Loại hạt được mệnh danh là 'nhân sâm', chuyên gia khuyên nên ăn mỗi ngày
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, lạc có nhiều lợi ích cho cơ thể, nên được bổ sung vào thực đơn hàng ngày.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, hạt lạc là loại ngũ cốc phổ biến, nhiều vùng miền còn gọi là đậu phộng. Theo nghiên cứu của y học hiện đại, hạt lạc chứa 3-5% nước, chất đạm 20-30%, chất béo 40-50%; chất bột 20%, chất vô cơ 2-4%.
Hạt lạc cung cấp hơn 30 chất dinh dưỡng thiết yếu, điển hình như niacin, folate, chất xơ, vitamin E, magiê và phốt pho. Đặc biệt, lạc còn chứa hợp chất resveratrol - chống oxy hóa mạnh, làm tăng cholesterol tốt HDL giúp hệ tuần hoàn khỏe mạnh, máu huyết lưu thông tốt, da dẻ hồng hào.
Theo bác sĩ Hưng, nếu đặt lên bàn cân so sánh, lượng chất béo trong hạt lạc - tức chất béo nguồn gốc thực vật - tốt hơn so với chất béo nguồn gốc động vật, nhất là mỡ lợn, mỡ bò… Do vậy, mọi người nên bổ sung lạc trong khẩu phần ăn hàng ngày và tốt nhất nên ăn lạc nguyên hạt.
Tác dụng của hạt lạc
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ, trong y học hiện đại, lạc có nhiều tác dụng chữa bệnh.
Nhân lạc: Tác dụng tăng lực, bồi bổ cơ thể, hạ huyết áp, giảm mỡ máu và cầm máu. Vỏ lụa (lớp vỏ mỏng bao ngoài nhân lạc) tác dụng cầm máu, chữa xuất huyết và kích thích tủy sống tạo ra tiểu cầu.
Ổn định đường huyết: 1/4 chén hạt lạc có thể cung cấp cho cơ thể bạn 35% nhu cầu mangan cần thiết mỗi ngày. Mangan có vai trò trong quá trình chuyển hóa chất béo và carbohydrate, giúp hấp thụ canxi và duy trì sự ổn định đường huyết.
Ngăn ngừa sỏi mật: Nhiều nghiên cứu chứng minh nếu ăn 28,35g đậu phộng hoặc bơ đậu phộng trong vòng một tuần sẽ giảm 25% nguy cơ tiến triển của bệnh sỏi mật.
Phòng chống trầm cảm: Hạt lạc giàu nguồn axit amino tryptophan, cần thiết cho quá trình sản xuất serotonin. Serotonin có lợi cho não, giúp cải thiện tâm trạng, giảm chứng trầm cảm.
Tăng cường trí nhớ: Trong hạt lạc chứa nguồn vitamin B3 và chất niacin có lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cả việc cải thiện chức năng bộ não và thúc đẩy hoạt động trí nhớ.
Giảm cholesterol: Các chất dinh dưỡng giúp tăng cường năng lượng cho bộ nhớ cũng mang lại tác dụng giảm và kiểm soát lượng cholesterol. Ngoài ra, các chất này còn có thể cắt giảm những cholesterol xấu và tăng cholesterol tốt, có lợi cho cơ thể.
Bảo vệ tim mạch: Theo nhiều nghiên cứu, thường xuyên ăn các loại đậu có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong đó, hạt lạc là loại đậu giàu chất béo không bão hòa, có lợi cho tim. Bên cạnh đó, nó còn chứa các chất chống oxy hóa mạnh, điển hình là axit oleic. Một tuần, bạn ăn 4 lần hạt lạc, mỗi lần một nắm có thể giúp bạn tránh được các bệnh tim mạch cũng như bệnh mạch vành.
Phòng bệnh ung thư: Chất phytosterol được tìm thấy nhiều trong dầu thực vật, các loại hạt, bao gồm cả đậu phộng không chỉ giúp bảo vệ tim mạch. mà còn phòng chống bệnh ung thư bằng cách ức chế sự phát triển của các khối u.
Giảm cân: Ăn lượng vừa đủ hạt lạc hay các loại hạt thường xuyên có thể giảm nguy cơ tăng cân. Các nghiên cứu trước đây chứng minh những người hay ăn các loại hạt tối thiểu 2 lần/tuần sẽ rất ít có khả năng tăng cân.
Giảm nguy cơ sinh con dị tật: Nguồn axit folic trong đậu phộng cần thiết cho phụ nữ khi mang thai. Nhiều nghiên cứu cho thấy, phụ nữ trước khi mang thai hoặc trong thời kỳ đầu mang thai, nếu được bổ sung 400 micrograms axít folic mỗi ngày sẽ có thể giảm nguy cơ sinh con khuyết ống thần kinh đến 70%.
Một số bài thuốc từ hạt lạc
Lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông Y Hà Nội) cho hay, trong đông y, hạt lạc có tính bình, vị ngọt béo, tác dụng nhuận phế, hòa vị, trừ đàm, chỉ huyết, chủ yếu dùng để chữa ho khan, ít sữa, thiếu máu, thiếu tiểu cầu, bệnh dạ dày mạn tính, viêm thận mạn, cước khí.
Hạt lạc còn có thể sử dụng làm nhiều món ăn, bài thuốc chữa bệnh rất tốt:
Lạc nấu canh gân bò: Gân chân bò 100g, lạc cả vỏ lụa 100-150g, cùng đem hầm cho nhừ nhuyễn lạc là ăn được. Bài thuốc này có tác dụng bổ huyết khí, hoặc cũng có thế dùng xương sống lợn hầm lạc cả vỏ lụa, ngày dùng một lần cũng có tác dụng sinh huyết, bổ huyết.
Phụ nữ sau sinh có thể dùng lạc cả vỏ lụa, nấm hương, chân giò hầm nhừ ngày ăn 1-2 ngày/lần để nhiều sữa.
Người đau dạ dày, tá tràng có thể dùng lạc nhân 30g, ngâm nước 30 phút sau đó giã nát, rồi cho 200ml mật ong vào trộn đều, uống trước khi ngủ.
Dù có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe nhưng khi ăn lạc cũng cần lưu ý một số điều:
- Không cho trẻ nhỏ ăn lạc vì dễ bị đi vào đường thở, nguy hiểm tính mạng.
- Không nên ăn lạc mốc vì chứa độc tố aflatoxin. Độc tố này có thể gây ngộ độc thực phẩm trực tiếp và là chất gây bệnh ung thư. Do đó, nên cảnh giác khi ăn đậu phộng và các sản phẩm từ đậu phộng, phải bảo đảm chọn đúng sản phẩm an toàn.
- Người dị ứng không ăn lạc, đây là loại ngũ cốc dễ gây dị ứng. Các triệu chứng bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, phù mạch (sưng), cấp tính đau bụng, chàm dị ứng trầm trọng, hen suyễn, và trong trường hợp xấu nhất là sốc phản vệ.
- Người thể hàn, tiêu chảy không ăn lạc, nếu dùng quá liều có thể gây tiêu chảy, hoặc khiến mắt, miệng, hoặc mũi bị khô. Người nhuận tràng, đại tiện lỏng do hàn thấp ứ trệ, không nên dùng lạc.