Học hỏi những chia sẻ, kinh nghiệm của những người đi trước, có thành công nhất định là chuyện mà bất cứ ai cũng nên làm. Nhưng không phải lúc nào những quan điểm này cũng nhận về sự ủng hộ tuyệt đối của mọi người mà ngược lại, có khi lại gây tranh cãi dữ dội. Loạt phát ngôn của các sếp lớn như ông Hoàng Nam Tiến, Shark Việt, Shark Linh, Shark Bình xoay quanh vấn đề thời gian làm việc của người trẻ đang được dân tình bàn tán gần đây là ví dụ điển hình.
Ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Tập đoàn FPT Telecom
Mới đây, Chủ tịch FPT đã chia sẻ quan điểm về thời gian làm việc mỗi ngày trong một talkshow. Ông Tiến cho biết mình cảm thấy xấu hổ khi gặp những người trẻ làm việc 20 giờ/ ngày:
"Tôi rất tự hào có thể làm việc 12, 14, 16 giờ/ngày, không có thứ 7, Chủ Nhật, từ năm này qua năm khác. Nhưng tôi vẫn cảm thấy xấu hổ khi gặp các bạn trẻ làm việc 20 giờ/ngày".
Trước chia sẻ này, dân mạng đã tranh cãi dữ dội. Một nửa cho rằng, quan điểm của Chủ tịch FPT có phần đúng vì nếu muốn thăng tiến trong sự nghiệp và gặt hái được thành công thì công sức bỏ ra phải thật xứng đáng. Ngược lại có nhiều ý kiến khẳng định không phải cứ nhiều là tốt, cần phải biết phân chia thời gian cho công việc và bản thân, bởi thời gian lãng phí rồi khó mà lấy lại được.
Shark Việt - Chủ tịch Tập đoàn Intracom Group
Vài ngày gần đây, một chia sẻ từ năm 2019 của Shark Việt về cách làm việc của nhân viên không chuyên nghiệp cũng được đào lại. Theo đó Shark "ông nội" nói:
"Nhiều nhân viên Việt Nam đi làm chỉ mong đến đúng 5h chiều là về, đã vậy lại rất hay xin nghỉ, giỗ ông nội cũng nghỉ, rồi sinh nhật bà ngoại cũng nghỉ. Thế thì không chuyên nghiệp được. Không chuyên nghiệp thì không làm việc gì được. Khi các bạn là một mắt xích trong hệ thống, việc các bạn làm vậy sẽ rất ảnh hưởng tập thể".
Những chia sẻ của Shark Việt đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của netizen. Nhiều người đồng tình rằng hiện tại nhiều người lao động khá thụ động, hết giờ làm là coi như hết việc, không chịu để ý hay học hỏi thêm. Một số khác lại cho rằng câu nói của Shark là hơi áp đặt, bởi lẽ mọi thứ như giờ làm việc, giờ nghỉ đều được quy định trên hợp đồng. Nhân viên được trả bao nhiêu thì họ cống hiến bấy nhiêu, có thể không khuyến khích nhưng không có gì là sai ở đây.
Shark Linh - CEO Vingroup Ventures
Rõ ràng hơn Shark Việt, Shark Linh còn thẳng thắn cho rằng người trẻ đi làm không nên về trước 7h tối vì như vậy là quá sớm. Nguyên văn chia sẻ của Shark Linh vào năm 2018 từng làm dậy sóng MXH:
"Điều cơ bản nhất là các bạn đi làm từ 9h sáng đến 6h chiều về, nhưng sau đấy các bạn phải làm thêm cái gì đó nữa. Nghĩa là: Các bạn không nên về trước 7h, giờ đó là quá sớm rồi. Các bạn có thể ở lại làm thêm công việc khác, trả lời email, nghiên cứu thêm, tới khi về rồi cũng có thể nghiên cứu thêm nữa".
"Chỉ có như vậy các bạn mới có đủ sự chuẩn bị để nắm lấy cơ hội", Shark Thái Vân Linh kết luận.
Không ít netizen phản đối quan điểm của Shark Linh bởi họ cho rằng sau giờ làm việc thì mỗi người có cuộc sống cá nhân riêng và đó là điều mà các sếp cần tôn trọng. Ngược lại cũng rất nhiều người đồng tình vì nếu muốn phát triển sự nghiệp thì phải nỗ lực hết mình.
Shark Bình - Chủ tịch Tập đoàn NextTech
Với Shark Bình khi một netizen đề nghị chia sẻ về những người ban ngày đi làm kiếm tiền, tối về lướt Facebook, Chủ tịch NextTech đã thẳng thắn cho hay:
"Bản chất các bạn ban ngày đi làm kiếm tiền xong rồi về chơi thì mình không gọi là kiếm tiền, mình chỉ gọi là kiếm sống thôi. Hai chữ 'kiếm tiền' và 'kiếm sống' nó hơi khác nhau đấy".
Theo Shark, sau giờ làm, có thể do hoàn cảnh xô đẩy nên nhiều người vẫn phải đi kiếm sống nhưng nếu có đam mê thì cuối ngày về, họ sẽ dành hầu hết thời gian cho đam mê đấy, chứ không chỉ ngồi chơi: "Dành thời gian cho việc giải trí, xem phim, nghe nhạc, chat chit... thì bản chất chúng ta vẫn chưa có đam mê. Và như vậy, chúng ta đang sống một cuộc sống vật vờ và khó bứt phá, khó thành công được".
Cư dân mạng cũng chia làm nhiều ý kiến trái chiều với quan điểm này. Một số đồng tình và cho rằng người có trải nghiệm như Shark Bình thì luôn có tầm nhìn hơn. Một số khác lại phản bác với lý do mỗi người có một tiêu chuẩn sống riêng, không nên áp đặt tiêu chuẩn của mình lên người khác.
Ảnh: Tổng hợp