2017 là năm của hàng loạt những phim bom tấn đình đám được sản xuất bởi những "ông lớn" khổng lồ như Marvel, DC, Universal, Warner Bros.... đổ bộ. Có thể nói, khán giả thế giới đã được phục vụ một cách đã mắt, đã tai và không ngơi nghỉ suốt từ đầu năm đến giờ. Mà nổi bật nhất là loạt phim siêu anh hùng của cả 2 hãng Marvel và DC đều khiến các fan đứng ngồi không yên mỗi khi tung trailer hay có bất cứ động tĩnh gì.
Năm 2017 là một năm thành công của ngành điện ảnh thế giới với nhiều tác phẩm chất lượng và đạt kỷ lục doanh thu phòng vé. Thế nhưng nếu tính cả những bộ phim "bom xịt" gây thất vọng thì số lượng này cũng không hề thua kém loạt bom tấn làm bùng nổ trên toàn cầu. Đơn cử như một số bộ phim sau đây, dù kinh phí được tài trợ lên đến hàng trăm triệu thậm chí là tỷ USD nhưng doanh thu phòng vé vẫn lẹt đẹt. Hoặc cho dù doanh thu có cao nhưng những đánh giá từ các nhà phê bình nói riêng và khán giả xem phim nói chung dành cho những bộ phim này đều không mấy khả quan.
1. The Mummy
Nội dung xác ướp Ai Cập sống lại sau hàng nghìn năm và mang theo lời nguyên diệt vong từng rất thành công với loạt phim The Mummy (1999), The Mummy Returns (2001) và The Mummy: Tomb of the Dragon Emperor (2008). Mãi cho đến năm 2017, các nhà sản xuất phim Universal với tham vọng đưa xác ướp Ai Cập trở lại thâu tóm thế giới và làng điện ảnh Âu - Mỹ. Thế nhưng âm mưu này Universal đã hoàn toàn sụp đổ khi bộ phim nhận về hàng loạt ý kiến trái chiều về nội dung phim.
Phim có sự tham gia của nam tài tử nổi tiếng Tom Cruise, với danh tiếng hiện tại, ai cũng nghĩ rằng Tom Cruise sẽ khiến bộ phim vực dậy và trở thành một vũ khí bí mật của Universal. Thế nhưng khi ra rạp, The Mummy chẳng có gì khác ngoài một nữ mummy (xác ướp) trẻ tuổi với tính cách theo khán giả nhận xét là "sáng nắng, chiều mưa", ẩm ương hơn cả thời tiết Sài Gòn. Còn Tom Cruise lại đóng vai trò một nam chính trong cuộc chạy trốn khỏi những sinh vật kỳ lạ trở về từ lòng đất.
Với số tuổi 50, siêu sao Tom Cruise có lẽ đã không còn phù hợp cho những cảnh hành động với độ khó cao nữa. Anh thậm chí còn tham gia vào quá trình sản xuất phim và gây ảnh hưởng không ít đến nội dung bộ phim. Một số khán giả cho rằng Tom Cruise chỉ nên hoàn thành tốt bổn phận diễn viên của mình thôi chứ đừng nhúng tay và kịch bản của bất cứ bộ phim nào khác nữa.
2. Transformer 5: The Last Knight
Là phần thứ 5 trong chuỗi phim về những anh hùng người máy khổng lồ, thế nhưng Transformer 5: The Last Knight lại là nỗi thất vọng tràn trề đối với những fan kỳ cựu của loạt phim này. Trải qua 4 phần, khán giả trông đợi từ Transformer 5 một cái gì đó mới mẻ nhưng vẫn mang đậm dấu ấn riêng. Có lẽ nhà phát hành phim khi thực hiện khâu kịch bản đã vô tình "hiểu lầm" ý của khán giả khi "lỡ tay" cho thêm cái dấu ấn riêng kia vào phần phim mới này quá nhiều, khiến bộ phim vẫn là cốt truyện giải cứu thế giới như cũ nhưng lại không có chiều sâu.
Về mặt kỹ xảo và máy móc cũng như dàn dựng những cảnh chạm trán, đánh nhau giữa các Autobot và Decepticon vẫn được làm rất chỉn chu và ngon lành cành đào. Tuy nhiên việc lạm dụng quá nhiều cảnh đánh nhau lại bị phản tác dụng và khiến khán giả thấy chán nản vì suốt ngày cứ đánh đấm rồi cháy nổ liên tục.
Tranformers: The Last Knight có kinh phí khủng lên đến 260 triệu USD. Phim còn có sự tham gia của nam tài tử đình đám Anthony Hopkins tuy nhiên lại bị đánh giá là xuất hiện quá mờ nhạt.
Anthony Hopkins xuất hiện mờ nhạt trong "Transformer 5".
3. King Arthur: Legend of the Sword
Vị vua Arthur thần thánh của vương quốc Anh là một trong những nhân vật được các nhà làm phim Hollywood yêu thích và khai thác các huyền thoại xung quanh ông để làm thành phim. Thế nhưng việc cứ làm đi làm lại những bộ phim về nhân vật này lại khiến khán giả cảm giác nhàm chán và có phần không mấy thích thú nữa. Bởi họ đã biết khá rõ và gần như toàn bộ những diễn biến trong cuộc đời ông, đặc biệt là khoảng thời gian ông trị vì.
