Cá chép không những là món ăn ngon mà còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng chữa trị bệnh tốt, đặc biệt là các bệnh phụ nữ.

Ông Phạm Đức Dương, giám đốc Trung tâm Tư vấn và Chuyển giao công nghệ, Viện Nuôi trồng Thủy sản cho biết trên Trí thức trẻ, không phải ngẫu nhiên mà cá chép được coi là một trong 3 loại thực phẩm bổ dưỡng (cùng với thịt gà và ba ba). Cá chép là một trong những loài có chất lượng thịt ngon, ăn ngọt, vị thơm. Đặc biệt, với chị em phụ nữ, cá chép nấu cháo hoặc hấp ăn nóng sẽ rất bổ máu, ăn nhiều giúp sắc mặt hồng hào, tuần hoàn tốt. Người đang mang thai, ăn cá chép có tác dụng dưỡng thai.

Lợi ích bất ngờ của cá chép với sức khỏe - Ảnh 1.

Cá chép là món ăn bổ dưỡng cho phụ nữ mang thai, sau sinh và cho con bú. (Nguồn ảnh minh họa: Internet)

 TS Nguyễn Kiêm Sơn, phòng Tài nguyên Môi trường nước, Viện Tài nguyên sinh vật cũng cho biết, theo tài liệu của Hải Thượng Lãn Ông, có khoảng 60 loài cá có khả năng làm thuốc. Trong đó, cá chép là loài bổ dưỡng với phụ nữ. Không chỉ ở Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản cũng sử dụng cá chép để làm món ăn - bài thuốc cho phụ nữ. Những loài khác, tùy từng con, từng bệnh mà được sử dụng từng bộ phận để làm thuốc.

Theo các sách cổ, cá chép bổ tỳ vị, lợi tiểu, tiêu phù, thông sữa, chữa ho, lở loét…là một trong những thực phẩm bổ dưỡng cho thai phụ. Do lợi tiểu, tiêu phù nên cá chép còn được dùng trong nhiều bệnh khác như gan, thận.

Cá chép có thể làm được một số món ăn bổ dưỡng cho phụ nữ, đặc biệt phụ nữ mang thai và cho con bú như cá chép hầm gạo nếp có tác dụng an thai, bổ khí huyết, ôn tỳ vị, trừ mỏi mệt, thiếu máu, lợi sữa. Các món nấu từ cá chép còn giúp phụ nữ sau sinh chữa rong kinh, băng huyết, thông sữa, bổ huyết. Không những thế, nó còn giúp phái mạnh chữa liệt dương.

Theo các chuyên gia, cá chép giàu dinh dưỡng: protein amino acid, omega-3, eicosapentaenoic acid (EPA) có tác dụng làm giảm chất béo trong máu, phòng ngừa và điều trị xơ vữa động mạch, chống ung thư. Ngoài ra, trong cá chép còn chứa vitamin A, vitamin D và vitamin B2… cùng với lượng vitamin E, vitamin B1, hàm lượng niacin rất cao.

Tuy nhiên không phải ai ăn cá chép cũng tốt. Theo trí thức trẻ, có 4 nhóm người không nên ăn cá chép đó là: Bệnh nhân Gout; người bị dị ứng với cá; bệnh nhân gan và thận; bệnh nhân có bệnh xuất huyết, chảy máu vì dị ứng, thiếu vitamin C.