Năm 2008, khi cả thế giới bắt đầu mày mò sử dụng Facebook và Instagram, đầu bếp gốc Á nổi tiếng David Chang đã sớm tiên liệu một tương lai "điện thoại ăn trước, người ăn sau" với cơn nghiện chụp ảnh và check-in mỗi khi ăn uống. Ông đã thẳng thừng cấm chụp ảnh món ăn trong các nhà hàng của mình, kèm theo giải thích đơn giản: "Thức ăn là để ăn!".

Loạt nhà hàng tiếng tăm cấm chụp ảnh để đảm bảo trải nghiệm ăn uống truyền thống - Ảnh 1.

Nhiều nhà hàng cấm chụp ảnh để đảm bảo trải nghiệm ăn uống truyền thống.

Năm chữ ngắn gọn súc tích nhưng lại khiến cả làng bếp mừng phát khóc. Bởi không ai có thể hiểu ảnh hưởng tiêu cực của cơn nghiện chụp ảnh với những món ăn, hơn chính cha đẻ của chúng.

Cái "giá" của những bức ảnh

Chúng ta có thể dành hàng giờ để lưu giữ hình ảnh của một món ăn và lâu hơn cả thế để chỉnh sửa, chọn caption rồi đăng lên mạng xã hội vì tin rằng những bức ảnh vô hại. Nhưng người chịu ảnh hưởng đầu tiên lại chính là thực khách.

Một lẽ đơn giản, thức ăn để nguội sẽ không ngon. Chiếc bánh macaron ra khỏi lò vài phút đã có thể xẹp đi rõ rệt, và cheese fondue thì lúc nào cũng phải vừa ăn vừa thổi không là cứng lại ngay, mất hết cả thi thú. Khi đầu bếp bỏ ra 100% công suất để bày ra món ăn nóng sốt nhất, đặt lên bàn trong thời gian ngắn nhất nhằm đảo bảo hương vị, thì việc thực khách chỉ lo chụp ảnh không thèm ăn quả khiến người ta... bốc hỏa hơn cả cái nóng mùa này.

Loạt nhà hàng tiếng tăm cấm chụp ảnh để đảm bảo trải nghiệm ăn uống truyền thống - Ảnh 2.

Thứ hai, không phải ảnh nào khách chụp cũng đẹp. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và giá trị của nhà hàng trong cái thời đại ăn bằng mắt. Và cô gái vàng trong làng chụp ảnh "dìm" nổi tiếng đến độ đầu bếp nào cũng phải sợ chính là Martha Steward – blogger ẩm thực kiêm tác giả sách nấu ăn có tiếng – nhưng tuyệt đối chỉ nên cầm bút chứ đừng cầm máy ảnh:

Loạt nhà hàng tiếng tăm cấm chụp ảnh để đảm bảo trải nghiệm ăn uống truyền thống - Ảnh 3.

Với khả năng "chụp đồ hiệu thành đồ chợ", Steward khiến chúng ta quên mất đây toàn là những món ăn từ các nhà hàng cao cấp hoặc có ít nhất một sao Michelin trở lên. Nguồn ảnh: Twitter Martha Steward.

Một ví dụ khác về sự tai hại của việc để khách chụp ảnh: Dù bức ảnh nhìn không đến nỗi tệ, nhưng nó chẳng khác gì đang lật tẩy sự "mông má" công phu của nhà hàng cho món ăn trên menu. Cùng là một món củ cải và sò điệp thái mỏng, được chụp trong studio thì như hàng trên mạng, chụp bởi khách thì như hàng nhận về…

Hàng "trên mạng" (trái) và hàng "ship về" (phải).

Cuối cùng, dẫu bạn có là một food stylist hay nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp với kĩ năng chụp bức nào ngon mắt bức đó, thì rất nhiều đầu bếp vẫn cảm thấy bạn đang… phá hoại chiến lược kinh doanh của họ. "Nó tước đi sự bất ngờ", đầu bếp người Pháp Gilles Goujon thổ lộ. Ông sợ rằng việc chụp ảnh review rồi tung lên mạng sẽ khiến thực khách chẳng còn hồi hộp và hứng thú gì khi đến nhà hàng của ông nữa – mà đây lại là yếu tố quan trọng trong việc xét duyện sao Michelin.

Dở khóc dở cười chuyện cấm chụp ảnh tại nhà hàng

Dĩ nhiên các ông không thích là một chuyện, smartphone và máy ảnh ngày càng hạ giá và tiện dụng lại là chuyện khác. Mỗi người chúng ta ngày nay đều có thể dễ dàng sở hữu một chiếc máy ảnh với camera tiên tiến, khiến cuộc chiến chống máy ảnh trên bàn ăn trở nên ngày càng muôn hình vạn trạng.

Loạt nhà hàng tiếng tăm cấm chụp ảnh để đảm bảo trải nghiệm ăn uống truyền thống - Ảnh 5.

Theo trường phái quyết liệt thì có Alexandre Gauthier, với quan điểm quán triệt: Muốn ăn thì không chụp ảnh, mà muốn chụp ảnh thì đi về. Ngay trước cửa và trong menu của mình, Alexandre in biểu tượng máy ảnh với dấu gạch chéo để bày tỏ sự phản kháng với cơn lốc mạng xã hội ngoài kia. "Ngày xưa người ta chụp ảnh gia đình, họ hàng. Giờ thì đến món ăn cũng chụp luôn". Alexandre ý thức rất rõ sự thống trị của mạng xã hội và áp lực có những bức ảnh đẹp như một loại thành tựu trong thời hiện đại, vì thế anh cấm tiệt máy ảnh như một hình thức "thư giãn" cho thực khách: "Tôi chỉ đề nghị khách thoát ra khỏi thế giới ảo và sống cho hiện tại. Ít nhất là trong bữa ăn của tôi."

Loạt nhà hàng tiếng tăm cấm chụp ảnh để đảm bảo trải nghiệm ăn uống truyền thống - Ảnh 6.

Dĩ nhiên không phải ai cũng có gan "đuổi khách" như Alexandre. Một số đầu bếp cố gắng tìm cách thỏa hiệp với khách hàng, bằng những hình thức phân tán thú vị khiến họ không chỉ cắm mặt vào điện thoại và chăm chăm chụp ảnh. Một số thì đặt những mẩu chuyện nhỏ dễ thương về lịch sử nhà hàng, văn hóa ẩm thực cho khách đọc. Một số để hẳn… ipad hoặc smartphone có phát video để giải trí (dĩ nhiên đã được vô hiệu hóa thức ăn chụp ảnh). Đôi khi tuyệt vọng quá, đầu bếp David Bouley ở New York bèn… mời hẳn khách vào bếp, muốn chụp bao nhiêu thì chụp, chỉ cần khi thức ăn dọn lên thì hãy ăn hộ ông!

Khó mà đưa ra phán quyết chụp ảnh trước khi ăn nên hay không nên, cấm hay không cấm. Nhưng có một sự thật cười ra nước mắt rằng, chúng ta ngồi vào bàn ăn mỗi ngày, thỏa mãn đủ mọi nhu cầu từ đẹp mắt, vui vẻ đến sống ảo, mà dường như lại quên mất giá trị căn bản của ẩm thực – chính là ăn cho thật ngon.