Ung thư là một bệnh lý phức tạp, khi mà các tế bào trong cơ thể phát triển và phân chia một cách không kiểm soát. Bệnh này có thể bắt đầu ở hầu hết các bộ phận của cơ thể. Mỗi loại ung thư đều có đặc điểm và tác động riêng đến sức khỏe.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư là nguyên nhân gây tử vong thứ hai trên thế giới, chỉ sau bệnh tim mạch. Dự kiến đến năm 2040, số ca ung thư mới sẽ tăng lên 28.4 triệu ca mỗi năm, tăng 47% so với năm 2020. Căn bệnh này còn đang trẻ hóa theo từng ngày do lối sống và sinh hoạt không lành mạnh.

Vậy nên chúng ta cần phải có nhận thức về việc bảo vệ sức khỏe, cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và chủ động phòng bệnh. Ngoài vận động đều đặn, hãy bổ sung nhiều loại thực phẩm có khả năng phòng chống ung thư. Một trong số đó chính là bông cải xanh – loại rau được các chuyên gia đánh giá rất cao.

Loại rau xanh là “kẻ hủy diệt” tế bào ung thư, luôn có trong mâm cỗ, tiếc là nhiều người đang nấu sai cách khiến chúng mất tác dụng - Ảnh 1.

Bông cải xanh - một trong những loại rau chống ung thư tốt bậc nhất.

Lợi ích của bông cải xanh

Bông cải xanh là một loại rau thuộc họ cải, rất được ưa chuộng và phổ biến trên toàn thế giới nhờ giá trị dinh dưỡng cao. Chúng ta thường ăn ở phần bông có màu xanh lá cây đậm. Loại rau này có kết cấu giòn, vị ngọt nhẹ và hơi đắng. Nó rất thích hợp cho nhiều cách chế biến khác nhau như xào, luộc, hấp hoặc làm salad.

Nhìn qua tuy nhỏ bé nhưng loại rau này lại sở hữu cực nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin A, K, C, folate, chất xơ… Bông cải xanh còn sở hữu các chất chống oxy hóa như sulforaphane, glucoraphanin và flavonoid giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào do tác động của gốc tự do.

Ngoài ra, chất sulforaphane trong bông cải xanh còn có khả năng làm chậm và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. Các hợp chất khác của loại rau này cũng giúp gan loại bỏ các chất độc hại và ngăn ngừa sự hình thành ung thư. Vậy nên các chuyên gia đánh giá rất cao tác dụng của bông cải xanh trong công cuộc ngừa ung thư.

Loại rau xanh là “kẻ hủy diệt” tế bào ung thư, luôn có trong mâm cỗ, tiếc là nhiều người đang nấu sai cách khiến chúng mất tác dụng - Ảnh 2.

Kết hợp bông cải xanh với những thực phẩm khác sẽ giúp tăng cường dinh dưỡng.

Theo Ansley Hill – chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học bang Georgia (Mỹ), không chỉ có mỗi phòng chống ung thư mà bông cải xanh cũng sở hữu một số lợi ích khác như sau:

- Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Đầu tiên, bông cải xanh chứa nhiều vitamin C, một chất chống oxy hóa mạnh mẽ có khả năng bảo vệ các tế bào khỏi tổn thương do gốc tự do. Việc giảm thiểu tổn thương tế bào có thể ngăn ngừa các quá trình dẫn đến bệnh tim mạch, chẳng hạn như viêm nhiễm và hình thành mảng bám trong động mạch.

Bên cạnh đó, bông cải xanh còn giàu chất xơ, giúp hạ thấp mức cholesterol xấu (LDL) trong máu, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Chất xơ giúp giảm hấp thu cholesterol từ thực phẩm, đồng thời cải thiện lưu thông máu và giảm áp lực lên hệ thống tim mạch.

- Giúp đẹp da, trẻ lâu và ngừa bệnh về da

Như đã đề cập, trong bông cải xanh rất giàu chất chống oxy hóa, có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi tác động của gốc tự do. Chẳng hạn như vitamin C, beta-carotene và flavonoid có khả năng trung hòa các gốc tự do. Từ đó giúp giảm thiểu tác động của chúng lên da, giúp làn da trở nên khỏe mạnh và tươi trẻ hơn.

Cụ thể hơn, vitamin C trong bông cải xanh không chỉ giúp tăng cường hệ miễn dịch, mà còn kích thích tổng hợp collagen - một loại protein cần thiết để duy trì độ đàn hồi và săn chắc của da. Còn beta-carotene, khi được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A, sẽ đẩy mạnh quá trình tái tạo tế bào da và bảo vệ da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời, làm giảm nguy cơ hình thành nếp nhăn, sạm da.

Loại rau xanh là “kẻ hủy diệt” tế bào ung thư, luôn có trong mâm cỗ, tiếc là nhiều người đang nấu sai cách khiến chúng mất tác dụng - Ảnh 3.

Ăn bông cải xanh cũng làm làn da đẹp rạng ngời hơn.

- Giúp kiểm soát đường huyết

Nhờ hàm lượng chất xơ cao và chất chống oxy hóa phong phú, bông cải xanh có thể giúp điều chỉnh mức đường huyết một cách hiệu quả. Chất xơ trong bông cải xanh giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ đường, từ đó làm giảm sự tăng đột ngột của đường huyết sau bữa ăn.

Không chỉ dừng lại ở đó, bông cải xanh còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất thiết yếu như vitamin C, K, magie… giúp hỗ trợ chức năng của các enzym liên quan đến quá trình chuyển hóa đường. Vitamin K đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa glucose và cải thiện độ nhạy insulin, giúp ngăn ngừa sự gia tăng đường huyết.

- Tăng cường chức năng não

Lutein là một chất chống oxy hóa trong bông cải xanh. Lutein có khả năng bảo vệ tế bào não khỏi stress oxy hóa - một trong những yếu tố góp phần làm tổn thương tế bào thần kinh, gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về não bộ như Alzheimer. Ngoài ra, việc bổ sung lutein còn cải thiện khả năng nhận thức và bảo vệ chức năng não bộ lâu dài.

Loại rau xanh là “kẻ hủy diệt” tế bào ung thư, luôn có trong mâm cỗ, tiếc là nhiều người đang nấu sai cách khiến chúng mất tác dụng - Ảnh 4.

Bông cải xanh còn phòng ngừa nhiều bệnh về não và về da liễu.

Những lưu ý khi chế biến và ăn bông cải xanh

Myrosinase là một enzyme quan trọng trong bông cải xanh cần thiết để kích hoạt sulforaphane. Tuy nhiên, chúng ta thường nấu rau quá chín do luộc quá lâu hoặc tiếp xúc với nhiệt độ quá cao. 

Một nghiên cứu cho thấy, việc cho bông cải xanh vào lò vi sóng hơn hai phút có thể phá hủy loại enzyme này. Nấu bông cải xanh hơn 7 phút cũng khiến cho myrosinase bị phân hủy, khiến tác dụng tốt của bông cải xanh bị mất đi.

Thay vào đó, các chuyên gia khuyên bạn chỉ nên đun sôi bông cải xanh trong 3-4 phút để bảo quản enzym này, trong khi vẫn đảm bảo chúng sạch và được đun nóng.

Ăn bông cải xanh sống cũng là một trong những cách để đảm bảo cơ thể hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, bạn cần phải rửa sạch bông cải xanh dưới vòi nước chảy để đảm bảo loại bỏ dư lượng thuốc trừ sâu. Ngoài ra, hãy lựa chọn mua ở những trại rau sạch để an toàn hơn nếu quyết định ăn sống.

Theo Healthline, Insider