Những con chữ hay bài toán lớp 1 dạng cộng, trừ vô cùng đơn giản và có thể đọc trong vòng vài giây với người lớn, tuy nhiên, để giải thích cho những đứa trẻ còn bỡ ngỡ không phải chuyện dễ dàng. Thêm vào đó, làm sao để học mà chơi, chơi mà học, giúp con hứng thú, hào hứng chứ không có cảm giác ép buộc, gò bó là điều không phải bố mẹ nào cũng làm được.

Loạt mẹo học chữ và tính toán hay ho từ cô giáo tiểu học cho các bé sắp vào lớp 1, con khó tập trung đến mấy cũng tiếp thu một cách hào hứng  - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Ngọc Thúy là giáo viên tiểu học tại trường tiểu học Thủ Lệ (Hà Nội).

Cô Nguyễn Ngọc Thúy là giáo viên tiểu học tại trường tiểu học Thủ Lệ (Hà Nội). Những chia sẻ của cô về bí quyết học hiệu quả cho con rất được nhiều phụ huynh yêu thích và tham khảo. Cô Thúy chia sẻ, con trai 4 tuổi của cô tuy không quá hiếu động nhưng con rất nhanh chán và độ tập trung không cao nên cô đã nghĩ ra rất nhiều cách để hai mẹ con vừa học mà vừa vui.

1. Bảng chữ tiếng Việt bằng giấy bìa cứng và nắp chai

Trước đó, cô đã chia sẻ về cách học chữ cho bé 4, 5 tuổi thông qua bảng chữ tiếng Việt 4 trong 1: Giúp con thuộc cùng lúc 4 mặt chữ: “In hoa, viết hoa, in thường, viết thường”.

Bảng chữ cái từ nắp chai.

Bảng chữ khá đơn giản. Bố mẹ chỉ cần chuẩn bị một tấm bìa cứng (có thể lấy từ nắp thùng giấy mì gói, sữa... ), sau đó tô màu hoặc vẽ những hình vẽ thu hút. Phần chữ cái sẽ là các nắp chai đã bỏ đi. Phần trong nắp chai sẽ là chữ viết thường (mẫu chữ các con luyện trong vở tập viết), ở mặt ngoài là mẫu chữ in như sách giáo khoa. Những lần đầu tiên chơi chữ cái với con, phụ huynh nên tháo hết các nắp chữ cái này ra.

2. Phân biệt dấu < , > và nhận biết số chẵn, lẻ

Thật khó để bắt con nhớ được đâu là dấu lớn và đâu là dấu bé đúng ko nhỉ? Bố mẹ yên tâm, trò chơi này sẽ giúp con phân biệt được dấu rất nhanh và quan trọng là con được tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và vui vẻ nhất.

Phân biệt dấu lớn bé.

Bố mẹ cũng chuẩn bị bìa các tông rồi cắt ra thành hai ô tròn. Chia hình tròn thành từng mảnh đều nhau giúp con nhìn và tự so sánh được số nào lớn hơn, bé hơn. 

3. Dạy con xem đồng hồ

Dạy con xem đồng hồ sẽ giúp con có khái niệm về thời gian và có ý thức quản lý thời gian tốt hơn. Sẽ không có chuyện "cho con chơi thêm 5 phút nữa" mà thời gian thực ra là kéo dài hàng giờ. Cha mẹ hãy bắt đầu dạy khi bé đã có khái niệm về thời gian (sáng, trưa, chiều, tối) và có các hoạt động gắn với khung giờ nhất định. Đầu tiên, mẹ chỉ cho bé cách xem kim giờ.

Cách thực hiện: Xoay kim phút về số 12, rồi di chuyển kim giờ đến các vị trí khác nhau trên đồng hồ. Giải thích với trẻ rằng: mỗi khi kim dài (kim phút) chỉ đến số 12, lúc đó là...giờ. Để con tự di chuyển kim giờ vòng quanh cho đến khi con đọc giờ dễ dàng hơn. Chỉ cho bé kim dài hơn chính là kim phút. Giữ cho kim giờ cố định, di chuyển kim phút xung quanh và giải thích cho trẻ, mỗi vị trí kim phút sẽ gọi là gì.

Dạy con xem đồng hồ.

Bắt đầu di chuyển kim phút từ vị trí 5 phút. Bố mẹ hãy bắt đầu với những vị trí đơn giản trước như 15, 30, 45 phút. Khi trẻ đã dần hiểu được, hãy cho con di chuyển kim phút đến các vị trí khác như 25, 35, 50 phút. Cuối cùng là dạy trẻ cách xem kết hợp kim giờ với kim phút. Hướng dẫn con đọc giờ kèm theo phút. Ví dụ: 1 giờ 15 phút,...

4. Dạy bé phép cộng có nhớ

Dạy bé phép cộng có nhớ.

Bộ giáo cụ vô cùng đơn giản, cũng từ bìa các tông và một chiếc bảng cùng bút lông. Đây là lứa tuổi hầu hết các con quen ghi nhớ máy móc nên việc sử dụng giáo cụ sẽ giúp bé ghi nhớ trực quan và hiểu rõ bản chất của phép tính. Sau khi con đã thành tạ phép tính nhẩm có nhớ, bố mẹ hãy cho bé tự thực hành tính mà không cần giáo cụ.

5. Dạy con nhận biết tên

Dạy con nhận biết tên.

Trên thực tế, nếu có phương pháp và không quá đặt áp lực thì việc học chữ ở mẫu giáo cũng cực kỳ nhàn. Bố mẹ chỉ cần lưu ý, thời điểm sẵn sàng học chữ ở mỗi đứa trẻ là khác nhau. Bố mẹ nên thử giới thiệu với con, xem con đã muốn tiếp nhận hay chưa. Không nên ép trẻ. Hãy xem học tập là một hoạt động tự nhiên và vui vẻ, mình tôn trọng thời điểm con đón nhận những hoạt động đó thì những buổi học của con luôn tràn ngập niềm vui và hứng thú.

"Không sợ dạy chữ sớm, chỉ sợ con phải học trong trạng thái bị ép buộc. Nếu con thoải mái vui vẻ mỗi khi ngồi vào bàn học thì bố mẹ cứ tự tin mà dạy con", cô Thúy nói. 

Loạt mẹo học chữ và tính toán hay ho từ cô giáo tiểu học cho các bé sắp vào lớp 1, con khó tập trung đến mấy cũng tiếp thu một cách hào hứng  - Ảnh 7.