 2.

Một vùng biển của Nam Phi.

Mạng lưới giám sát buôn bán động vật hoang dã Traffic cho biết hoạt động buôn bán bào ngư bất hợp pháp ở Nam Phi thu về lợi nhuận từ 60 triệu đến 120 triệu USD mỗi năm.

Mặc dù có đường bờ biển dài 2.850km, Nam Phi không có lực lượng bảo vệ bờ biển. Lực lượng Hải quân sở hữu hẳn một hạm đội tàu chiến và tàu ngầm nhưng không có nhiệm vụ bảo vệ khu vực biển trong phạm vi 100m tính từ mép bờ. Thay vào đó, lực lượng này chỉ có nhiệm vụ chống cướp biển và các mối đe dọa từ bên ngoài.

Điều này có nghĩa là nhiệm vụ chống săn trộm bào ngư ở các thị trấn ven biển thuộc về cảnh sát quốc gia. Tính đến năm ngoái, lực lượng này có 136 thợ lặn và 82 người điều khiển tàu, nhưng những người này phải kiêm thêm nhiệm vụ tìm kiếm các nạn nhân bị đuối nước và ngăn ngừa các tội phạm khác.

Markus Burgener, một sĩ quan chương trình cấp cao của Traffic cho biết, cảnh sát coi việc săn trộm bào ngư là nghiêm trọng, ước tính có khoảng 350 đến 400 vụ bắt giữ mỗi năm.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, cảnh sát đã thực hiện các vụ bắt giữ có giá trị hơn 1,6 triệu USD, nhưng vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Cùng năm đó, cảnh sát báo cáo rằng 2 công dân Trung Quốc đã bị kết án vì nhận, bán và vận chuyển bất hợp pháp bào ngư.

Tuy nhiên, cảnh sát dường như vẫn chậm hơn một bước trong cuộc chiến chống lại những kẻ săn trộm. Và khi thị trường bào ngư phát triển – với sản lượng xuất khẩu tăng trung bình 8% mỗi năm từ 2009 đến 2016 – nó đã trở thành trụ cột nền kinh tế ven biển của Nam Phi, khiến việc triệt phá hoạt động buôn bán bất hợp pháp càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Sự thật mất lòng

Nam Phi cũng là "cái nôi" cho sự phát triển của các tập đoàn tội phạm quốc tế. Bởi tình trạng thất nghiệp tràn lan, đặc biệt là giới trẻ. Năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp vượt quá 32%, với những người từ 15 đến 24 tuổi có tỷ lệ hơn 59%.

Ông Markus Burgener nói: “Các tổ chức tội phạm đã nhìn thấy cơ hội là nguồn lao động gần như vô tận cho hoạt động săn bắt trộm bào ngư. Không cần biết có bao nhiêu người bị bắt và tống vào tù, luôn có nhiều người sẵn sàng làm việc này bởi vì rủi ro thấp và thù lao khá cao”.

Nam Phi cũng đang vấp phải khó khăn khi các cơ quan thực thi pháp luật và an ninh quốc gia bị suy yếu do tham nhũng tràn lan. Cảnh sát bao che cho các hành vi sai trái, còn người dân thì dần mất niềm tin vào công lý.

Gần 6.000 thành viên, bao gồm 972 điều tra viên, đã xin nghỉ việc tính đến ngày 31/3/2022, trong bối cảnh tội phạm gia tăng. Cũng trong năm 2022, hơn 5.200 trường hợp hành vi sai trái của cảnh sát đã được báo cáo.

Loài hải sản ví như "vàng trắng" ở Nam Phi: "Miếng cơm" của ngàn người nhưng cũng là nguồn cơn của tội phạm có tổ chức quốc tế - Ảnh 3.

Andricus Van Der Westhuizen, một nhà lập pháp ở tỉnh Western Cape, thuộc vùng bờ biển phía Tây Nam của Nam Phi, cho biết: "Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy cơ quan cảnh sát Western Cape có thể đã bị một số thủ lĩnh băng đảng mua chuộc". Người phát ngôn của Sở cảnh sát Nam Phi thừa nhận sự thật này nhưng không đưa ra lời giải thích.

Ông Markus Burgener nói: "Họ có thể có bạn bè hoặc gia đình có liên quan đến các băng đảng săn trộm và kể cả khi họ không bị mua chuộc, họ vẫn được hưởng lợi theo cách nào đó".

Vì lẽ đó, không có gì ngạc nhiên khi niềm tin của công chúng vào cảnh sát đang ở mức thấp. Cư dân ở thị trấn Hermanus, cách Cape Town, thủ phủ của tỉnh Western Cape vài giờ lái xe về phía Đông, nói với SCMP rằng ngay cả khi họ báo cáo sự việc vi phạm, họ cũng cảm thấy không có nhà chức trách nào quan tâm.

