Bắp cải là một loại rau vụ đông, cùng thuộc họ với bông cải xanh, cải Brussels, súp lơ trắng và cải xoăn. Đây là loại rau có thể chế biến thành nhiều món ngon, lại rất giàu vitamin và dưỡng chất. Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia Mỹ, 75g bắp cải nấu chín chứa 17 calo, 4g carbohydrate, 1g protein. Bắp cải cũng rất giàu vitamin C, vitamin K, magie, folate cũng như canxi, kali…

Ngoài ra, bắp cải có nhiều chất xơ và chứa chất chống oxy hóa mạnh, bao gồm polyphenol và các hợp chất lưu huỳnh. Khi so sánh màu sắc của cải bắp, các chuyên gia nhận thấy rằng loại bắp cải tím có chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa này hơn so với bắp cải màu xanh. Chất chống oxy hóa có tác dụng bảo vệ cơ thể không bị tổn thương do các gốc tự do gây ra. Gốc tự do là các phân tử có số electron lẻ, làm cho chúng không ổn định. Khi các gốc tự do này quá nhiều và hoạt động không ổn định, chúng có thể làm hỏng các tế bào của bạn.

Với nhiều công dụng cho sức khỏe, bắp cải là loại rau được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của các gia đình:

Điều hòa đường huyết

Bắp cải có chỉ số đường huyết thấp GI=10, rất phù hợp cho chế độ ăn của người bị bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu năm 2021 đã chứng minh bắp cải là loại thực phẩm có đặc tính chức năng nhằm phòng phòng ngừa và quản lý bệnh tiểu đường loại 2.

Rau bắp cải dồi dào chất xơ nên làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ đường vào máu. Bổ sung rau bắp cải vào bữa cơm hàng ngày giúp tránh tình trạng tăng đường huyết đột ngột gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

Loại rau rẻ tiền nhưng được xem là "thuốc" hạ đường huyết tự nhiên, phòng chống ung thư hiệu quả: Chợ Việt bán rất nhiều- Ảnh 1.

Tuy nhiên, bắp cải chứa nhiều iod nên người bệnh cường giáp, viêm giáp, bướu cổ… cần lưu ý hạn chế

Bảo vệ tim mạch

Một báo cáo trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ cho thấy, có mối liên quan giữa việc ăn các thực phẩm giàu flavonoid với tỷ lệ tử vong do bệnh lý tim mạch thấp. Ngay cả một lượng nhỏ thực phẩm giàu flavonoid như bắp cải cũng có thể có lợi. Hàm lượng polyphenol cao trong bắp cải cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách ngăn ngừa tích tụ tiểu cầu và giảm huyết áp.

Phòng bệnh ung thư

Nghiên cứu trong 30 năm liên tục chỉ ra rằng, tiêu thụ các loại rau họ cải có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư. Các nhà khoa học cũng phát hiện sulforaphane trong lá bắp cải. Đây là một hợp chất chống ung thư tiềm năng. Hơn thế nữa, các nhà nghiên cứu đã xác định rằng, hợp chất chứa lưu huỳnh khiến cho các loại rau họ cải có vị đắng có tên là sulforaphane cũng dường như có tác dụng chống ung thư hiệu quả.

Ở cấp độ phân tử, các nhà nghiên cứu phát hiện, sulforaphane có khả năng trì hoãn hoặc ngăn chặn ung thư với nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm khối u ác tính, thực quản, tuyến tiền liệt và tuyến tụy.

Bắp cải tím có chứa chất chống oxy hóa mạnh anthocyanin - hợp chất mang lại màu sắc rực rỡ cho các loại rau quả màu đỏ và tím khác. Theo nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, anthocyanin đã được chứng minh làm chậm sự tăng sinh tế bào ung thư, tiêu diệt các tế bào ung thư đã hình thành và ngăn chặn hình thành các khối u mới. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để xác định liệu những tác dụng này có được chuyển sang phòng ngừa hoặc điều trị ung thư trên người hay không.

Những "đại kỵ" khi ăn bắp cải cần lưu ý

Loại rau rẻ tiền nhưng được xem là "thuốc" hạ đường huyết tự nhiên, phòng chống ung thư hiệu quả: Chợ Việt bán rất nhiều- Ảnh 2.

Bắp cải rất nhiều công dụng đối với sức khỏe, tuy nhiên bạn vẫn cần lưu ý một số điều khi sử dụng loại rau này:

Tránh ăn bắp cải đã xào chín để qua đêm

Không chỉ bắp cải mà bất kỳ một món ăn nào đã xào chín để qua đêm cũng sẽ tự sản sinh ra một lượng lớn nitrat. Nếu ăn thường xuyên ăn thức ăn có chứa nitrat trong một thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Vì vậy, bạn cần chú ý không ăn bắp cải đã xào chín để qua đêm để bảo vệ sức khỏe của mình tốt nhất.

Người có hệ tiêu hóa kém nên hạn chế

Bắp cải rất giàu chất xơ dồi dào, có tác dụng nhuận tràng và làm đẩy nhanh quá trình trao đổi chất. Tuy nhiên, những người có hệ tiêu hóa kém, thường bị tiêu chảy nên hạn chế ăn loại thực phẩm này. Đặc biệt không nên ăn bắp cải sống vì dễ sinh đầy bụng, đau dạ dày, táo bón... Với những người mắc bệnh viêm dạ dày thì nên hạn chế ăn bắp cải, tránh tăng gánh nặng lên dạ dày.

Tránh chế biến bắp cải ở nhiệt độ cao quá lâu

Nấu bắp cải ở nhiệt độ cao quá lâu khiến các chất dinh dưỡng trong bắp cải bị phân hủy hết, rau mất vị ngọt tự nhiên.