Không dịu dàng cũng chẳng nói nhiều những lời âu yếm như mẹ, các ông bố thể hiện tình cảm với con cái theo một cách hoàn toàn khác. Đó là những hành động cụ thể, những hi sinh thầm lặng mà chẳng phải đứa con nào cũng đủ tinh ý để hiểu. Hoặc đến khi biết được thì đã quá muộn màng.
Với sức ảnh hưởng như vậy thì chẳng có gì lạ khi con cái, đặc biệt là con trai, càng lớn lên lại càng giống bố. Từ lời nói, cách ứng xử đến cách thể hiện tình cảm với con cái của họ, đúng như ông bà vẫn hay nói: cha nào con nấy. Và ông bố trẻ dưới đây là một ví dụ điển hình cho câu chuyện này.
Mới đây, ông bố trẻ đã chia sẻ câu chuyện cảu mình lên một nhóm kín khá đông thành viên trên mạng xã hội. Anh viết:
"Ngày mình còn bé, nhà nghèo vô cùng. Bố mình làm bánh mỳ buổi đêm nên trước khi đi làm bố thường đi uống cafe cho đỡ buồn ngủ. Ngày đó mình ao ước có một đôi giày như chúng bạn. Bố mình biết và dắt ra ngoài vỉa hè Trại Lính (ngã tư Trại Lính, Hải Phòng) và mua cho mình hai đôi giày.
Ngày bé thì ai biết đắt rẻ hay thật giả là gì đâu. Chỉ biết là sung sướng vô cùng. Nhưng sau đó nhiều hôm liền mình thấy bố không đi uống cafe như mọi lần nữa. Và điều này cứ ám ảnh mình mãi đến bây giờ.
Sau này lớn lên, khi mình có điều kiện hơn, mình luôn cố gắng mua cho con mình những thứ mà ngày bé mình không mua được. Còn con mình thích cái gì thì lớn lên tự kiếm tiền mà mua."
Câu chuyện của ông bố trẻ. (Ảnh chụp màn hình)
Kèm theo những dòng tâm sự này là hình ảnh gần 40 đôi giày của con gái mà ông bố trẻ đã mua cho con suốt thời gian vừa qua và cô con gái nhỏ dễ thương của anh. Được biết chủ nhân của câu chuyện là anh Phạm Đình Tùng, ông bố của một cô gái nhỏ. Chia sẻ về câu chuyện này, anh Tùng cho biết: "Vì trải qua một tuổi thơ khốn khó nên mình muốn dành cho con gái tất cả những gì tốt đẹp nhất."
Vì có một tuổi thơ vất vả nên anh Tùng muốn dành cho nàng công chúa nhỏ tất cả những gì tốt đẹp nhất. (Ảnh NVCC)
Ngay sau khi được đăng tải, hàng loạt lượt thích và bình luận đã xuất hiện phía dưới bài viết. Đầu tiên phải kể đến những người dành sự ngưỡng mộ cho số lượng giày không nhỏ của bé con nhà anh Tùng: "Bé con được ông bố chăm quá! Nhiều giày dễ thương ghê!"
Tuy nhiên, với những chia sẻ này, dường như cộng đồng mạng đang hiểu sai những điều mà anh Tùng muốn gửi gắm. Một người bình luận: "Mình cứ tưởng đọc đoạn sau là mua lại cho bố, ai ngờ lại mua cho con và chụp ảnh số giày của con". Đây cũng là thắc mắc của nhiều người.
Khi được hỏi về hiểu lầm này, anh cho biết: "Cuộc đời của mình bị ám ảnh bởi những đôi giày. Không chỉ có câu chuyện mình đã kể mà còn rất nhiều chuyện khác nữa. Hồi mình học lớp 5, mê đá bóng nhưng chỉ đi có 1 chiếc giày bên phải, chiếc bên trái rách nên phải đi chân đất. Đó chính là lý do khiến cho bây giờ giày của mình một chiếc cỡ 40, 1 chiếc cỡ 41. Những đôi giày cứ thế theo mình đến khi trưởng thành.
Sau này khi có gia đình, có con, mình quyết định sẽ phải mua cho con những đôi giày phù hợp với khả năng. Mỗi lần có người rủ đi nhậu nhẹt mình đều từ chối. Không phải mình coi thường họ hay gì mà mình không uống rượu bia bao giờ. Mỗi lần như thế mình để dành 200.000 đồng và góp để mua giày cho con.
Bố con anh Tùng trong một chuyến đi chơi. (Ảnh NVCC)
Mình khá buồn khi có nhiều người hiểu sai ý mình. Mình chia sẻ câu chuyện không phải để khoe con nhiều giày hay nhà mình có điều kiện mà chỉ muốn tìm sự đồng cảm ở những người có hoàn cảnh giống mình. Còn về việc báo đáp bố mẹ, mình cũng không để ông bà thiếu thốn gì."
Bên cạnh đó, cũng có không ít người thích thú và đồng tình với những gì mà ông bố trẻ này chia sẻ:
"Ông bố dễ thương quá!", bạn L.N.P.N. nhận xét.
"Đừng ai hỏi anh ấy đã mua cho bố cái gì, anh ấy mua cái gì cũng không kể ở đây được. Anh ấy đang nói về tuổi thơ chứ không nói gì về việc kiếm tiền rồi lo cho bố", bạn N.P.T. ý kiến.
"Giống mình quá, mua cho con những thứ mà trước đây mình ao ước nhưng không mua được để tuổi thơ của con trọn vẹn hơn", bạn B.B. đồng tình.
Hiện tại bài viết vẫn đang nhận được một lượng tương tác khá lớn từ dân mạng. Những người có tuổi thơ khốn khó hẳn đang rất đồng cảm với ông bố còn bạn, bạn có muốn bù đắp cho bố mẹ sau khi khổ cực nuôi mình khôn lớn cũng như dành cho con cái tất cả mọi điều tốt đẹp nhất có thể không?