Tối qua vô tình đọc được bài: “Vâng, tôi là thằng đàn ông ăn bám vợ nhưng tôi hạnh phúc!” của bạn Nguyễn Mạnh Sinh. Tôi thấy lối suy nghĩ của bạn rất thú vị nhưng đúng thì có lẽ chưa chắc. Có thể bạn cảm thấy như vậy là hạnh phúc nhưng vợ bạn, gia đình bạn, gia đình vợ và tất cả những người xung quanh chưa chắc đã thấy được điều đó.
Trước hết xin tự giới thiệu về bản thân. Tôi năm nay 35 tuổi, hiện đang là chủ một nhà hàng có tiếng ở Hà Nội. Để có được ngày hôm nay, tôi đã phải trải qua biết bao khổ cực, đắng cay. Trong đó có thể kể đến những ngày tôi ăn bám vợ và nhà vợ.
Nhà tôi trước đây rất nghèo nên tôi phải nghỉ học từ năm lớp 9. Sau đó tôi đi bán hàng thuê cho người ta và gặp vợ tôi. Cô ấy là con một gia đình giàu có, được ăn học đàng hoàng. Chúng tôi đã yêu nhau rồi chia tay vài bận mới có được một đám cưới miễn cưỡng bên nhà gái. Mẹ vợ đưa ra yêu cầu là tôi phải nghỉ việc để ở nhà làm hậu cần cho vợ tôi phát triển sự nghiệp. Bởi bà chê tôi học vấn thấp, không kiếm được một việc ra hồn. Trong khi vợ tôi là thạc sĩ kinh tế. Vì lẽ đó tôi đã đồng ý.
Nhục nhã lắm chứ nhưng tôi vẫn cố nhịn để không làm vợ buồn. (Ảnh minh họa)
Vợ tôi sinh con ngay sau khi cưới để sau đó toàn tâm toàn ý cho công việc. Từ lúc con còn đỏ hỏn cho đến khi con trai được 5 tuổi, một mình tôi cáng đáng hết mọi việc. Cũng có lúc tôi cảm thấy hạnh phúc như anh Sinh. Tôi cho rằng chỉ cần tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người ở nhà thì tôi sẽ nhận được sự cảm kích từ vợ và nhà vợ.
Con trai tôi 3 tuổi đã biết hầu hết màu sắc và nhận biết mặt số tốt. Ai cũng khen ngợi cháu lễ phép, giỏi giang. Và mẹ vợ tôi luôn đáp lại thế này: “Cũng nhờ gen di truyền của mẹ với nhà ngoại nó chứ nó mà giống ba với bên nội thì cũng chẳng được tài như thế”. Khi nói bà vừa kéo dài ra như thể chê bai, xúc phạm tôi và cả nhà tôi. Nhục nhã lắm chứ nhưng tôi vẫn cố nhịn để không làm vợ buồn, không làm chấn động tâm lý của con trai.
Tuy nhiên chuyện gì cũng có giới hạn của nó. Đến khi mẹ vợ tôi chỉ thẳng mặt chê bai mẹ tôi bẩn thỉu thì tôi không thể nhịn được nữa. Hôm ấy mẹ tôi nghe tin cháu bệnh nên xách theo một con gà, mớ cá đồng đi xe ôm từ quê lên thăm.
Tôi thà đi làm lương chưa tới 3 triệu còn hơn ở nhà bám vợ. (Ảnh minh họa)
Tôi mời mẹ ngồi ở ghế salon rồi đi lấy nước uống. Mẹ vợ tôi đi cà phê về thấy liền lấy tay che mũi rồi đi thẳng vào nhà mà không hề nhìn đáp lại nụ cười của mẹ tôi. Bà ấy lên thay váy rồi xuống lại và nói thẳng: “Bà sui gia ra hiên nhà ngồi giúp tôi. Bộ salon này cả trăm triệu chứ chẳng ít. Cá rồi gà để ở đây bẩn thỉu, hôi thối thế này ai chịu được”.
Mẹ tôi rớm nước mắt bỏ ra hiên. Không thể chịu được, tôi cãi nhau tay đôi với mẹ vợ và dắt mẹ cùng con trai về quê. Về quê rồi, mẹ tôi cứ bảo tôi và cháu lên lại thành phố. Nhưng tôi không chịu. Lời nói của mẹ vợ như nhát búa giáng vào đầu tôi, khiến tôi không sao tha thứ được. Đồng thời cũng khiến tôi ngộ ra mình hèn biết bao khi ăn bám vợ.
Vợ tôi cũng nhận ra sai trái của mẹ cô ấy nên tối hôm đó cũng bắt xe về quê theo tôi. Vợ tôi đồng ý ra ở riêng với tôi. Còn bố mẹ tôi bán đất lấy tiền cho tôi mở quán ăn. Nhờ tài nấu ăn ngon nên quán tôi rất đông khách. Dành dụm 3 năm thì tôi mua được nhà riêng. Bây giờ thì tôi đã có một cơ ngơi do tự tay mình làm ra. Nhà vợ tôi cũng phải nể và kính phục tôi lẫn gia đình tôi chứ không còn như ngày xưa. Thế mới nói: ở nhà ăn bám vợ là sai lầm. Không chỉ bản thân bị coi rẻ mà cả gia đình bị rẻ rúng theo. Không đáng. Giờ nếu cho tôi quay lại thời đó, tôi thà đi làm lương chưa tới 3 triệu còn hơn ở nhà bám vợ.