Vô sinh ảnh hưởng tới 8-12% các cặp đôi trên toàn thế giới. Trong số những trường hợp này, 40-50% nguyên nhân bắt nguồn từ nam giới.
Rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của người đàn ông, ví dụ, thói quen hút thuốc lá, di truyền, tiền sử mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục và nghiện rượu.
Có một niềm tin phổ biến rằng loại quần lót mà nam giới mặc cũng có thể tác động tới khả năng sinh sản của họ. Giờ đây, một nghiên cứu mới đã kiểm tra cách chọn quần lót cho nam giới có ảnh hưởng khác nhau đến chất lượng tinh trùng ở người đàn ông.
Cách chọn quần lót cho nam giới có ảnh hưởng khác nhau đến chất lượng tinh trùng ở người đàn ông.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Lidia Mínguez-Alarcón, là nhà khoa học tại Trường Sức khỏe Cộng đồng T.H. Chan của Harvard (thành phố Boston, bang Massachusetts). Bà cùng đồng nghiệp đã xem xét 656 người đàn ông lứa tuổi 18-56 chưa từng triệt sản và đang tìm kiếm các biện pháp điều trị vô sinh ở Bệnh viện Đa khoa Massachusetts. Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Human Reproduction.
Quần lót ống rộng có thể cải thiện chất lượng tinh trùng
Những người đàn ông tham gia nghiên cứu cung cấp cho các nhà khoa học mẫu máu và tinh dục của mình, đồng thời trả lời một bảng câu hỏi về loại quần lót mà họ thường mặc. Bảng câu hỏi bao gồm quần lót (quần sịp - briefs), quần tắm (bikini) và các loại quần lót bó sát khác dành cho nam giới.
Nhìn chung, hơn 50% người tham gia nghiên cứu cho biết, họ thường mặc quần lót ống rộng (boxer). Những người đàn ông này có mức độ tập trung tinh trùng cao hơn 25%; Tổng lượng tinh trùng cao hơn 17% và tinh trùng đang bơi nhiều hơn 33% so với những người không thường mặc quần lót ống rộng.
Ngoài ra, những người đàn ông thường xuyên mặc quần lót ống rộng cũng giảm 14% hàm lượng huyết thanh của hormone kích thích nang trứng FSH.
Chọn quần lót ống rộng có thể giúp cải thiện khả năng sinh sản ở nam giới.
Theo lý giải của các nhà nghiên cứu, FSH thúc đẩy quá trình sản sinh tinh trùng. Và họ tin rằng, mức độ tập trung FSH cao hơn ở những người không mặc quần lót ống rộng cho thấy, hormone này đã được kích hoạt với nỗ lực bù đắp cho những tổn thương của tinh hoàn rất có thể do những loại quần lót khác gây ra.
Điều quan trọng là, sự khác biệt lớn nhất về số liệu trong chất lượng tinh trùng được phát hiện giữa những người đàn ông mặc quần lót ống rộng và những người mặc quần lót bó sát mông và háng (quần sịp).
Chọn quần lót ống rộng có thể giúp cải thiện khả năng sinh sản
Tiến sĩ Mínguez-Alarcón lý giải về điểm khá biệt giữa nghiên cứu của nhóm mình so với các nghiên cứu khác: "Điểm mạnh nổi bật của nghiên cứu này nằm ở chỗ chúng tôi có thể điều tra mối quan hệ tiềm năng giữa loại quần lót được mặc với các chỉ dấu về chức năng tinh hoàn như hàm lượng hormone sinh sản và tổn thương ADN - vốn là những thứ không được đề cập tới trong những nghiên cứu trước đây cùng chủ đề.
Nhờ đó, chúng tôi có thể tìm ra cơ chế bù đắp tiềm năng mà theo đó quá trình sản sinh tinh trùng bị suy giảm liên quan tới loại quần lót gửi tín hiệu lên vùng dưới đồi (hypothalamus) của não nhằm tăng tiết gonadotropin".
Nhóm khoa học gia vẫn cho rằng, quần lót có thể là yếu tố nguy cơ tiềm năng đối với vấn đề vô sinh.
Theo lý giải của bà, gonadotropin là "một hormone hoạt động ở tinh hoàn và được phản ánh thông qua sự gia tăng hàm lượng FSH". Nó cho thấy cơ thể đang cố gắng để "tăng sản sinh tinh trùng".
Tuy nhiên, "giả thuyết này đòi hỏi phải được xác nhận bằng những nghiên cứu chuyên sâu hơn". Ngoài ra, theo lưu ý của các nhà khoa học, kết quả nghiên cứu này không thể được khái quát lên và áp dụng cho tất cả nam giới. Bởi những người tham gia đều đã từng tìm kiếm biện pháp điều trị vô sinh.
Một điểm nữa cần lưu tâm, nghiên cứu trên không xác nhận quan hệ nhân - quả giữa quần lót bó sát và hàm lượng FSH mà đơn thuần chỉ là chỉ ra mối liên hệ. Dù vậy, nhóm khoa học gia vẫn cho rằng, quần lót có thể là yếu tố nguy cơ tiềm năng đối với vấn đề vô sinh. Tiến sĩ Mínguez-Alarcón khẳng định: "Do nam giới có thể thay đổi kiểu quần lót mà họ chọn mặc, những kết quả này có thể hữu ích trong việc cải thiện chức năng tinh hoàn ở người đàn ông".
Nguồn: MedicalDaily