Loại lá này chính là "kem chống nắng tự nhiên"
Chúng ta đã nghe nhiều về những loại thực phẩm có khả năng chống nắng tự nhiên, có thể bổ sung để bảo vệ da tốt hơn trước tia cực tím (UV) của mặt trời. Ít ai biết rằng, lá tía tô là một trong những thực phẩm đem lại hiệu quả chống nắng.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ), cho biết: Tía tô vị cay, tính ấm, vị thuốc được xếp vào loại kích thích ra mồ hôi, nước sắc và cồn chiết xuất lá tía tô đều có tác dụng giãn mạch ngoài da, hạ sốt, trừ cảm mạo.
Lá tía tô cũng được sử dụng trong y học Trung Quốc để điều trị nhiều loại bệnh. Chất chiết xuất từ lá tía tô đã cho thấy đặc tính chống oxy hóa, chống dị ứng, chống viêm, chống trầm cảm, biếng ăn và ngăn ngừa khối u.
Trong mùa hè, làn da chúng ta thường xuyên phải đối mặt với những tác động từ môi trường và ánh nắng mặt trời, làm tăng nguy cơ sạm da.
Trong số các giải pháp tự nhiên, lá tía tô được coi là lựa chọn lý tưởng cho những ai muốn "chậm mà chắc". Mặc dù không mang lại hiệu quả ngay lập tức, nhưng tinh chất trong lá tía tô có thể nuôi dưỡng tế bào và ngăn chặn sắc tố melanin, giúp làn da trắng dần từ bên trong.
Lá tía tô cũng chứa nhiều dưỡng chất quan trọng như đạm, canxi, sắt, tinh bột, chất xơ, phốt pho và vitamin C. Vitamin E có trong lá tía tô giúp duy trì và tăng cường độ ẩm cho da, làm cho da trở nên mịn màng hơn. Đồng thời, tía tô còn thúc đẩy sản sinh collagen, kích thích quá trình hô hấp, trao đổi chất của da, làm cho da trở nên khỏe mạnh và sáng hơn rõ rệt.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Hàn Quốc đã chứng minh rằng chiết xuất từ lá tía tô có thể bảo vệ da khỏi tổn thương do tác động của tia cực tím, đồng thời ngăn ngừa quá trình lão hóa da. Ngoài ra, dầu tía tô cũng có khả năng làm giảm mụn, bao gồm cả mụn đầu đen và mụn trứng cá, nhờ vào tính kháng khuẩn, chống viêm.
Những cách sử dụng lá tía tô để làm đẹp:
- Đun nước lá tía tô uống hàng ngày.
- Làm mặt nạ lá tía tô với 2 thìa mật ong.
- Làm mặt nạ dưỡng ẩm bằng lá tía tô và dầu dừa.
- Xông hơi mặt với lá tía tô trong 10-15 phút.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng lá tía tô trên da mặt
- Đối với vùng da có vết thương hở: Mặc dù hiếm khi gây ra tác dụng phụ, nhưng chị em cần cẩn trọng khi đắp lá tía tô lên vùng da có vết thương hở.
- Rửa sạch lá tía tô: Trước khi sử dụng, hãy rửa sạch lá tía tô để loại bỏ bụi bẩn và lông tơ trên bề mặt lá.
- Lựa chọn lá tía tô già: Lá tía tô già thường chứa lượng tinh dầu cao hơn, cung cấp đầy đủ hoạt chất cho việc chăm sóc da.
- Kiểm tra phản ứng của da: Trước khi áp dụng lên toàn bộ mặt, hãy thử thoa nước ép từ lá tía tô lên vùng da nhạy cảm như ở cổ tay. Nếu có dấu hiệu ngứa hoặc nổi mẩn đỏ, ngưng sử dụng ngay.
- Làm sạch da và tẩy tế bào chết: Đảm bảo làn da sạch sẽ và tẩy da chết định kỳ giúp dưỡng chất từ lá tía tô thẩm thấu vào da một cách hiệu quả hơn.
- Bảo vệ da khi ra ngoài: Sử dụng ô, nón, mũ và kem chống nắng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để bảo vệ da khỏi tác động của tia UV.