Sau khi kể về việc chứng kiến những chiếc xe tải tấp vào bờ và những người đàn ông - rõ ràng trang bị dụng cụ đánh bắt bào ngư - chạy xuống nước, một người dân nói: “Bạn không thể gọi điện cho bất kỳ ai vì không ai trả lời”.

Ngay cả đối với những cảnh sát không bị mua chuộc, việc săn bắt những kẻ săn trộm bào ngư có thể không phải là ưu tiên hàng đầu ở một quốc gia có tỷ lệ giết người trung bình là hơn 70 vụ mỗi ngày. Ông Markus Burgener cho biết săn trộm bào ngư được coi là một “tội nhẹ” ở Nam Phi.

Khó càng thêm khó

Ông Markus cũng nhấn mạnh rằng “nguồn lực hạn chế” là một trong những thách thức đối với lực lượng cảnh sát.

Bất chấp sự phát triển ngày càng mạnh của hoạt động buôn bán, săn bắt trái phép bào ngư, việc truy bắt những kẻ săn trộm không phải là điều dễ dàng. Địa hình gồ ghề của bờ biển Nam Phi với vô số hốc ẩn khiến cảnh sát khó có thể quan sát từ các đường cao tốc quanh co phía trên.

Loài hải sản ví như "vàng trắng" ở Nam Phi: "Miếng cơm" của ngàn người nhưng cũng là nguồn cơn của tội phạm có tổ chức quốc tế - Ảnh 4.

Ở những thị trấn xa xôi bao quanh bởi những ngọn núi hùng vĩ uốn lượn trên những bãi biển cát trắng và làn nước màu ngọc lam, người dân địa phương đều có thể chỉ ra những "điểm nóng" của hoạt động săn bắt trộm, chẳng hạn như Danger Point, Pringle Bay, Betty's Bay và Hermanus.

Không phải tất cả những khu vực ấy đều có thể dễ dàng tiếp cận, vì nó thuộc phần đất tư nhân có rào chắn hoặc nằm ở địa hình gồ ghề không có đường đi chuyển. Ngay cả ở Vịnh Perlemoen, được đặt theo tên của loài nhuyễn thể, người ta cũng không thể nhìn thấy bất kỳ ngư dân nào, chứ đừng nói đến những kẻ săn trộm.

Ở Hermanus, nơi thu hút khách du lịch tới xem cá voi, một quản lý nhà hàng cho biết anh đã nhiều lần nhìn thấy những kẻ săn trộm xuất hiện khi trời nhá nhem tối. Nhưng một người khác bác bỏ tuyên bố này, nói rằng thị trấn quá đông đúc với lượng người qua lại thường xuyên nên đã trở thành "một địa điểm lý tưởng" cho những kẻ bắt trộm bào ngư.

Loài hải sản ví như "vàng trắng" ở Nam Phi: "Miếng cơm" của ngàn người nhưng cũng là nguồn cơn của tội phạm có tổ chức quốc tế - Ảnh 5.

Một người phụ nữ lấy nước từ một đường ống gần đó để giặt quần áo bằng tay nói rằng cô không biết gì. Nhiều người khác miễn cưỡng thảo luận về chủ đề này vì sợ "vạ miệng".

“Nếu bạn báo cảnh sát, bạn sẽ mất mạng”, quản lý nhà hàng 40 tuổi, người tuyên bố đã nhiều lần nhìn thấy những kẻ săn trộm ở Hermanus, khẳng định. Anh chưa bao giờ báo cáo những gì mình chứng kiến với cảnh sát.

Anh giải thích, nếu những kẻ săn trộm bị bắt, anh sẽ phải đứng ra làm chứng chống lại họ, tiết lộ danh tính bản thân rồi bị trả thù. “Rủi ro là không đáng”, anh nói.

Việc buôn bán bất hợp pháp cũng đặt ra những lo ngại về an ninh cho các trang trại nuôi bào ngư hợp pháp.

Trang trại bào ngư HIK là một trong những nhà sản xuất lớn ở Nam Phi. Có trụ sở tại Hermanus, công ty này sản xuất 400 tấn bào ngư mỗi năm. Quản lý trang trại, ông Matthew Naylor, nói rằng các xe tải chở hàng của họ đã phải đối mặt với các vụ cướp và nổ súng.

Ông nói: “Đó chỉ là vấn đề thời gian, khi bào ngư tự nhiên ngày càng ít, chúng tôi hoặc xe tải chở hàng của chúng tôi bị nhắm mục tiêu nhiều hơn".

