Bữa sáng quan trọng thế nào với người tiểu đường?
Bữa sáng còn đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe tổng thể của mọi người, đặc biệt là đối với những người phải đối mặt với tình trạng tiểu đường. Việc lập kế hoạch cụ thể cho bữa ăn sáng không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn giúp chúng ta tránh những thực phẩm có thể làm tăng đột biến đường huyết.
Trên thực tế, nhiều khảo sát đã chỉ ra rằng, mức đường huyết thường tăng cao sau bữa sáng, có thể lên đến gấp đôi so với sau bữa trưa. Nguyên nhân của hiện tượng này là do gan giải phóng lượng đường dự trữ qua đêm vào buổi sáng. Khi thức ăn được nạp thêm vào cơ thể và giải phóng lượng đường vào máu, lúc này đường huyết có thể tăng lên.
Dù vậy, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, một bữa sáng giàu chất béo và protein vừa đủ có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu, đồng thời ổn định cân nặng. Theo nguyên tắc hoạt động của bệnh tiểu đường, khi mức đường (glucose) tăng cao, nó sẽ được giữ lại trong máu thay vì được chuyển đến tế bào. Vì tế bào không nhận được đường cần thiết, cơ thể báo hiệu cần bổ sung thêm đường hoặc carbohydrate để cung cấp năng lượng. Việc duy trì mức đường huyết ổn định thông qua việc giảm lượng carbohydrate trong bữa sáng giúp kiểm soát cảm giác thèm ăn carbohydrate, đồng thời duy trì sự cân bằng đường huyết suốt cả ngày.
Đường trong máu lên xuống thất thường chính là nguyên nhân làm tổn thương thêm tuyến tụy.
Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA) cũng khuyến cáo người mắc tiểu đường cần duy trì sự cân đối trong bữa sáng so với các bữa ăn khác. Việc đảm bảo lượng calo từ protein vào buổi sáng chiếm khoảng 20-30% tổng lượng protein trong ngày được đánh giá là quan trọng. Tương tự, lượng calo từ chất béo trong bữa sáng nên duy trì ở mức 20-35%, trong khi lượng calo hàng ngày từ carbohydrate nên dao động từ 45-60%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc kiểm soát lượng đường trong máu là yếu tố cơ bản đối với người bệnh tiểu đường. Do đó, cần lưu ý điều chỉnh lượng carbs tiêu thụ, chọn lựa thực phẩm giàu protein và chất xơ, đồng thời bổ sung chất béo lành mạnh.
Việc ăn sáng quá muộn hoặc thậm chí bỏ qua bữa sáng có thể làm đảo lộn nhịp bài tiết insulin của cơ thể, gây ra rối loạn tiết insulin, có thể dẫn đến thay đổi chỉ số đường huyết, rối loạn nhịp sinh học, làm đảo ngược quá trình chuyển hóa và nội tiết bình thường của cơ thể. Lượng đường trong máu mất ổn định không chỉ làm tổn thương tuyến tụy mà còn có thể làm tổn thương sức khỏe tổng thể. Do đó, người mắc tiểu đường nên sử dụng bữa sáng trong khoảng thời gian từ 7 - 8 giờ, với giới hạn 8 giờ 30 phút là muộn nhất.
Loại thực phẩm nên ăn trong bữa sáng để kiểm soát đường huyết
Vừa qua, Diabetes UK, tổ chức chuyên về nghiên cứu và quản lý bệnh tiểu đường tại Anh, đã công bố một danh sách các món ăn sáng được xem là lựa chọn tốt nhất cho những người mắc bệnh này. Danh sách này được xây dựng dựa trên bốn thành phần chính như sau.
1. Carbohydrate giàu chất xơ:
Các lựa chọn như bột yến mạch nguyên hạt, bánh mì đen hoặc bột ngũ cốc tự rang xay đều được đánh giá cao. Những thực phẩm này cung cấp carbohydrate phức hợp, giúp tiêu hóa chậm, từ đó ngăn chặn sự tăng đột biến của đường trong máu. Chúng ta nên tránh bánh mì trắng vì thiếu chất xơ, hạn chế sử dụng ngũ cốc ăn liền, thường chứa lượng đường và chất béo không lành mạnh, theo thông tin từ tờ Mirror.
2. Đạm:
Đạm nạc không chỉ tạo cảm giác no mà còn giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Trứng, cá, sữa chua không đường, phô mai và đậu phụ được đề xuất là những nguồn đạm tốt. Trong khi đó, nên hạn chế thịt nguội và thịt đỏ để duy trì sự cân bằng dinh dưỡng.
3. Chất béo lành mạnh:
Sử dụng chất béo lành mạnh từ các nguồn như hạt, quả bơ, dầu olive nguyên chất, dầu hạt cải, dầu đậu nành, hạt lanh, các loại cá chứa nhiều dầu như cá hồi, cá trích, cá thu… không chỉ giúp tăng cảm giác no mà còn hỗ trợ tiêu hóa chậm. Điều này có thể ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột biến.
Những ai thường xuyên sử dụng các loại chất béo không bão hòa – thường tìm thấy trong dầu cá và dầu thực vật – có ít nguy cơ tử vong và mắc bệnh tật hơn những ai sử dụng thường xuyên các loại chất béo bão hòa.
4. Trái cây và rau quả:
Trái cây có màu sắc đa dạng và rau không chứa tinh bột đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường lượng chất xơ. Những loại trái cây mọng nước, trái cây họ cam quýt, rau lá xanh và ớt chuông được đánh giá cao vì giàu vitamin, khoáng chất, và chất chống oxy hóa có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường. Đối với nước ép, nên ưu tiên lựa chọn trái cây thay vì nước ép, người tiểu đường cũng không nên sử dụng quá 150ml nước ép mỗi ngày.
Những lời khuyên trên giúp đảm bảo rằng bệnh nhân tiểu đường có thể tận hưởng một bữa sáng lành mạnh và cân đối, hỗ trợ quá trình kiểm soát bệnh hiệu quả.
(Tổng hợp)