Trong một lần đi khám bệnh tại bệnh viện Bắc Kinh (Trung Quốc), bà Vương (53 tuổi) được chẩn đoán thoái hóa đốt sống thắt lưng. Các bác sĩ đã đưa ra một số lời khuyên cho bà để ngăn ngừa tình trạng loãng xương hơn nữa. Thế nhưng, bà Vương lại cho rằng, tình trạng loãng xương ở người già là rất bình thường. Vậy nên, bà không cần phải uống nhiều thuốc, chỉ cần bổ sung canxi là đủ. Kết quả là trong một lần bị ngã, cột sống của bà Vương bị ảnh hưởng nghiêm trọng và phải phẫu thuật.
Trường hợp của bà Vương chính là một minh chứng cho việc, bảo vệ sức khỏe của xương là điều cần thiết ở mọi lứa tuổi.
Loãng xương nguy hiểm thế nào?
Loãng xương không chỉ phổ biến mà còn có hại. Các biến chứng nghiêm trọng nhất là gãy xương, phổ biến nhất là gãy xương cột sống, hông và cổ tay. Ảnh hưởng của gãy xương đối với cuộc sống của người cao tuổi là rất lớn, bao gồm đau dữ dội, lâu phục hồi chức năng, dễ dẫn đến khuyết tật lâu dài, giảm chất lượng cuộc sống và mất khả năng sống độc lập.
Loãng xương có phải do thiếu canxi không?
Nhiều người nghĩ rằng loãng xương là một phản ứng sau khi thiếu canxi. Mặc dù canxi có liên quan trực tiếp đến loãng xương, nhưng không phải cứ thiếu canxi là dẫn đến loãng xương. Giáo sư Liu, bệnh viện liên kết thứ hai của Đại học Nam Xương (Trung Quốc), cho biết có nhiều nguyên nhân gây loãng xương chứ không phải do thiếu canxi. Sự trao đổi chất nội tiết bất thường, rối loạn điều chỉnh nội tiết tố trong cơ thể, khả năng hấp thụ canxi suy yếu là nguyên nhân gây loãng xương.
Đàn ông và phụ nữ ở mọi lứa tuổi và sắc tộc đều có thể bị loãng xương. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ loãng xương, bao gồm: Tuổi tác , tiền sử gia đình, cấu trúc xương và trọng lượng cơ thể, một số bệnh mắc phải (như viêm khớp dạng thấp), thói quen hút thuốc, uống rượu...
3 nhóm thực phẩm nên tránh tiêu thụ nhiều vì có thể làm "rỗng xương"
Để xương chắc khỏe, mọi người cần chú ý tránh những thực phẩm làm tăng nguy cơ loãng xương này.
- Thực phẩm nhiều muối
Thường xuyên ăn thực phẩm có nhiều muối là rất bất lợi cho cơ thể con người. Không chỉ gây tăng huyết áp, mà còn làm cho cơ thể tăng tốc mất canxi. Điều này chủ yếu là do thực phẩm muối cao chứa một lượng lớn natri, nó có thể đẩy nhanh sự hòa tan canxi, cũng có thể ức chế sự hấp thụ canxi của cơ thể, dẫn đến mất canxi của cơ thể nghiêm trọng hơn, cuối cùng gây loãng xương.
Tiến sĩ Linda K. Massey, giáo sư dinh dưỡng tại Đại học bang Washington (Mỹ) nói rằng, các nghiên cứu cho thấy tiêu thụ nhiều muối ăn thông thường cũng có thể gây mất canxi, làm suy yếu xương theo thời gian. "Nói chung, cứ 2.300 miligam natri bạn nạp vào cơ thể thì khoảng 40 miligam canxi bị mất trong nước tiểu", Massey giải thích.
- Nước ngọt có ga
Một số loại nước ngọt có ga có chứa axit photphoric, có thể làm tăng bài tiết canxi trong nước tiểu của bạn. Và gần như tất cả các loại nước ngọt đều thiếu canxi. Sự kết hợp đó gây rắc rối cho xương, tăng nguy cơ loãng xương.
"Phốt pho dư thừa thúc đẩy sự mất canxi từ cơ thể khi lượng canxi thấp", Massey giải thích.
- Thực phẩm chứa caffeine
Caffeine lọc canxi từ xương, làm giảm sức mạnh của chúng. "Bạn mất khoảng 6 miligam canxi cho mỗi 100 miligam caffeine tiêu thụ", Massey nói. Đó không phải là một mất mát nhiều như muối, nhưng dù sao nó cũng đáng lo ngại.
Theo tiến sĩ Masey, tin tốt là hạn chế lượng caffeine ở mức 300 miligam mỗi ngày và nhận đủ canxi có thể bù đắp bất kỳ tổn thất mà caffeine gây ra.
2 nhóm người có nguy cơ loãng xương cao
Loãng xương không phải chỉ gặp ở người cao tuổi. Hai nhóm người này cũng có nguy cơ bị loãng xương cao hơn những người khác.
1. Những người lười thể dục
Một yếu tố nguy cơ chính gây loãng xương là lối sống ít vận động. Những người thiếu tập thể dục có nhiều khả năng bị loãng xương hơn những người tập thể dục lâu dài. Lười vận động chính là lý do khiến xương và cơ bắp không được tập thể dục hiệu quả, mật độ xương tương đối thấp. Kết quả là xương sẽ dễ bị tổn thương hơn. Về lâu dài, xác suất loãng xương sẽ tăng lên.
2. Người có "ba cao"
Nhiều người không biết rằng "ba cao" (huyết áp cao, mỡ máu cao và đường huyết cao) cũng là "món ăn nuôi dưỡng" loãng xương. Đặc biệt, những người có lượng đường trong máu cao thì nguy cơ loãng xương càng cao hơn. Tăng đường huyết là một bệnh chuyển hóa mãn tính không lây nhiễm có thể gây hại cho xương người theo nhiều cách khác nhau.
Các triệu chứng của cơ thể con người khi bị loãng xương
Thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu của loãng xương. Nhưng một khi xương đã bị suy yếu do loãng xương, bạn có thể có các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm:
- Chân tay thường cảm thấy yếu và dễ mệt mỏi.
- Tính linh hoạt của khớp giảm nghiêm trọng.
- Chuột rút chân thường xuyên, ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm.
- Thường cảm thấy đau lưng, đặc biệt là sau khi hoạt động thể chất.
- Tư thế bị gù.
- Dễ bị gãy xương...