Lạm dụng vấn đề thế tục
Ngày 19/6, Thượng tọa Thích Chân Quang (trụ trì Thiền Tôn Phật Quang , tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) bị kỷ luật vì những bài giảng pháp gây hoang mang trong xã hội. Bên cạnh những phát ngôn đi ngược với giáo lý, thiếu cơ sở khoa học, Thượng tọa Thích Chân Quang cổ xúy cho việc giải hạn, cầu tài lộc bằng cách cúng dường, khích lệ Phật tử quyên góp tiền cho nhà chùa.
Đầu tháng 6/2024, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) nghiêm cấm Đại đức Thích Nhuận Đức thuyết giảng dưới mọi hình thức, do các phát ngôn và thuyết giảng không phù hợp của ông. Lạm dụng vấn đề thế tục, sa vào những nội dung theo xu thế… cũng là vấn đề đáng quan tâm, cần điều chỉnh trong việc thuyết giảng ở các đạo tràng hiện nay.
Khi thuyết giảng về nghiệp vụ truyền thông mạng và sử dụng mạng xã hội, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn, Phó ban-Chánh Thư ký Ban Hoằng pháp T.Ư khẳng định, giảng sư phải giảng đúng với kinh điển, không suy diễn mang tính cá nhân, áp đặt cho là chư Tổ, chư Phật nói. Giảng sư phải giảng, phát ngôn đúng với chủ trương của GHPGVN về công tác hoằng pháp, không xuyên tạc, bôi nhọ cá nhân, không nên va chạm, phê phán tôn giáo bạn làm ảnh hưởng đến chính sách đại đoàn kết, gây mâu thuẫn trên không gian mạng.
“Giảng sư phải nhận thức rõ việc giao tiếp, tương tác trên mạng xã hội cũng như trong đời sống thực hằng ngày, luôn ứng xử có văn hóa, trách nhiệm, phải tuân thủ các quy định pháp luật”, Thượng tọa Thích Minh Nhẫn cho hay.
Không tùy tiện thuyết pháp
PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, việc GHPGVN đưa ra hình thức kỷ luật đối với một số trường hợp nhà tu hành phát ngôn không đúng chuẩn mực là rất kịp thời. Đây là việc làm góp phần bảo vệ Phật pháp, bảo vệ tăng đoàn, giữ gìn sự trang nghiêm của giáo hội. Sự việc này cũng cho thấy GHPGVN cần tăng cường quy định chặt chẽ, nghiêm khắc hơn để ngăn chặn những sự việc tương tự.
Việc thuyết giảng của các nhà tu hành Phật giáo trên mạng xã hội nếu có nội dung lệch lạc, tuyên truyền mê tín dị đoan… sẽ ảnh hưởng rất xấu đến xã hội, đến nhận thức của Phật tử, người dân. Do phát ngôn lệch chuẩn đó, kẻ xấu sẽ lợi dụng công kích, hạ thấp uy tín của giáo hội, tăng ni; gây mất đoàn kết xã hội và tôn giáo.
Theo chuyên gia, nội dung thuyết giảng chuẩn mực, hướng con người đến chân thiện mỹ, sẽ tác động tích cực đối với đời sống xã hội.
“Nên có những quy định cụ thể về các điều kiện, tiêu chuẩn để một nhà tu hành có thể thuyết pháp. Nhà tu hành không thể tùy tiện thuyết pháp, nhất là thuyết pháp đông người, đăng tải trên mạng xã hội… Các vị này cần phải có chứng chỉ giảng sư, tuân thủ các quy định của giáo hội”, PGS.TS Chu Văn Tuấn nêu ý kiến.
GS.TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, những cảm xúc, hành động và phát ngôn ngược giáo lý Phật giáo gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội. Từ những bài thuyết giảng không phù hợp, tín đồ Phật giáo có thể mê muội, bị ảnh hưởng tới của cải, tâm lý.
Theo GS.TS Từ Thị Loan, Bộ Thông tin và Truyền thông và cơ quan chức năng cần rà soát, ngăn chặn những trang tin đăng tải, phát tán video thuyết giảng sai lệch.
Ngày 19/9/2020, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ban hành Thông tư 206/2020/TT-HĐTS, hướng dẫn việc sinh hoạt của tăng ni, trong đó có việc sinh hoạt trên không gian mạng. Theo đó, tăng ni được quyền sử dụng không gian mạng để nâng cao kiến thức, tu học, nghiên cứu, tương tác, chia sẻ thông tin, phát huy tính mẫu mực đạo đức, lối sống của người xuất gia với các pháp lữ và tín đồ, cư sĩ Phật tử.
Tăng ni sử dụng không gian mạng không được thực hiện các hành vi: phê phán pháp môn khác, tạo mâu thuẫn trong truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, xuyên tạc lịch sử Phật giáo Việt Nam và tổ chức GHPGVN, chia sẻ cảm xúc và hình ảnh cá nhân, tương tác và các hành vi khác không phù hợp với giáo pháp…