Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, hoa cúc thường được trưng bày trong nhiều gia đình người Việt.
Theo Dược sĩ Nguyễn Minh Tấn – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), ngoài vẻ đẹp sang trọng và tráng lệ, hoa cúc còn là một dược liệu quý. Hoa cúc từ xa xưa đã được coi là một loại thảo dược có nhiều tác dụng với sức khỏe.
Theo Y học cổ truyền, hoa cúc có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, giải cảm, làm mát gan, vì vậy hoa cúc thường được sử dụng để chữa các chứng như chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, căng thẳng, dễ cáu gắt, khó tập trung,…
Dược sĩ Minh Tấn cho biết các nghiên cứu hiện đại cũng đã chứng minh hoa cúc có thể giúp kháng khuẩn, kháng siêu vi gây cảm cúm, làm giãn mạch máu, hạ huyết áp.
Ngày nay, hoa cúc thường được dùng làm trà uống giúp thanh nhiệt, an thần rất hiệu quả, ngoài ra còn rất tốt cho da và mắt.
Với những tác dụng tuyệt với của hoa cúc, dược sĩ Minh Tấn khuyên mọi người nên tận dụng hoa cúc trong dịp Tết thay vì vứt bỏ chúng. Mọi người có thể lấy cánh hoa đem phơi khô hoặc cũng có thể dùng tươi. Ngoài ra, hoa cúc cũng có thể được chưng với đường phèn để ăn như chè hoặc nấu canh, súp, rất lạ miệng và tốt cho sức khoẻ.
Bàn thêm về tác dụng của hoa cúc, nhà khoa học, Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội, chia sẻ hoa cúc có nhiều loại khác nhau. Hai loại cúc được dùng làm thuốc phổ biến nhất là cúc trắng và cúc vàng. Hoa cúc trắng có vị ngọt, đắng, tính hơi hàn. Hoa cúc vàng có vị đắng cay, tính ôn, vào 3 kinh phế, can và thận.
Theo Health Benefits Times, tiêu thụ 51 gram hoa cúc sẽ cung cấp 0,481 mg mangan, 17 mg sắt, 0,07 mg đồng, 0,09 mg vitamin B6, 48 mg vitamin A, 289 mg kali và 60 mg canxi.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng cho hay: "Hoa cúc là loại hoa có chứa nhiều thành phần hoạt tính có lợi như tinh dầu, tannin, chất nhầy, flavonoid, chất đắng, axit hữu cơ, chất nhựa và inulin… Những thành phần hoạt tính này được tìm thấy ở tất cả các bộ phận của cây và có nhiều công dụng đối với sức khoẻ".
Hiện nay, trà hoa cúc được sử dụng khá phổ biến vì đơn giản và dễ sử dụng. Để pha trà hoa cúc, mọi người dùng hai muỗng hoa khô cho vào một tách nước nóng, ngâm khoảng 10 phút, sau đó vớt ra. Nên uống 3 tách nhỏ mỗi ngày giúp thải độc, an thần, ngủ ngon.
Theo nhà khoa học Bùi Đắc Sáng, trong hoa cúc tươi có tinh dầu có tác dụng kích thích sự hấp thụ chất dinh dưỡng. Trong những ngày Tết ăn nhiều chất đạm đầy bụng khó tiêu, mọi người có thể dùng lá, hoa, nụ và cánh hoa cúc ăn kèm với nhiều món khác giúp tiêu hoá dễ dàng, hấp thu dinh dưỡng tốt.
Ví dụ, lá hoa cúc có thể làm món trộn với xà lách ăn kèm với các loại thực phẩm khác như lá bồ công anh và lá cây chua me đất. Đây đều là các loại rau tốt cho sức khoẻ giúp giảm mỡ máu.
Ngoài ra, hoa cúc còn được chế biến với thịt. Nhiều nơi còn dùng hoa cúc làm giấm hoặc chế biến nước sốt tạo ra những hương vị độc đáo.