Ăn những món có ý nghĩa tốt lành đầu năm để cầu may mắn là một phần văn hóa truyền thống của rất nhiều quốc gia trên thế giới. Ví như, người Nhật thường ăn mì Soba, người Đức ăn bánh heo may mắn (bánh hạnh nhân hình con heo), người Ba Lan ăn cá trích, hoặc người Thổ Nhĩ Kỳ lựa chọn những quả lựu đỏ rực rỡ.
Không chỉ tại Thổ Nhĩ Kỳ mà ở Ai Cập hoặc Brazil, quả lựu đều được coi là biểu tượng cho sức sống, khả năng sinh sản và sự thịnh vượng. Ngoài việc mang những ý nghĩa tốt lành đó, khoa học đã chỉ ra quả lựu có thể mang lại hàng loạt lợi ích cho sức khỏe, trong đó phải kể tới tác dụng chống ung thư.
Quả lựu - “Thuốc” chống ung thư tự nhiên
Quả lựu có rất nhiều chất dinh dưỡng. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, 1 quả lựu cỡ trung bình có thể cung cấp được 4,7g protein; 3,3g chất béo; 11,3g chất xơ; 32% giá trị hàng ngày (DV) vitamin C; 27% DV vitamin B9 (folate); 8% DV magiê; 8% DV phốt pho; 8% DV kali.
Ngoài các chất dinh dưỡng kể trên, lựu còn rất giàu chất chống oxy hóa và các hợp chất thực vật (polyphenol), bao gồm punicalagin, anthocyanin và hydrolyzable tannin. Chính vì thế, ăn lựu thường xuyên có thể giúp giảm thiểu được viêm nhiễm trong cơ thể. Giảm viêm nhiễm có thể giúp ngăn ngừa được ung thư.
Một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Nutrients vào năm 2016 cho thấy các hợp chất thực vật trong quả lựu có đặc tính ngăn ngừa ung thư. Một nghiên cứu trên động vật được đăng tải cùng năm trên tạp chí này đã chỉ ra lựu có tác dụng làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư gan ở giai đoạn đầu.
Một nghiên cứu khác, đăng tải trên tạp chí Prostate Cancer and Prostatic Diseases, cho thấy chiết xuất từ loại quả này có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Gần đây nhất, vào năm 2022, một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Immunity cho thấy ăn lựu có thể giúp chống lại bệnh ung thư đại tràng.
Nhiều nghiên cứu khác cho thấy lợi ích tiềm năng của lựu trong việc phòng chống ung thư vú, ung thư phổi, ung thư vùng đầu-cổ, ung thư da.
Lưu ý khi dùng lựu
Thêm lựu vào chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp bạn phòng ngừa được ung thư. Nhưng để có được hiệu quả phòng ngừa ung thư tốt nhất, mọi người cần thực hiện một lối sống khoa học gồm tập thể dục thường xuyên, tránh thức khuya, không lạm dụng rượu bia, bỏ thuốc lá.
Lựu là một loại trái cây giàu kali. Do đó, những người mắc bệnh thận cần lưu ý khi ăn loại quả này.
Hạt lựu có thể ăn được và có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu. Trong y học cổ truyền, vỏ quả lựu được sử dụng để điều trị rất nhiều bệnh lý khác nhau như viêm loét dạ dày, mẩn ngứa, tiêu chảy,...