Gần 1 tuần qua, Ấn Độ đều ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm Covid-19 mới mỗi ngày và cho đến nay số người chết đã lên đến 200.000 người. Theo truyền thông quốc tế, con số tử vong thực tế còn cao hơn nữa khi các lò hỏa táng ở Ấn Độ đã chạy hết công suất và nhiều nghĩa trang cũng đã chật kín chỗ.

Cả bác sĩ lẫn người dân Ấn Độ đều đang trong cơn tuyệt vọng cùng cực. Giường bệnh, oxy và thuốc là những thứ cấp bách nhất lúc này. 

"Xin hãy gửi oxy cho chúng tôi"

Bác sĩ Gautam Singh, đến từ một bệnh viện tim mạch, cho hay ông bị ám ảnh bởi tiếng bíp bíp phát ra hàng ngày từ máy thở, báo hiệu rằng nồng độ oxy đang ở mức thấp nghiêm trọng và nghe thấy những bệnh nhân Covid-19 của ông bắt đầu thở hổn hển trong một khu cấp cứu ở thủ đô New Delhi. 

Giống như các bác sĩ khác trên khắp Ấn Độ, vị bác sĩ tim mạch này đã phải lên mạng xã hội Twitter cầu xin sự hỗ trợ oxy cho những bệnh nhân của mình thoát khỏi cơn nguy kịch.

Tiếng cầu cứu tuyệt vọng giữa "tâm chấn" từ bác sĩ và người dân Ấn Độ: 2 tuần nữa mới là địa ngục thật sự, làm ơn hãy gửi oxy đến ! - Ảnh 1.

Nhiều bệnh viện ở Ấn Độ đang rơi vào tình trạng cạn kiệt oxy.

"Xin hãy gửi oxy cho chúng tôi. Bệnh nhân của tôi đang chết dần, chết mòn", bác sĩ Gautam Singh nghẹn ngào nói trong video đăng trên Twitter tối 25/4, khi nguồn cung cấp oxy của các bệnh viện gần như cạn kiệt.

Ngày hôm sau, bác sĩ Singh nhận được 20 bình oxy, nhưng số lượng này chỉ đủ để bệnh viện cầm cự trong một ngày. Nếu nguồn cung cấp oxy tiếp tục bị gián đoạn, các máy thở lại bắt đầu phát ra tiếng bíp cảnh báo và bệnh nhân của Singh lại rơi vào cửa tử lần nữa.

"Tôi cảm thấy bất lực vì sự sống của bệnh nhân đang được tính bằng giờ. Tôi sẽ cầu xin một lần nữa và hy vọng ai đó sẽ gửi oxy để giữ cho bệnh nhân của tôi sống sót thêm ngày nào hay ngày đó", bác sĩ Singh nói. 

"Hãy cho tôi một chiếc giường"

Truyền thông Ấn Độ đưa tin, một đoạn video ngắn thương tâm đã được chia sẻ trên Internet, ghi lại cảnh một người đàn ông đến từ Chandrapur, bang Maharashtra đang cầu xin một chiếc giường bệnh cho người cha mắc Covid-19 của mình. Trong clip, anh Kishore Naharshetivar van nài: "Hãy cho cha tôi một giường bệnh, nếu không hãy giết ông ấy chỉ bằng một mũi tiêm, cha tôi đau đớn lắm rồi".

Tiếng cầu cứu tuyệt vọng giữa "tâm chấn" từ bác sĩ và người dân Ấn Độ: 2 tuần nữa mới là địa ngục thật sự, làm ơn hãy gửi oxy đến ! - Ảnh 2.

Tiếng cầu xin vang lên khắp nơi ở Ấn Độ, họ cần giường bệnh và oxy để duy trì sự sống.

Naharshetivar cho biết anh đã đi hàng chục các bệnh viện khác nhau ở Maharashtra và Telangana nhưng đều vô vọng. Tất cả các bệnh viện đều không còn giường. Dưỡng khí trong xe cấp cứu của cha Naharshetivar cũng cạn kiệt dần. Người đàn ông cũng không thể đưa cha mình trở về nhà vì tình trạng của ông đã quá nặng, về nhà đồng nghĩa với chết.

Không chỉ cha của Naharshetivar mà hàng trăm bệnh nhân khác ở bang Maharashtra đều phải vật lộn trong tình cảnh đi tìm giường bệnh, oxy và thuốc giữa địa ngục trần gian. Tuy nhiên họ đều đang tuyệt vọng và lần lượt trút hơi thở cuối cùng ở bên ngoài bệnh viện, trên vỉa hè hay trong xe cấp cứu. Chưa bao giờ sự sống lại trở nên mong manh đến thế!

2 tuần nữa mới là địa ngục

Trong khi người dân Ấn Độ đang ví cuộc sống hiện tại của họ giống như "địa ngục trần gian" trong ngày tận thế thì bác sĩ Shaarang Sachdev, đến từ Bệnh viện chuyên khoa chăm sóc sức khỏe Aakash nói rằng hai tuần tới mới là địa ngục thực sự.

Vị bác sĩ cho biết: "Tình hình hiện nay đang rất nguy cấp. Đại dịch lần này là điều tồi tệ nhất mà chúng tôi từng thấy từ trước đến nay. 2 tuần tới đây mới thực sự là địa ngục đối với chúng tôi".

Tiếng cầu cứu tuyệt vọng giữa "tâm chấn" từ bác sĩ và người dân Ấn Độ: 2 tuần nữa mới là địa ngục thật sự, làm ơn hãy gửi oxy đến ! - Ảnh 3.

2 tuần nữa "địa ngục" ở Ấn Độ mới thực sự bắt đầu.

Krishna Udayakumar, giám đốc Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke tại Đại học Duke, cho biết tình hình của Ấn Độ sẽ không thể cải thiện trong những ngày tới. Krishna Udayakumar cho biết: "Tình hình ở Ấn Độ rất bi thảm và có khả năng trở nên tồi tệ hơn trong vài tuần đến vài tháng. Ấn Độ rất cần sự giúp đỡ và phối hợp toàn cầu để giúp quốc gia vượt qua giai đoạn khủng hoảng này".

Nguồn: Tổng hợp