Loài hải sản ví như "vàng trắng" ở Nam Phi: "Miếng cơm" của ngàn người nhưng cũng là nguồn cơn của tội phạm có tổ chức quốc tế - Ảnh 6.

Nhà hàng "Bào ngư và Rượu vang Perlemoen" là một trong số ít nơi cung cấp bào ngư tại địa phương.

Điều này có nghĩa là công ty phải chi nhiều tiền hơn cho khâu bảo đảm an toàn, với sự hiện diện của lực lượng bảo vệ 24/24, bao gồm máy ảnh và ghi nhật ký chi tiết về tất cả các lần đến và đi.

Thị trường bất hợp pháp cũng đặt ra một mối đe dọa đối với thương mại toàn cầu, đặc biệt là an toàn thực phẩm. Đây là mối quan tâm lớn đối với các nhà sản xuất hợp pháp vì họ có các quy trình tỉ mỉ để làm sạch bào ngư, sau đó sấy khô, đóng hộp hoặc vận chuyển sống.

Tại một trong những trang trại của Abagold – một nhà sản xuất lớn khác ở Hermanus – nước biển được bơm vào để lấp đầy hàng trăm bể chứa được xử lý để loại bỏ chất bẩn. Bào ngư đang phát triển được cho ăn theo một công thức đặc biệt, giống như cát dành cho những con bào ngư trong trại giống, và sau đó là dạng viên như thức ăn cho chó cùng với tảo bẹ từ biển. Mỗi trang trại Abagold sử dụng tới 6 tấn tảo bẹ mỗi tuần.

Đối với những người vào nhà máy chế biến của Abagold, họ bắt buộc phải đeo lưới che tóc và mặc áo khoác phòng thí nghiệm, đồng thời tháo bỏ đồ trang sức và rửa tay kỹ lưỡng.

Loài hải sản ví như "vàng trắng" ở Nam Phi: "Miếng cơm" của ngàn người nhưng cũng là nguồn cơn của tội phạm có tổ chức quốc tế - Ảnh 7.
Loài hải sản ví như "vàng trắng" ở Nam Phi: "Miếng cơm" của ngàn người nhưng cũng là nguồn cơn của tội phạm có tổ chức quốc tế - Ảnh 8.

Bào ngư được lấy ra khỏi vỏ bằng phương pháp thủ công, rửa bằng máy và sau đó được đưa dọc theo băng chuyền nơi các nhân viên chà xát nhuyễn thể bằng tay. Bào ngư đóng hộp được nấu trước trong tối đa 24 phút, tùy thuộc vào kích cỡ.

Michael Dunsdon, giám đốc sản xuất của Abagold cho biết, từ vỏ đến lon, quá trình này mất 24 giờ. Sau khi được làm sạch, bào ngư khô được treo trong 3 tuần trong một căn phòng giống như phòng tắm hơi.

Bào ngư săn trộm hoàn hoàn không được chăm sóc, vệ sinh kỹ lưỡng như vậy. Không có nhà máy chế biến hợp vệ sinh và chuỗi phân phối lạnh, mà thay vào đó là những chiếc bao tải giấu trong bụi rậm, xe bán tải lộ thiên. Nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng là rõ ràng.

Đối với những người nuôi trồng thủy sản, thiệt hại về danh tiếng của một đợt bùng phát dịch bệnh liên quan đến bào ngư Nam Phi sẽ là thảm họa.

Giám đốc tiếp thị của Abagold, Werner Piek, cho biết: “Một trong những mối lo ngại lớn nhất của ngành và cũng là nỗi sợ lớn nhất của tôi là ai đó ở Hồng Kông bị bệnh do ăn phải bào ngư khai thác bất hợp pháp và toàn bộ dây chuyền sản xuất hợp pháp của chúng tôi phải gánh chịu hậu quả vì điều đó”.

Nhiều nỗ lực đang được thực hiện để cung cấp thông tin tốt hơn cho người tiêu dùng nhằm tránh bào ngư săn bắt trộm. Hầu hết các trang trại ở Nam Phi đều có một số loại chứng nhận bền vững mà họ in trên bao bì sản phẩm của mình.

Chẳng hạn, các sản phẩm của Abagold có biểu tượng "Friend of the Sea", trong khi sản phẩm của HIK được chứng nhận bởi Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản Nam Phi.

"Tuyên truyền cho công chúng về sự khác biệt giữa bào ngư hợp pháp và bất hợp pháp đang tạo ra sự khác biệt", Werner Piek nói. "Nhiều khách sạn, nhà hàng và siêu thị đang yêu cầu chứng nhận. Điều này có thể giúp loại bỏ các sản phẩm bất hợp pháp thiếu giấy tờ cần thiết".