Mua vàng hàng tháng để tích luỹ dài hạn

Thay vì đầu tư cổ phiếu hay gửi tiền vào ngân hàng, vợ chồng anh T.T (27 tuổi, Hà Nội) lựa chọn mua vàng từ tiền nhàn rỗi cách đây 2 năm sau khi kết hôn. Họ mua vàng để tích lũy dài hạn.

Nói về lựa chọn này, T.T cho hay mua vàng để hình thành thói quen tiết kiệm và đầu tư lâu dài. Thêm nữa, anh thích mua vàng vì hình thức đầu tư này… đơn giản. Tức là anh chỉ cần đợi mua vàng vào ngày giá giảm, bán vàng vào ngày giá cao mà không cần tính toán cẩn thận như đầu tư chứng khoán.

T.T chia sẻ: “Mình chỉ coi vàng là một loại tài sản phòng thủ. Mình mua vàng từ dòng tiền tiết kiệm hàng tháng, khi nào đủ sẽ mua 1 chỉ. Mình thường đặt cột mốc chốt lãi vàng, khi nào đạt mục tiêu đó thì sẽ bán đi, chứ không đợi vàng lên đỉnh. Bởi giờ giá vàng biến động lắm, mình sẽ khó biết được khi nào thị trường vàng sẽ đóng băng và không còn tăng nữa. Đó cũng là lý do mà dân tình cho rằng vàng có lên 95 - 100 triệu đồng thì mình cũng không quan tâm”.

Lời khuyên của vợ chồng nghiện mua vàng sau khi kết hôn: Nếu biết cách này thì sẽ lãi- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Tương tự T.T, vợ chồng anh Văn Huy (27 tuổi, Lạng Sơn) có thói quen mua 2-3 chỉ vàng mỗi tháng sau khi kết hôn.

“Thu nhập của vợ chồng mình tương đối ổn, tiền nhàn rỗi không để làm gì nên mới có dư để mua vàng. Hơn hết là vợ mình thích vàng. Trước khi cưới, vợ mình đã quan tâm đến giá vàng rồi. Sau này khi kinh tế vợ chồng ổn định và nghe theo lời khuyên từ các mẹ, vợ mình cũng bắt đầu mua vàng để dự trữ lâu dài", Văn Huy cho biết.

Anh chia sẻ quan điểm khi đầu tư vàng: Về lâu dài, mua vàng sẽ sinh lời, kể cả bạn đu đỉnh. Tuy nhiên, lúc mua vàng ở đỉnh bạn phải chấp nhận rủi ro là có thể sau này bán ra, mức sinh lời sẽ thấp hơn nhiều so với các tài sản khác. Bởi thời điểm mua vào, giá vàng đã cao hơn so với mức bình thường.

Kinh nghiệm mua vàng để sinh lời

T.T cho hay, anh là người mua vàng để tích lũy dài hạn. Do đó, khi giá vàng chạm đỉnh hay xuống đáy thì anh chàng luôn chọn cách “ngồi im”, tức là nói không với mua đỉnh và bán đáy vàng.

T.T chia sẻ: “Mình có tham gia những hội nhóm về vàng để cập nhật giá và các kinh nghiệm mua bán. Trong đó, vào những ngày giá vàng tăng cao, chẳng hạn như vía Thần Tài hoặc ngày vàng chạm đỉnh, mình thấy mọi người nói về chuyện mua vàng rất nhiều. Tuy nhiên, mình luôn tránh xa mua vàng vào thời điểm này vì chúng rất rủi ro, đến từ phía hai đầu mua - bán cách xa nhau. Thay vào đó, mình sẽ đợi ngày vàng giảm giá mới tính chuyện mua tích trữ”.

Được biết, chỉ trong năm ngoái, giá vàng bắt đầu tăng cao, cứ 4-5 tháng anh lại chốt lời một lần, với tỷ suất sinh lời là 5-10%.

“Mua vàng theo chỉ thì có hơi lắt nhắt, nhưng về lâu dài thì đó là hình thức tích tiểu thành đại khá hay. Đơn cử như trước khi mua vàng, mình thường dồn tiền mua thứ linh tinh nên thành ra nhiều khi nghĩ mình đi làm được nhiều tiền lắm, nhưng tiết kiệm chẳng còn bao nhiêu. Với mình, giữa lúc kinh tế khó khăn, có vàng trong người thì sẽ yên tâm hơn. Chẳng hạn rủi ro thất nghiệp thì có thứ để bán”, T.T nói thêm.

Lời khuyên của vợ chồng nghiện mua vàng sau khi kết hôn: Nếu biết cách này thì sẽ lãi- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Còn về phía vợ chồng Văn Huy, anh cho biết cặp đôi dự định dùng tiền lãi bán vàng, góp với tiền lãi kinh doanh để mua nhà trong 2 năm tới. Trong thời điểm kinh tế biến động nhiều, họ kỳ vọng sẽ thu được nhiều lợi nhuận từ vàng hơn so với gửi tiết kiệm tại ngân hàng.

Thời gian đầu mới mua vàng, do không có nhiều kinh nghiệm nên vợ chồng anh quyết định mua cả hai loại là vàng nhẫn và vàng miếng. Sau khi theo dõi thị trường vàng thì Văn Huy cho rằng đó là lựa chọn sáng suốt. Mua cả hai loại vàng cũng là lời khuyên Văn Huy muốn gửi đến những người mới tìm hiểu về vàng.

"Mình để ý, mỗi loại vàng lại có chu kỳ tăng giảm giá và biến động khác nhau. Do đó, nếu mua cả hai loại vàng thì mình phần nào nắm được thế chủ động và giảm thiểu rủi ro hơn trên thị trường”, Văn Huy bày tỏ.