Lời khuyên của các chuyên gia tâm lý để giảm nguy cơ trầm cảm sau sinh

Minh Tuyết,
Chia sẻ

Theo các chuyên gia tâm lý, những biểu hiện như không vui, lo âu, dễ bị kích động, khó tập trung, cáu gắt, chán con, chán chồng, hoảng sợ vô lý… rất có thể là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh.

Biểu hiện của bệnh trầm cảm sau sinh cũng đa dạng

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Phó giám đốc TT Rồng Việt Vũng Tàu, chia sẻ, trầm cảm sau sinh là một căn bệnh về tâm thần (là 1 dạng của bệnh trầm cảm) có những triệu chứng từ nặng đến nhẹ với những rối loạn từ thể chất đến tâm lý và không phải phụ nữ nào sau sinh cũng bị. 

Tại sao sau khi sinh lại có khá nhiều phụ nữ có thể mắc phải căn bệnh này? 

Lý giải điều này, chuyên gia tâm lý Lê Khanh phân tích: Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chứng trầm cảm sau sinh, từ  yếu tố tâm tâm lý đến thể chất và yếu tố di truyền nếu trong gia đình có người thân đã từng bị trầm cảm.

 Đứng trên góc độ tâm lý thì một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh trầm cảm sau sinh là do áp lực đến từ chính bản thân khi mong chờ mình là một người mẹ hoàn hảo, hoặc những áp lực trong công việc hay gặp khó khăn về tài chính. Đôi khi, trong trường hợp sinh con ngoài ý muốn cũng có thể khiến người mẹ buồn phiền, chán nản… dẫn đến tình trạng trầm cảm sau khi sinh.

Ngoài ra những người có mâu thuẫn trong quan hệ giao tiếp với chồng và họ hàng cũng dễ dẫn tới hình thành những khủng hoảng sâu sắc.  Các bà mẹ trẻ chưa có kinh nghiệm trong việc chăm sóc con, có thể càng trở nên lo lắng, căng thẳng. Hoặc những người phụ nữ không may gặp phải người chồng khó tính, thiếu quan tâm đến vợ con cũng có thể gặp phải tình trạng trầm cảm.

Do có nhiều nguyên nhân nên biểu hiện của bệnh trầm cảm sau sinh cũng đa dạng, phổ biến nhất là người mẹ có tâm trạng buồn bã, không quan tâm chăm sóc con, có mặc cảm tội lỗi, cảm thấy bất lực trước các phản ứng như đòi ăn, kêu khóc của con... từ đó đưa đến tình trạng mất ngủ hay ngược lại, bà mẹ lúc nào cũng lờ đờ uể oải và ngủ nhiều. 

Bà mẹ bị trầm cảm sau sinh cũng có thể có những phản ứng, suy nghĩ chậm chạp và trở nên dễ cáu gắt… Chính vì thế nếu không nhận được sự cảm thông của chồng thì lại càng dễ đưa đến những tranh cãi, mâu thuẫn làm nặng thêm tình trạng trầm cảm của mình. Từ những tranh cãi, mâu thuẫn cùng với thể chất mệt mỏi, người phụ nữ bị trầm cảm sau sinh có thể có ý định tự sát hay giết con.

trầm cảm sau sinh 2
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh.

Trang bị kiến thức trong quá trình mang thai và sinh nở

Cùng với quan điểm này, BS Mạnh Quân, Bệnh viện Tâm Thần Trung ương cho biết thêm: Có những bệnh nhân mắc trầm cảm sau sinh bị hoang tưởng có ảo giác, ảo thanh. Trong trường hợp này, người mẹ có thể giết con mà không hay biết và không thể tự chủ được hành động của mình.

Trong thực tế có nhiều gia đình khi có người bị trầm cảm thấy mặc cảm xấu hổ, sợ người xung quanh biết nhà mình có người không bình thường, đặc biệt người bệnh là phụ nữ nên lại càng giấu kín, đến khi bệnh nặng mới đưa đi khám. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân được phát hiện bệnh thì đã muộn, điều trị khó khăn hơn. 

