Chuyện nhỏ ấy mà…
Chị Lê phát hoảng khi thấy cô con gái đang ríu rít “tám” chuyện và gọi anh, xưng em với một cô bạn cùng lớp. Chị thắc mắc tại sao lại xưng hô kì lạ thế, cô con gái Quỳnh Phương hồn nhiên trả lời: Có gì đâu mẹ, bọn con gọi thế cho vui ấy mà!
Vợ chồng anh Hoàng cũng một phen hồn vía lên mây khi vô tình đọc trong điện thoại của cô con gái đang học lớp 11 tin nhắn: "Chồng ơi, vợ nhớ chồng lắm. Chồng đi bao giờ về? Vợ nghe con Thương nó bảo chồng vào trong ấy lại cặp kè vi vu với đứa khác rồi, ghét chồng thế! Đúng là đồ lăng nhăng!"
Gọi con tra hỏi thì con tỉnh bơ: “Đấy là cái Huyền cùng học với con, nó đang đi nghỉ với gia đình ở Nha Trang. Chúng con vẫn thường gọi nhau như thế mà. Cả lớp thành lập “cây gia đình”, có bạn là “cụ” rồi “cụ tổ”, những bạn khác là cháu, chắt. Rồi kết duyên chồng vợ, người yêu…Cứ thân nhau thì gọi thế không kể gái hay trai….Chúng con thấy bình thường, vui vui nữa là khác.”
Nhỏ mà không nhỏ
Kiểu xưng hô theo “cây gia đình” trong lớp học đang trở thành xu hướng. Thanh Sơn (SV năm thứ 2 ĐH Kinh tể) vui vẻ kể lể: Ngày xưa bọn lớp cũ gọi em là cụ, là ông. Bây giờ gặp lại vẫn kiểu gọi nhau như thế, cũng thấy hay hay và nhớ lớp cấp 3 ghê!
Thế nhưng trong rất nhiều trường hợp lại tạo nên những tình huống phiền toái bởi cái sự rối loạn xưng hô và hành vi của các bạn trẻ.
Anh Trung (kĩ sư xây dựng, bố của 2 nhóc tì đang học tiểu học) bức xúc: có hôm mình đi với bạn vào 1 quán KFC ở Bà Triệu, gặp một nhóm bạn học sinh nữ đang tổ chức sinh nhật. Thấy mấy cô học trò gọi nhau là anh iu em iu, vợ vợ chồng chồng, lại còn dựng cảnh “mi” nhau, thè lưỡi liếm má nhau để chụp ảnh mà mình ghê hết cả người. Dù thoáng đến mấy mình cũng không thể chấp nhận được.
Lan (SV trường ĐH Công đoàn) bị người yêu đề nghị chia tay bởi khi truy cập vào facebook Lan, anh ta thấy cô xưng “anh yêu” với một bạn gái và xưng “vợ” với một anh chàng. Họ có những comment rất tình cảm, thân thiết như….yêu nhau thật vậy. Dù Lan đã giải thích đấy chỉ là bạn bè, nói cho vui nhưng Dũng vẫn không thoát khỏi cảm giác khó chịu.
Tệ hơn, nhiều khi giả lại thành thật, trò đùa lại thành chuyện hoàn toàn nghiêm túc. Gia đình chị Mai bị sốc nặng khi cô con gái thú nhận có tình cảm đặc biệt, trên cả bạn bè bình thường với một cô bạn thận từ thời phổ thông.
Cũng bắt đầu từ chuyện xưng hô anh – em, hai đứa dính nhau như hình với bóng. Con chị đóng vai “anh”, luôn là chỗ dựa tinh thần cho cô bạn gái. Bản thân hai cô gái cũng không lường được diễn biến tình cảm của họ. Chỉ đến khi có những cảm giác nhớ nhung, không muốn chia sẻ người kia với bất cứ một ai khác…..họ mới nhận ra và thực sự hoảng sợ…
Thiết nghĩ các bạn trẻ nhiều khi đang bị rơi vào một mớ bòng bong của sự hỗn loạn về giá trị cuộc sống. Nhất là sự tấn công ồ ạt, thiếu chọn lọc của các trang internet, dẫn đến sự rối loạn hành vi của trẻ.
Lời khuyên đã trở nên quen thuộc của các chuyện gia tâm lý vẫn luôn là cần thiết phải duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó yếu tố gia đình đóng vai trò rất quan trọng.
Ở trường, ngoài những tiết học văn hóa, rõ ràng là rất cần dạy cho học sinh về kĩ năng và những giá trị đích thực của cuộc sống để giúp trẻ hình thành “tấm giáp” bảo vệ chính mình trước sự nhiễu loạn, phức tạp của cuộc đời.