Với kinh phí hơn 175 triệu đô-la chưa tính tiền quảng bá phim, nhiều người đã thay đổi suy nghĩ của họ về bộ phim này. Bởi họ đã tin tưởng rằng với số tiền đầu tư khủng cùng với những cái tên đình đám như đạo diễn Guy Ritchie, nam diễn viên Charlie Hunnam và nhà sản xuất là hãng phim Warner Bros. thì đây hẳn là một bộ phim về vua Arthur đáng mong đợi.
Ấy vậy mà khi ra mắt, bộ phim chỉ thu về được khoảng hơn 140 triệu đô và khoảng 28% bình luận tích cực trên trang đánh giá phim lớn Rotten Tomatoes. Được biết, theo một số tờ báo lớn của Mỹ thì King Arthur: Legend of the Sword là một trong những vụ làm ăn lỗ vốn của Warner Bros. và khiến hãng thiệt hại đến gần 150 triệu đô. Lý do bắt nguồn từ việc kịch bản dù được xây dựng từ lịch sử nhưng những tình tiết mới được thêm vào chưa đủ logic. Quá nhiều tình tiết không chặt chẽ và dư thừa khiến bộ phim bị cho là quá tệ và thất bại trong việc thu hút khán giả đến xem.
4. Pirates of the Caribbean: Dead Men Tell No Tales
Với kinh phí khổng lồ lên đến con số 200 triệu đô, Cướp biển Ca-ri-bê phần 5 được cho là một trong những phim nhận được số tiền đầu tư khủng nhất. Tuy doanh thu nhận về gấp 3 lần con số bỏ ra là 689 triệu đô nhưng bộ phim vẫn bị cho là một trong những "bom xịt" gây thất vọng của năm. Cái tên huyền thoại gắn liền với series phim cướp biển đình đám này - Johny Depp đã trở lại với vai diễn Jack Sparrow của anh.
Vẫn là một tên thuyền trưởng không nghiêm túc, hài hước và lúc nào cũng xem thường mọi chuyện thế nhưng có lẽ Jack đã không còn "hot" như 4 phần trước. Hình ảnh của Jack Sparrow trong phần này bị cho là có phần mờ nhạt, không quá nổi bật và cũng không hẳn là nắm giữ toàn bộ mạch phim như mọi người vẫn tưởng. Dù được bật mí trước đó, phần này sẽ có sự trở lại bất ngờ của cặp đôi diễn viên Orlando Bloom và Keira Knightly nhưng phim vẫn không tạo được sức nóng như dự đoán.
So với doanh thu của phần 4 là hơn 1 tỷ đô thì rõ ràng phần 5 là một sự thụt lùi đáng buồn của loạt phim về cướp biển này. Được biết dù thu về những bình luận không mấy khả quan nhưng hãng Disney vẫn kiên trì với loạt phim này dù đã cạn kiệt ý tưởng. Johny Depp hiện tại cũng không có bất kỳ dự án lớn nào cản chân khiến anh phải từ chối nhận lời trở lại trong phần 6 của Cướp biển Caribê. Hy vọng rằng phần 6 sẽ giúp phim lấy lại được phong độ và có những tình tiết đủ cuốn hút người xem. Nếu không, phim sẽ chết dần chết mòn bởi kịch bản quá mức nhàm chán.
5. Valerian and the City of a Thousand Planets
Mang tiếng là dự án phim điện ảnh đề tài khoa học viễn tưởng được nam đạo diễn kỳ cựu Luc Besson "thai nghén" suốt 2 thập kỷ thế nhưng Valerian and the City of a Thousand Planets lại mang đến thất vọng nặng nề cho người xem. Được đầu tư "mát tay" với kinh phí lên đến con số 220 triệu USD, Valerian từng được kỳ vọng là một bom tấn kinh điển về đề tài sci-fi.
Ấy vậy mà khi ra mắt, cái mà khán giả thấy được chỉ là những kỹ xảo công nghệ cao, những hình ảnh ảo diệu về một thế giới giả tưởng, những thành phố tiên tiến ngự trị trên dải ngân hà. Nói ra thì nghe rất hoành tráng và vĩ đại nhưng Valerian lại bị đánh giá là quá trau chuốt cho mặt kỹ thuật hình ảnh mà quên mất phần kịch bản và mạch truyện, một trong những yếu tố to lớn quyết định độ thành công của bộ phim.
Đạo diễn Luc Besson.
Nội dung phim bị đánh giá là quá nhạt nhòa, không có cao trào cũng không có điểm nhấn. Sự kịch tính và gay cấn thì lại không được chăm chút đến nơi đến chốn. Cặp diễn viên chính Dane DeHaan và Cara Delevingne diễn xuất còn quá non. Thêm một điểm đáng phê bình ở phim chính là "độ tương tác" giữa 2 nhân vật chính. Dù đây là một phim giả tưởng và chú trọng về mặt kỹ thuật, chiến đấu thì chuyện tình cảm giữa nam - nữ chính cũng khá quan trọng. Bởi nó sẽ góp phần khiến bộ phim thêm hấp dẫn. Thế nhưng dù xinh đẹp và được đứng cạnh nhau nhưng cả Dane và Cara đều không thể hiện được rằng 2 người họ có quan hệ tình cảm với nhau.