 Vì thế, với những phụ nữ đang mang thai, gia đình nên tìm hiểu các kiến thức về tình trạng sức khỏe, nhu cầu tâm lý của người mẹ trong giai đoạn thai kỳ, hậu sản… qua đó sẽ biết cách chăm sóc cháu bé cho cả hai vợ chồng, tạo điều kiện cho người chồng hỗ trợ vợ một cách tốt nhất và người vợ cũng được giải tỏa tâm lý.

Đối với người phụ nữ lần đầu làm mẹ, nên tham gia vào những lớp học do các cơ sở y tế, bệnh viện tổ chức. Tại đây thai phụ sẽ thu lượm được những thông tin bổ ích và giúp cho các bà mẹ tương lai có điều kiện giao tiếp, giảm bớt nỗi lo không đáng có. Hoặc trao đổi những điều cần thiết với người mẹ, người chị để áp dụng cho bản thân những kinh nghiệm quý báu của những người đi trước. 

trầm cảm sau sinh 1
Những biểu hiện như không vui, lo âu, dễ bị kích động, khó tập trung, cáu gắt, chán con, chán chồng, hoảng sợ vô lý… rất có thể là dấu hiệu của chứng trầm cảm sau sinh. Ảnh minh họa

Người nhà cần làm gì khi có người bị trầm cảm sau sinh?

Sự quan tâm của gia đình chính là nền tảng cần thiết cho người bị trầm cảm. Vì thế khi thấy vợ có những biểu hiện trầm cảm, thì người chồng cần phải thận trọng trong cách ứng xử, không đưa ra những nhận định, phê phán mang tính mỉa mai hay có những lời trách móc về việc thiếu chăm sóc con. Những người thân trong gia đình cũng cần có thái độ thông cảm, giúp đỡ người bệnh chứ không được có tâm lý ghét bỏ, xua đuổi, né tránh hay miệt thị…

Chuyên gia tâm lý Lê Khanh lưu ý, khi người vợ đang mang trong mình căn bệnh trầm cảm. Người chồng cũng cần lưu ý đến tình trạng sức khỏe của vợ, đừng đòi hỏi hay quấy rầy, tạo điều kiện cho vợ được nghỉ ngơi, thư giản, chú ý đến chế độ ăn uống và để cho vợ làm gì tùy ý. 

Người mẹ bị trầm cảm cũng cần sự quan tâm hỏi han vì vậy ngoài việc người chồng chăm sóc, thì sự hỏi han của họ hàng, ông bà cũng là một yếu tố giúp cho bà mẹ không cảm thấy cô độc, lo lắng. 

Một bầu khí thoải mái vui vẻ, trong gia đình, một thái độ quan tâm ân cần, những lời nói tich cực và chế độ ăn uống thích hợp, đủ dinh dưỡng cũng như có sự chia sẻ trong việc chăm sóc con, bồng ẵm, ru ngủ con của người chồng… sẽ là những yếu tố thuận lợi giúp bà mẹ vượt qua được những khủng hoảng dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh

Afamily mở ra diễn đàn “Trầm cảm sau sinh – Đối diện và Vượt qua”với thông điệp “Lắng nghe – Chia sẻ và Thấu hiểu”. Đây sẽ là nơi các bà mẹ có thể cởi mở chia sẻ câu chuyện thật của mình khi đã trải qua hoặc đang nỗ lực tìm cách để vượt qua trầm cảm sau sinh.

Đó sẽ là những tiếng nói đầy thấu hiểu để giúp các bà mẹ khác đang trải qua những tháng ngày khủng khiếp này, là những tiếng nói để những người xung quanh hiểu rằng, các bà mẹ cần được lắng nghe và chia sẻ một cách thực sự trong giai đoạn nhạy cảm này. Hi vọng rằng, diễn đàn sẽ nhận được sự chia sẻ của các bà mẹ, nhận được sự quan tâm của các ông bố và được nhiều người lan tỏa.

Những câu chuyện và trải nghiệm về việc đối diện và vượt qua trầm cảm sau sinh của các mẹ, xin được gửi về email [email protected]. Chân thành cảm ơn.

Chia sẻ